Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với trên 160 nghìn lao động. Những năm qua, các cấp, ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác ATVSLĐ-PCCN. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp và một bộ phận người lao động chưa quan tâm đúng mức và thực hiện nghiêm túc công tác này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB và XH, trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 78 vụ tai nạn lao động làm 2 người chết, 26 người bị thương nặng. Nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động chủ yếu vẫn do người lao động không thực hiện đúng nội quy, quy trình lao động, không sử dụng bảo hộ lao động, phương tiện phòng vệ cá nhân (chiếm 14,1%). Nguyên nhân do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị lao động không đảm bảo, không huấn luyện ATLĐ cho người lao động chiếm 7%. Còn lại là do nguyên nhân khách quan khó tránh, được coi là tai nạn lao động. Về cháy nổ, năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ cháy nhỏ, làm 1 người chết, 16 người bị thương; trong đó, cháy tại các đơn vị, doanh nghiệp chiếm 47%, cháy tại nhà dân chiếm 53%. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy là do khinh suất trong sử dụng lửa, xăng, dầu và khí đốt, hệ thống điện không đảm bảo hoặc chủ quan trong hàn, cắt kim loại. Thời gian qua, các cấp, ngành đã tuyên truyền thường xuyên cho người sử dụng lao động và người lao động về các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp nên họ ý thức hơn và có sự quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ-PCCN. Để hạn chế thấp nhất tai nạn lao động xảy ra, các đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ yếu như: kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lập kế hoạch, biện pháp ATLĐ, VSLĐ và cải thiện điều kiện lao động. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị đầy đủ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc theo quy định. Người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ tham dự khóa huấn luyện ATLĐ, VSLĐ có kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ, chứng nhận do tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ thực hiện. Các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ-PCCN cho người lao động, người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng và sắp xếp lao động. Đối với người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ, kiểm tra sát hạch và được cấp chứng chỉ. Trong năm 2015, có trên 2.000 người là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cán bộ làm công tác này tại các doanh nghiệp và người lao động, gần 20 nghìn lao động tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ-PCCN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thông tin đầy đủ về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, yếu tố nguy hiểm, có hại và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc cho người lao động.
Vấn đề phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động luôn được các cấp và các ngành chức năng trong tỉnh tuyên truyền trong các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động về nguy cơ tiềm ẩn và tác hại của bệnh nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp lớn và vừa đều thực hiện khá tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động. Tuy nhiên một số doanh nghiệp nhỏ và làng nghề còn né tránh việc đo kiểm môi trường lao động, do các yếu tố về môi trường lao động trong doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép như: không đạt tiêu chuẩn về ánh sáng, tiếng ồn, nồng độ bụi, vi khí hậu, vi khuẩn, vi sinh vật... Bản thân người lao động trong quá trình sản xuất còn chủ quan, chưa có ý thức giữ gìn VSLĐ, bảo vệ sức khỏe của mình. Nhiều lao động làm việc trong môi trường có nhiều bụi như ở các cơ sở may, xưởng sản xuất đồ mộc nhưng không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động…
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về VSLĐ-PCCN, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động thực hiện các công tác VSLĐ-PCCN bằng hình thức thích hợp. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác này. Các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị có nguy cơ tai nạn lao động, cháy nổ, gây bệnh nghề nghiệp… hằng năm cần tổ chức tập huấn về ATVSLĐ; cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động, phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động, thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường lao động, ứng dụng các giải pháp an toàn nhằm cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đồng thời cần củng cố bộ máy làm công tác ATVSLĐ; đặc biệt là trang bị và bắt buộc người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về ATVSLĐ. Doanh nghiệp và người lao động tự giác chấp hành các quy định pháp luật, quy trình biện pháp về ATVSLĐ-PCCN./.
Minh Tân