Hiệu ứng tích cực của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

07:03, 03/03/2016
Theo báo cáo khảo sát của Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, sau 6 năm phát động, tỷ lệ người tiêu dùng trong tỉnh tin tưởng và ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa nhãn hiệu Việt đã tăng lên trên 70%. Điều đặc biệt quan trọng là ngoài việc khuyến khích người dân tin dùng hàng Việt, CVĐ còn giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, góp phần thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
 
Có được kết quả này, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất như: Hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu, CCN, các điểm công nghiệp ở các vùng nông thôn... hỗ trợ các dự án sử dụng công nghệ cao. Chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa theo chức năng. Trên cơ sở đó, các sở, ngành chức năng tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao chất lượng hàng hoá, mở rộng thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng các loại hình thương mại, hội chợ, sàn giao dịch; đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại cửa hàng tự chọn để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng hàng Việt ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Sở Công thương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên, UBND các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015-2020 và một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm; tăng cường công tác đào tạo, khuyến công giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác quản lý thị trường… Các địa phương trong tỉnh đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với tâm lý, văn hóa và thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm được chú trọng. Nhiều sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống của địa phương đã được quảng bá qua các kênh hội chợ, lễ hội, hội trại văn hóa... Đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra xử lý hàng hóa không nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái trên địa bàn để thanh lọc hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng Việt chất lượng, người kinh doanh hàng Việt Nam có điều kiện phát triển và đi sâu vào đời sống, định vị trong thói quen tiêu dùng của người dân. Tại huyện Trực Ninh, mặc dù còn nhiều khó khăn, khi triển khai CVĐ như tâm lý sính hàng ngoại, công tác tuyên truyền sản phẩm, hàng Việt Nam còn hạn chế, người dân thiếu kiến thức và kỹ năng trong lựa chọn, đánh giá chất lượng hàng hóa dẫn đến người tiêu dùng còn lúng túng trong sử dụng và lựa chọn hàng Việt Nam... nhưng nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hàng Việt Nam đã được triển khai trên địa bàn. Ban chỉ đạo CVĐ của huyện cũng như lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo trong mua sắm công, chú trọng ưu tiên sử dụng hàng nội địa, nhất là các công trình, dự án, hoạt động mua sắm, tiêu dùng thường xuyên. Một cách làm hay, thể hiện việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam ở huyện Trực Ninh đó là yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng là hàng Việt Nam vào thi công các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn... Từ những hoạt động trên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo huyện, đã có tới 75-80% người tham gia hưởng ứng CVĐ lớn này. Nhiều sản phẩm sản xuất trên địa bàn huyện Trực Ninh như hàng thủ công mỹ nghệ Mộc Kênh, Thị trấn Cổ Lễ, bánh Rang Cát Thành, Thị trấn Cát Thành, cá nướng Phương Định, tơ lụa Cổ Chất… đã có chỗ đứng trên thị trường, tạo ra giá trị thu nhập cao cho người sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo huyện còn phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đưa hàng Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng, giúp họ nhận thức được ý nghĩa của CVĐ cũng như hành vi ưu tiên tiêu dùng hàng nội. Nhờ đó, hàng Việt Nam đã có “chỗ đứng” trong thứ tự ưu tiên tiêu dùng của người dân nông thôn...
Khách hàng tham quan, mua sắm sản phẩm bánh kẹo truyền thống của làng nghề Đông Cường, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) tại Hội chợ Công nghiệp và Thương mại Nam Định 2015.
Khách hàng tham quan, mua sắm sản phẩm bánh kẹo truyền thống của làng nghề Đông Cường, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) tại Hội chợ Công nghiệp và Thương mại Nam Định 2015.
Cùng với sự vào cuộc của các địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế của địa phương và cả nước; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chi tiết sản phẩm để không phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời có chính sách khuyến mại, chăm sóc khách hàng hợp lý, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Trong 5 năm trở lại đây tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của tỉnh ta đã đạt được kết quả cao. Nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất chuyên sâu một loại sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng như Cty TNHH Hoàng Phát, xã Nam Hồng (Nam Trực) chuyên sản xuất các sản phẩm bao bì dược phẩm như lọ, ống nhựa và các loại bao bì dược phẩm đặc chủng phục vụ ngành công nghiệp dược phẩm của tỉnh; Cty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành, CCN An Xá (TP Nam Định) đầu tư 5 triệu USD trang bị dây chuyền thiết bị công nghệ châu Âu chuyên sản xuất các loại bông, băng gạc y tế đáp ứng nhu cầu sử dụng thường xuyên, phục vụ phẫu thuật ngoại khoa cũng như nhiều loại hình điều trị, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Cty CP Khoái Lạc Phúc (TP Nam Định) lại đầu tư chuyên sâu sản xuất các loại bao bì phục vụ công nghiệp chế biến rau, củ, quả, thịt, cá đóng hộp xuất khẩu như vỏ hộp nhựa, kẽm, thủy tinh… Khối các doanh nghiệp cơ khí đã đầu tư công nghệ đúc chân không để chủ động cô đúc, tái chế thép, đồng, nhôm nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đồng thời gia công các chi tiết máy đơn giản đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp xe đạp, xe máy và xe máy điện của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những đơn vị này là địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm tương ứng và tiêu dùng trong toàn tỉnh và cả nước, góp phần quan trọng vào việc hạn chế phải nhập nguyên liệu đầu vào sản xuất. Khối các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghệ phẩm, nông sản thực phẩm chế biến đã đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để thay thế hàng nhập khẩu. Sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát là một ví dụ điển hình. Hiện tại các Cty sản xuất bánh kẹo, đồ ăn chế biến sẵn Đại Thắng, Hòa Bình, Nam Phát (TP Nam Định); các cơ sở sản xuất bánh, kẹo trong các làng nghề truyền thống Đông Cường (Hải Hậu), Trực Phú (Trực Ninh) đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt các sản phẩm nấm linh chi, tỏi đen của các cơ sở chế biến trong tỉnh đã chiếm lĩnh thị trường thay thế sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc như những năm trước đây. 
 
Bằng những chính sách cụ thể, sự nhiệt tình, tâm huyết của các cấp, các ngành và sự chủ động sáng tạo trong việc hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo ra sức lan tỏa lớn trong mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Hầu hết người dân và cộng đồng doanh nghiệp coi đây là cách thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc một cách cụ thể nhất phù hợp với điều kiện, năng lực của mỗi tập thể, cá nhân. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông hàng hóa, các cấp, các ngành và doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hóa gắn với bảo vệ người tiêu dùng và kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ sản xuất phát triển./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com