Nằm bên dòng sông Hồng, từ ngày kinh tế khá giả, hòa chung với nhịp đô thị hóa hiện đại, giờ đây hình ảnh làng quê mộc mạc giản dị của thôn Vũ Lao, xã Tân Thịnh (Nam Trực) không còn, thay vào đó là sự hiện đại, dáng dấp phố thị với các căn nhà cao tầng, biệt thự bề thế mọc lên. Cái sự trù phú, đổi thay ấy có được nhờ vào một nghề mà bấy lâu nay họ chỉ quan niệm là nghề phụ, ấy là nề ngõa (thợ nề) có từ lâu đời.
Phu hồ “du mục”
Theo đồng chí Phạm Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: “Năm 2012, làng nghề thôn Vũ Lao được UBND tỉnh công nhận là làng nghề xây dựng truyền thống duy nhất trong tỉnh. Hiện tại, thợ nề thôn Vũ Lao có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, xây dựng mọi công trình to, nhỏ, từ kiến trúc lối cổ đến hiện đại”. Dễ dàng nhận thấy điều đó bởi gần Tết nhưng không khí trong làng vẫn vắng vẻ, những “ong thợ” của làng còn đang miệt mài, cố gắng hoàn thiện các công trình trên khắp mọi miền để sớm về nhà cùng gia đình đón xuân mới. Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tìm gặp ông Trần Công Tường, 72 tuổi, ở xóm 2, người thợ tài hoa đã gắn bó với nghề thợ nề hơn 50 năm. Ông cho biết: Nghề thợ xây đã ăn sâu vào máu thịt của người dân địa phương nên tay nghề kỹ thuật rất cao. Từ những viên gạch nung thủ công sần sùi lồi lõm với đủ hình thù khác nhau nhưng dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ Vũ Lao trở thành những bức tường vuông vức, vững chắc. Tính đến đời tôi, nghề thợ nề của gia đình đã truyền được đến 6, 7 đời. Và cứ như thông lệ, “lớp cha trước, lớp con sau” đa số con em địa phương đến tuổi lao động đều theo người thân đi phụ nề, lâu dần tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao được tay nghề. Không ít phụ nữ cũng theo chồng con tham gia vào công việc nặng nhọc này, chủ yếu đảm nhận phần việc đào móng, trộn và vận chuyển gạch, vữa. Cứ như thế, các thế hệ người dân Vũ Lao tự nhiên đều trở thành “tín đồ” của nghề thợ nề với kiểu công thức “chồng, cha làm thợ; vợ, con phụ hồ”. Hiện thôn Vũ Lao có hơn 550 hộ thì hơn 80% số hộ làm nghề thợ xây, hàng chục thợ bậc cao (thợ cả), ngày ngày “ăn cơm, dựng nhà giả cổ cho thiên hạ” khắp trong và ngoài tỉnh như Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai đến tận mũi Cà Mau. Nhiều hộ có thể nhận thầu các công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật khó như: khu nhà vườn, các công trình trùng tu di tích… đều được người thợ Vũ Lao làm có uy tín, chất lượng. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, bàn tay tài hoa cùng khối óc sáng tạo của người thợ Vũ Lao đã in dấu trên nhiều công trình, đặc biệt là các di tích, đền, đình, chùa, miếu mạo. Thợ ở đây rất khéo léo trong việc vẽ, đắp các họa tiết, hoa văn cũng như thông thạo các kỹ thuật xây dựng cổ nên được rất nhiều nơi tín nhiệm, như cụ Phạm Ngọc Kỉnh tham gia trùng tu gác chuông chùa Keo (Thái Bình) được tạc tượng ghi công; cụ Phạm Ngọc Trang được mời xây dựng chùa Vọng Cung, chùa Cả (TP Nam Định), các công trình tôn giáo khác như vương cung thánh đường Phú Nhai, nhà thờ xứ Bùi Chu (Xuân Trường), nhà thờ họ, từ đường các nơi… Nay đây mai đó, lăn lộn với các công trình liên tục, “xanh cỏ thì đến, đỏ ngói thì đi”, chính vì thế, thợ xây Vũ Lao tự gọi nhau là “phu hồ du mục”. Hiện tại, thôn có trên 10 nhóm thợ xây, 4 Cty TNHH xây dựng. Bình quân mỗi nhóm khoảng từ 20-30 lao động, còn doanh nghiệp có đến hàng trăm người. Với mức thu nhập hiện tại của mỗi thợ chính khoảng 200-250 nghìn đồng/ngày và thợ phụ khoảng 150-180 nghìn đồng/ngày thì trung bình mỗi tháng thu nhập của một thợ nề khoảng hơn 4 triệu đồng đối với thợ chính và 3,5 triệu đồng đối với thợ phụ, gấp khoảng 3 lần so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến một công trình xây dựng từ đường dòng họ ở khu vực dốc Lốc, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) nơi anh Trần Đạo Thân, một “ong thợ” của Vũ Lao đang chỉ đạo tốp thợ 15-16 người thi công. Giải lao uống chén nước, anh vui vẻ tâm sự: “Từ thuở bé, nhìn dòng người sáng sáng nối đuôi nhau vui vẻ rời làng đi làm, rồi được xem những đền, chùa, miếu mạo xung quanh do người quê tôi thi công, lòng đam mê với nghề đã ngấm vào tôi từ lúc nào không hay. Vì thế, ngay khi thành niên, tôi đã theo chân các ông, các chú đi khắp các địa phương trong tỉnh làm và học nghề. Vẻ đẹp các công trình kiến trúc cổ với các họa tiết, hoa văn, mái góc xưa khiến tôi thao thức nhiều đêm, nằm không yên. Quyết tâm theo nghề, tôi không ngừng ghi chép và học hỏi kinh nghiệm các thợ lành nghề cao niên ở làng”. Anh học cẩn thận từ kỹ thuật trộn vôi vữa, xi măng, giấy bản, mật mía đắp cốt đến tạo dáng, tạo hình dẻo dai, tính toán độ bám dính và co ngót khác nhau của các chi tiết hoa văn họa tiết trang trí kiến trúc cổ theo ý muốn. Rồi các kỹ thuật quét vôi, sơn hoặc gắn các mảnh vỡ chai lọ, chén bát. Công việc này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, tốn thời gian hằng tháng, có khi cả năm mới thành. Nhiều chi tiết tình cờ lại có giá trị tạo nên cái thần, cái hồn và mang tính thẩm mỹ cao, thể hiện hoa tay của người thợ. Bên cạnh đó, nghề đắp vẽ cũng có nhiều quy luật, nguyên tắc riêng. Ngoài kinh nghiệm của cha ông, bản thân người thợ phải có năng khiếu thẩm mỹ thiên phú, trình độ văn hóa, kiến thức về các lĩnh vực nhất định và phải am tường các nguyên tắc lễ giáo để vừa lĩnh hội được tinh hoa nghề cổ, vừa có sự sáng tạo cần thiết, tạo nên cảm hứng trong lao động để mỗi tác phẩm đều có hồn vía. Nhờ chuyên tâm, “lòng trong, ý sáng” anh đã trở thành một “cai thầu” có tiếng chuyên thi công công trình đền, đài, đình, miếu cổ với tài đắp vẽ các hoa văn đặc trưng như long cuốn thủy, long chầu nguyệt, đao “rồng chầu, phượng mớm”, hổ phù, đầu hồi văn, đao, con giống, phụng hàm thư… Anh tự hào khoe, hầu hết các công trình trùng tu khu di tích văn hóa thời Trần, đền Bảo Lộc, chùa Hoàng Mai (xã Mỹ Xá) đều có sự tham gia của thợ Vũ Lao. Không chỉ công trình kiến trúc cổ, người thợ Vũ Lao cũng từng bước tự nâng cao tay nghề, đầu tư thiết bị máy móc để chuyển mình bắt kịp theo xu thế hội nhập. Trước đây, người thợ Vũ Lao làm thủ công là chính, nay đã sắm sửa tổ hợp giáo sắt, cốt pha định hình, máy trộn bê tông, xe vận chuyển, máy xúc, máy ủi... và các dụng cụ thi công tiên tiến khác. Chỉ căn nhà 2 tầng bề thế khang trang ở đầu thôn, chị Phạm Thị Tám, trưởng thôn Vũ Lao hồ hởi khoe: “Đấy là nhà của anh Trần Sỹ Hiển, Giám đốc Cty TNHH Hoàng Long, chuyên xây dựng công trình, quản hơn 150 công nhân. Bình quân anh ấy thi công hơn 20 công trình/năm”. Hiện Cty của anh đang thi công Bệnh viên Đa khoa huyện Bắc Yên, chợ trung tâm huyện Sốp Cộp (Sơn La).
Ông Trần Công Tường (bên phải), xóm 2, thôn Vũ Lao, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực bên công trình từ đường dòng họ Lưu Công, thôn Đồng Lư. |
Tết sớm
Nghề “du mục” nên người Vũ Lao “ăn” Tết cũng khác. Cứ rằm tháng Chạp hằng năm, thôn Vũ Lao lại náo nhiệt đông vui khác hẳn ngày thường, tiếng cười nói hoan hỷ, thăm hỏi thân tình, rộn ràng của các toán thợ xa quê từ mọi miền đất nước hồi hương ăn Tết làm ấm không khí làng quê từ đầu đến cuối thôn. Tết Nguyên đán như theo nhịp chân hối hả người thợ nề xa quê hương bước đến từng thềm nhà sớm hơn thường lệ. Chậm nhất vẫn là những chủ thầu. Anh Trần Ngọc Thạch, chủ thầu công trình đang xây dựng ở Cao Bằng cho biết: “Thường chúng tôi phải lo đủ cho anh em thợ thuyền đảm bảo về ăn Tết từ chi đi lại, cộng thêm thưởng Tết, thống nhất với gia chủ về kế hoạch công việc sau Tết rồi mới về quê ăn Tết”. Để bù đắp cho những ngày vợ chồng xa cách, con cái sống xa cha mẹ, những gia đình thợ nề Vũ Lao đều cố gắng sắm sửa đón Tết thật “hoành tráng” bởi đây là dịp đoàn tụ ấm cúng, thiêng liêng nhất. Theo đó, chợ quê Vũ Lao dịp Tết cũng nhộn nhịp, sôi động tất bật hơn hẳn. Vào thời điểm này, số lượng hàng hóa chợ lưu thông phải gấp 4-5 lần ngày thường. “Ra chợ sắm sửa toàn gặp người xóm người làng thân quen cả. Mình đi làm ăn xa cả năm, tài chính rủng rỉnh hơn nên mua bán cũng thoáng thôi. Lao động chân chính vất vả cả năm để có đồng tiền “xông xênh” về tiêu trên quê hương mình, góp phần cho kinh tế quê mình khá hơn, vui lắm!”, một người đàn ông gần 20 năm du mục với nghề thợ nề chia sẻ. Hòa chung không khí đón Tết sớm đầm ấm của các gia đình ở thôn Vũ Lao, dạo qua vài nhà cùng ông Trần Công Tường, chúng tôi dễ dàng nhận thấy hơn ai hết, cư dân thôn Vũ Lao luôn tự hào về những bàn tay tài hoa của người thợ nề, về sự tiếp nối truyền thống của cha ông. Trong câu chuyện “trà dư, tửu hậu” cuối năm sau những thăm hỏi, chia sẻ tình cảm lại xoay quanh chuyện nghề, chuyện người; phong tục, tập quán hay đặc sản của các vùng miền, kinh nghiệm kỹ thuật mới học được từ những chuyến đi làm ăn xa, nhắc nhớ lời răn dạy của cha ông xưa về nghề như “mộc gia, nề giảm”; “gốc bể, ngọn nguồn”; các giá trị nhân văn chân - thiện - mỹ mà cha ông ta đã truyền lại thông qua các công trình kiến trúc cổ.
Tết Nguyên đán Bính Thân đã cận kề, người thôn Vũ Lao lại đón thêm một cái Tết ấm no, hạnh phúc, sung túc hơn. Không phải đối mặt với cơn “khát vốn”, không lo lắng chuyện “đầu ra” và tình trạng ô nhiễm môi trường như các làng nghề sản xuất khác trong tỉnh, làng nghề xây dựng Vũ Lao chỉ lo chăm sóc nâng cao sức khỏe, rèn luyện tích lũy tay nghề để mỗi người thợ là một lao động giỏi, để vừa tạo nên nhiều công trình đẹp khẳng định thương hiệu làng nghề, vừa nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng kinh tế quê hương Tân Thịnh./.
Bài và ảnh: Đức Toàn