Nam Định là tỉnh có lợi thế để phát triển dịch vụ vận tải đường thủy, trong đó nhiều tuyến vận tải đường thủy nội địa có tầm quốc gia như: tuyến Ba Lạt - Hà Nội qua hệ thống sông Hồng, tuyến Lạch Giang - Hà Nội qua hệ thống sông Hồng, sông Ninh Cơ; tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình qua hệ thống sông Hồng, sông Đào; tuyến Cửa Đáy - Ninh Bình qua hệ thống sông Đáy. Cùng với lợi thế bờ biển dài 72km, địa bàn tỉnh còn nhiều cảng sông, cảng biển quan trọng đã được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa khu vực phía Bắc. Giá cước vận tải thủy hiện nay chỉ bằng 30% so với đường bộ và rất thích hợp cho việc vận chuyển công-ten-nơ, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có nhiều nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Tuy nhiên do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, trong khi kinh doanh vận tải thủy cần mức đầu tư ban đầu lớn gây ảnh hưởng tới đầu tư phát triển phương tiện và hoạt động kinh doanh vận tải thủy. Bên cạnh đó, năng lực các cảng về xếp dỡ, kho lưu giữ hàng hóa tại các cảng, bến, sự kết nối giữa các phương thức vận tải thủy, bộ còn hạn chế (từ khâu quy hoạch đến đầu tư cho các cảng, bến xếp dỡ hàng hóa thủy nội địa), làm tăng thời gian trung chuyển hàng hóa dẫn đến tăng chi chí vận tải… Những nguyên nhân kể trên đã gây nhiều khó khăn trong phát triển dịch vụ vận tải thủy của tỉnh ta trong những năm trước. Tuy nhiên, đến nay, dịch vụ vận tải thủy đã từng bước chuyển mình, khởi sắc.
|
Cán bộ Cảng vụ Hàng hải Nam Định kiểm tra công tác bảo đảm an toàn của tàu vận chuyển hàng hóa neo đậu tại cửa Lạch Giang. |
Đồng chí Phạm Văn Bình, đại diện lãnh đạo Cty TNHH Vận tải sông biển Hà Trung (Hải Hậu) chia sẻ, do chở được nhiều hàng mà chi phí ít hơn giúp giá cước vận tải thủy rẻ hơn nhiều so với đường bộ nên thời gian gần đây số doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất lựa chọn vận tải thủy làm phương thức vận chuyển hàng hóa gia tăng nhanh. Hiện Cty có một đội tàu 5 chiếc chạy tuyến sông pha biển đều đã nhận được nhiều đơn hàng. Không chỉ Cty TNHH Vận tải sông biển Hà Trung, mà hầu hết các doanh nghiệp vận tải thủy trong tỉnh đều nhận được nhiều đơn vận chuyển hàng hóa so với trước kia. Theo số liệu thống kê của Cảng vụ Hàng hải Nam Định: Năm 2015, tổng số tàu thuyền lưu thông qua Cảng vụ đã tăng 295% so với năm 2014. Trong đó, tàu biển 289 lượt, gồm nội địa 179 lượt, xuất nhập cảng 111 lượt; phương tiện thủy nội địa 459 lượt. Khối lượng lớn hàng hoá đi theo đường biển, đường sông qua Cảng vụ đạt 155.182 tấn, tăng 221% so với năm 2014. Trong lĩnh vực đường thủy nội địa chủ yếu các doanh nghiệp đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (than, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng…) với chi phí thấp, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường thủy nội địa tại đồng bằng sông Hồng, vận tải pha sông biển. Trong lĩnh vực hàng hải, chủ yếu các doanh nghiệp đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu… Theo đồng chí Đinh Quang Đăng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nam Định: dịch vụ vận tải thủy có được bước chuyển mình là nhờ sự tích cực hỗ trợ, đầu tư của ngành chức năng và nỗ lực các doanh nghiệp vận tải. Nhất là mới đây tại tỉnh ta được Bộ GTVT đầu tư Dự án WB6 thực hiện cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang. Đây là cụm công trình đường thủy lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Từ khi đưa vào sử dụng công trình đã góp phần thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng và kết nối giao thông thủy nội địa khu vực với cả nước thông qua hình thức vận tải pha sông biển, giúp cho các tàu pha sông biển có trọng tải 1.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc (Ninh Bình). Cửa Lạch Giang đang tạo sự chuyển dịch nhanh, mạnh trong cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy. Năm 2015 lần đầu tiên Bộ GTVT đã xây dựng sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường biển, đường thủy nội địa. Đặc biệt, Bộ GTVT còn đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam (SB) (từ Quảng Ninh đến Kiên Giang) giúp các doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên tuyến này giảm một nửa chi phí vận tải so với đường bộ. Việc đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển được đánh giá tạo tác động lớn đến phát triển dịch vụ vận tải đường thủy. Nếu như trước đây, các tuyến đường sông khu vực miền Trung rất ngắn dẫn đến việc khó khăn trong khai thác, thậm chí nhiều tuyến không khai thác được, thì nay hàng hóa vận chuyển từ miền Bắc sẽ đi theo tuyến ven biển và có thể vào sâu trong nội địa khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, người dân kinh doanh vận tải nhỏ lẻ cũng có thể tham gia thị trường vận tải này thay vì chỉ có tàu biển mới được phép đi như trước đây.
Để tiếp tục phát huy thành công cho dịch vụ vận tải đường thủy, thời gian tới, ngành đường thủy sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị trực tiếp và phát huy hiệu quả hoạt động của đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, tìm biện pháp hữu ích hỗ trợ doanh nghiệp vận tải tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí cho cơ quan chức năng; tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường năng lực xếp dỡ, cải tiến công tác điều phối nội bộ cảng kết hợp với thực hiện hợp lý hóa xếp hàng lên phương tiện để kịp thời xử lý tình trạng ứ đọng hàng hóa tại các cảng biển. Siết chặt quản lý vận tải, hạ tầng theo Luật Giao thông Đường thủy nội địa, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, bảo đảm không còn phương tiện rời cảng trong tình trạng quá tải. Bộ GTVT đang tiếp tục xây dựng sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường biển, đường thủy nội địa, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải. Cục Đường thủy nội địa tiếp tục mở thêm các tuyến vận tải pha sông biển quốc tế từ Việt Nam đi Căm-pu-chia và Trung Quốc. Đối với các tuyến đường thuỷ nội địa hiện đã cơ bản hoàn thiện, Cục Đường thủy nội địa tập trung nâng cấp các tuyến trọng điểm như: hành lang Duyên hải, Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau, Hải Phòng - Việt Trì, Quảng Ninh - Móng Cái… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng dịch vụ vận tải thủy./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy