Những năm gần đây, nông dân xã Trực Mỹ (Trực Ninh) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.
Có 2,2km giáp sông Ninh Cơ nhưng không có vùng đất bồi, xã Trực Mỹ phải lấy đất ruộng để đắp đê nên cả một dải ven đê của xã là thùng đào, thùng đấu trước đây để hoang không thể canh tác được vì muốn cải tạo cần đầu tư lớn cả vốn và công sức. Khi phong trào chuyển đổi sản xuất với các mô hình, phương thức canh tác phù hợp từng loại thổ nhưỡng phát triển, khu thùng đào này được nhìn thấy những giá trị chẳng kém “bờ xôi, ruộng mật”. Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch và chuyển đổi 10ha diện tích đất thùng đào, thùng đấu để phát triển trang trại tổng hợp để cho các hộ nông dân trong xã đấu thầu. Khi đã có cơ chế pháp lý rõ ràng, người dân đã yên tâm đầu tư. Từ đây, các hộ đã tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng các loại cây có giá trị kinh tế và nuôi thủy sản. Nhiều mô hình trang trại tổng hợp hiệu quả kinh tế cao đã xuất hiện. Chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình anh Vũ Văn Thành ở xóm 10. Trên diện tích 3ha đất ruộng của gia đình và đất đấu thầu ven đê sông Ninh Cơ, anh Thành đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn kết hợp với trồng cây và thả cá. Ban đầu việc sản xuất của gia đình gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, nhưng không nản chí, anh Thành tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu kinh nghiệm từ các trang trại đã thành công. Với phương châm phát triển bền vững, anh không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cải tạo, nâng cấp chuồng trại, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh... Do vậy đàn lợn của gia đình anh luôn phát triển tốt, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tích lũy lãi qua từng năm, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt lên 2 dãy chuồng. Một dãy gồm 18 ô chuồng, nuôi lợn nái sinh sản và lợn đực giống để chủ động lợn giống cho trang trại của gia đình. Dãy chuồng thứ hai nuôi lợn thương phẩm, mỗi dãy có chục ô chuồng, nuôi mỗi lứa 120-150 con. Các ô chuồng được anh Thành nuôi gối nhiều lứa từ lợn giống mới tách đàn đến lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng nên tháng nào gia đình anh cũng có lợn thịt xuất chuồng, lại không lo bị ép giá do xuất ồ ạt một thời điểm. Trung bình từ 12-13 tấn lợn thịt/tháng; doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, lãi trên dưới 300 triệu đồng/năm. Tận dụng phân lợn ủ khô, anh còn trồng thêm 300 gốc chuối, mỗi năm cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Không để phí tấc đất nào, anh Thành còn đào 5 ao với diện tích 2ha nuôi cá trắm cỏ. Toàn bộ hệ thống ao nuôi của anh đều có cống bơm tiêu nước liên thông, khép kín, xung quanh ao được bê tông hóa. Năm 2015, gia đình anh Thành xuất bán 5 tấn cá trắm cỏ, lãi trên 100 triệu đồng. Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Vũ Đình Luân, xóm 9 cũng nhận thầu 2ha đất thùng đào, thùng đấu của địa phương làm trang trại. Mặc dù diện tích đất gia đình ông đấu thầu là đất khó canh tác, mất nhiều công sức và tiền vốn để đầu tư cải tạo. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu khó nên ông Luân đã dần xây dựng thành một trang trại quy mô hoàn chỉnh, khoa học với vườn cây ăn quả, ao cá và hệ thống chuồng trại… Dẫn chúng tôi đi thăm quanh các ao cá có tổng diện tích mặt nước gần 1,1ha nuôi thả cá trắm cỏ là chủ lực, ngoài ra ông còn nuôi thêm các loại mè và trôi; ông cho biết: ông tự mua cá bột ương thành cá giống để nuôi cá thương phẩm và phục vụ nhu cầu nuôi cho bà con trong và ngoài xã. Đồng thời, trên vườn ông trồng thêm các loại cây thuốc, cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng như cam Đường Canh, bưởi Diễn, táo lai, ổi, đinh lăng… tăng thu mỗi năm thêm hàng chục triệu đồng. Để tận dụng mặt nước, bờ ao, góc vườn, gia đình ông còn duy trì nuôi 600 con vịt siêu trứng… Hằng năm, sau khi trừ chi phí các loại, thu nhập từ trang trại tổng hợp của gia đình ông Luân luôn ổn định từ 250-300 triệu đồng. Hiện nay, ông Luân đã hoàn thiện dãy chuồng diện tích 160m
2 để trong thời gian tới ông nuôi 20 con lợn nái đẻ với mục tiêu duy trì đàn lợn thương phẩm 160 con/lứa. Không chỉ có gia đình anh Thành, ông Luân mà hiện nay, ở khu chuyển đổi ven đê xã Trực Mỹ nhiều hộ nông dân lựa chọn mô hình làm kinh tế trang trại tổng hợp để phát triển cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ các ông: Vũ Văn Tân, xóm 12 nuôi 500-1.000 con vịt, 5 con trâu, thả 2ha cá; Ngô Xuân Chiến, xóm 14 nuôi 500 đôi chim bồ câu Pháp, 1.000 con gà và vịt, thả trên 1ha cá truyền thống kết hợp trồng hòe; Phạm Văn Quý, xóm 11 nuôi lợn kết hợp thả cá… lãi 300-500 triệu đồng/năm.
|
Chăm sóc đàn lợn nái tại trang trại của anh Vũ Văn Thành, xóm 10, xã Trực Mỹ (Trực Ninh). |
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Văn Thiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Mỹ cho biết: Nhằm khuyến khích nông dân phát triển kinh tế trang trại, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua các tổ chức, đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, HTXDVNN… xã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho các hộ nông dân có nhu cầu. Tạo điều kiện để bà con nông dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH đầu tư vào sản xuất. Trong chăn nuôi, Trực Mỹ hướng các hộ nông dân từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ theo các mô hình đang được khuyến cáo mở rộng trong sản xuất như: nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; mô hình gà thả vườn; mô hình chăn nuôi vịt, ngan cao sản; mô hình hầm bi-ô-ga trong xử lý chất thải chăn nuôi… Khuyến khích các hộ gia đình thực hiện việc liên kết trong chăn nuôi từ việc tìm đầu ra cho sản phẩm đến liên kết, hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Do đó, các hộ đã thực hiện, tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi. Thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ở cả 2 vụ xuân, vụ thu và phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại định kỳ đúng theo sự chỉ đạo huyện, tỉnh. Trong phát triển nuôi thủy sản, ngoài các đối tượng cá truyền thống, xã còn khuyến khích các hộ nuôi thả nhiều đối tượng nuôi mới như cá chim trắng, tôm càng xanh… Đồng thời tạo điều kiện cho các hộ nuôi theo hướng hàng hóa bền vững, thân thiện với môi trường, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi thả, bảo đảm VSATTP, tăng khả năng cạnh tranh thị trường. Ngoài ra, các chủ trang trại còn thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh ở cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản… để cùng nhau phát triển bền vững.
Có thể nói, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Trực Mỹ là hướng đi đúng đắn, biến những diện tích đất hoang hóa thành “tấc đất, tấc vàng” đưa kinh tế trang trại tổng hợp trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo bước chuyển mạnh trong phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ những kết quả đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 2,92%, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng/năm, góp phần giúp Trực Mỹ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2015./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh