"Rồng trắng" chuyển mình

04:02, 05/02/2016

Thấm thoắt đã nửa thế kỷ trôi qua trên vùng đất mới ven biển Bạch Long (Giao Thủy). Đất và người Bạch Long chật vật, dũng cảm vượt lên sóng dữ để mưu sinh và xây dựng quê hương. Từ một vùng quê nghèo với nghề chủ đạo là sản xuất muối thủ công, những năm gần đây, từ khi khoa học công nghệ (KHCN) được đẩy mạnh ứng dụng vào sản xuất đã tạo ra bước ngoặt trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân. “Rồng trắng” đang chuyển mình vươn lên!

Diêm dân xã Bạch Long sản xuất muối dưới sự bảo vệ của hệ thống kim truyền chống sét do Sở KH và CN hỗ trợ xây dựng.
Diêm dân xã Bạch Long sản xuất muối dưới sự bảo vệ của hệ thống kim truyền chống sét do Sở KH và CN hỗ trợ xây dựng.

Trăn trở muối chát

Là vùng đất mới với tổng diện tích trên 12km2 nằm sát mép biển, ngay từ những ngày đầu mở đất, cuộc sống của người dân xã Bạch Long đã gắn với nghề muối làm kế sinh nhai. Với diện tích đồng muối 230ha, lớn nhất miền Bắc, Bạch Long từng được kỳ vọng trở thành thủ phủ nghề muối ở miền Bắc. Có lẽ đó cũng chính là nguồn gốc của cái tên Bạch Long (Rồng trắng) bởi những ruộng muối trắng nhìn xa như một con rồng vươn ra biển. Với bản lĩnh, ý chí của những người đi mở đất, lớp cư dân đầu tiên của Bạch Long từ các miền quê hội tụ về đây cùng nhau xoay trần đắp đê chắn sóng, biến cả nghìn héc-ta lau sậy, đầm lầy nên đồng, nên bãi. Rồi làm thủy lợi “dẫn thủy nhập điền”, quy hoạch, phân khu sản xuất, khu vực sinh sống; học cách tôn tạo ruộng muối, xây đắp ô nề, chạt lọc… Trung ương, tỉnh và huyện đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất muối và đời sống dân sinh. Do đó diện tích sản xuất muối của xã ngày càng được mở rộng, đạt sản lượng hằng năm từ 25-30 nghìn tấn. Nghề làm muối cũng như nghề nông, vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lại luôn phải “trông trời, trông đất, trông mây”. Nhưng nếu người làm ruộng canh ông trời theo vụ thì người làm muối phải canh theo ngày. Chị Trần Thị Thu, diêm dân xã Bạch Long cho biết: Mỗi vòng đời hạt muối kéo dài 7 ngày kể từ khi tháo nước vào ruộng đến khi thành hạt muối trắng tinh. Vào vụ, ngày nào diêm dân cũng phải làm quần quật từ sáng sớm đến chiều trong cái nắng chang chang bỏng rát để dội ruộng rồi xe cát, trang, phơi cát, ngâm, lọc chạt… để có nước cái đổ lên ô nề cho kết tinh thành muối. Đặc trưng của nghề làm muối là “nắng làm, mát nghỉ” nên lúc nắng làm khô đất cạn nguồn, thì diêm dân càng phấn khởi, bám ruộng đồng để sản xuất. Bám nắng thôi chưa đủ, diêm dân còn phải canh mưa, vì chỉ một chút “đỏng đảnh” của ông trời là công sức cả ngày trang cát, phơi muối mất không. Vậy nên chớm thấy xuất hiện mây giông từ xa tít chân trời, bà con diêm dân đã phải sẵn sàng ào ra đồng “cứu muối”, kể cả trong giông gió, sấm sét đì đoàng trên trời. Cũng vì vậy mà diêm dân luôn phải đối diện với nguy cơ tai nạn thương tâm do sét đánh… Vất vả là vậy, nhưng suốt một thời gian không ngắn, giá muối đã không cao lại bấp bênh nên đời sống của người làm muối hết sức chật vật. Còn nhớ có thời điểm đặc biệt khó khăn, khi ấy, bán 10kg muối không mua nổi 1kg thóc. Thu nhập của diêm dân chỉ được 400-600 nghìn đồng/người/tháng… khiến nhiều lao động chính trong các gia đình phải rời quê đi làm ăn xa để có thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Gắn bó với nghề làm muối nhọc nhằn chỉ còn lại phụ nữ, người già và con trẻ nên nhiều đồng muối bị bỏ hoang, diện tích làm muối bị thu hẹp đáng kể. Làm sao để diêm dân trong xã khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ổn định cuộc sống và có thể tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương luôn là câu hỏi khiến không chỉ Đảng ủy, UBND xã mà cả lãnh đạo huyện Giao Thủy và các ngành chức năng trăn trở. Với sự quan tâm chỉ đạo của huyện ủy, UBND huyện, sự “vào cuộc” của các ngành chức năng và Đảng ủy, UBND xã, nhiều tiến bộ kỹ thuật được đưa ra ứng dụng vào thực tế để cải thiện điều kiện làm việc của diêm dân như: Chuyển đổi hệ thống chạt lọc từ đầu ruộng vào giữa ruộng để tiết kiệm thời gian, sức người di chuyển trong quá trình lao động trên ruộng muối; phơi muối trên nền vải bạt PVC thay cho nền cát truyền thống; cải tiến đắp ô nề bằng vôi và tro bếp thay cho xi măng để chống sự ăn mòn của muối… Nhưng các biện pháp tình thế này vẫn chưa giúp nâng cao chất lượng muối và đổi thay căn bản hướng sản xuất, kinh doanh nên chưa cải thiện được chất lượng đời sống của diêm dân.

Kiểm tra chất lượng muối sạch tại Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm, xã Bạch Long (Giao Thủy).
Kiểm tra chất lượng muối sạch tại Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm, xã Bạch Long (Giao Thủy).

Bước ngoặt từ ứng dụng công nghệ

Bước ngoặt quan trọng giúp hạt muối Bạch Long được nâng cao giá trị, để diêm dân yên tâm bám nghề là từ khi xã được triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình sản xuất muối sạch” do Bộ KH và CN hỗ trợ. Dây chuyền chế biến được chế tạo theo công nghệ sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng ký độc quyền và được đánh giá là dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trong nước hiện nay. Ưu điểm của công nghệ chế biến muối tinh áp dụng tại địa phương là không kén nguyên liệu đầu vào, tự điều chỉnh kích cỡ hạt muối theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm. Đặc biệt qua công đoạn chế biến, sản phẩm giữ được hàm lượng NaCl đạt 98%, độ ẩm 4%, đồng thời được phun trộn i-ốt theo yêu cầu của từng loại sản phẩm. Dự án do Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm là đơn vị thu mua muối uy tín của người dân trong xã đảm nhận thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ muối biển (Bộ NN và PTNT). UBND xã đã dành 4ha đồng muối cho dự án, đồng thời khuyến khích, vận động diêm dân tham gia, tuân thủ mọi yêu cầu của sản xuất muối hiện đại; Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm lo xây dựng hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trạm cấp phát điện và nhân lực. Dây chuyền công nghệ chế biến muối tinh có công suất 22 nghìn tấn/năm; dây chuyền công nghệ sấy muối tinh liên tục 10 nghìn tấn/năm. Với sự đầu tư đồng bộ và quá trình chuyển giao kỹ thuật bài bản, hơn 5.000 lao động được tiếp cận với quy trình sản xuất muối hiện đại từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến hoàn thiện sản phẩm. Sau gần 2 năm nỗ lực triển khai, đến cuối năm 2013, sản phẩm muối sạch theo công nghệ sản xuất mới đầu tiên được hoàn thiện trong niềm vui mừng phấn khởi của người dân trong xã. Qua đánh giá kiểm tra chất lượng sản phẩm, chất lượng muối hạt sạch cao hơn tiêu chuẩn muối thô Việt Nam TCVN 3973-84; chất lượng muối tinh của dự án cao hơn tiêu chuẩn ngành TCN 402-99 và vượt tiêu chuẩn muối tinh quốc tế do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định. Ngoài ra dự án còn hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Sản phẩm muối Bạch Long đã được các Cty sản xuất chế biến bột canh, mì ăn liền trong cả nước chọn làm nguồn cung ứng nguyên liệu chủ lực phục vụ sản xuất. Do đó sản phẩm muối của diêm dân trong xã làm ra đến đâu được bán sạch đến đấy, giá ổn định và cao hơn so với trước đây 1,5 lần. Cũng trên dây chuyền sản xuất này, Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm lại tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm muối sau chế biến như: muối tinh sấy i-ốt, bột canh i-ốt… đóng bao bì loại 200, 500, 1.000 gram/túi. Hiện tại với công suất chế biến 35 nghìn tấn muối các loại/năm, ngoài việc sử dụng muối nguyên liệu sản xuất tại chỗ, doanh nghiệp còn thu mua sản phẩm của diêm dân ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu. Đây là thành công ngoài dự kiến của những người nung nấu ý tưởng đưa công nghệ để vực dậy nghề sản xuất muối của địa phương. Vì thế, giá trị sản xuất muối của diêm dân trong tỉnh đã tăng bình quân từ 7 đến 8 triệu đồng/ha, đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững cho nghề muối. Muối mặn không còn chát đắng với diêm dân nơi đây.

Nếu như việc chuyển giao thành công tiến bộ KHCN vào sản xuất muối sạch được coi là bước ngoặt ổn định kinh tế cho người làm muối thì việc ứng dụng công nghệ giúp diêm dân tránh khỏi tai nạn thiên nhiên (sét đánh) xảy ra thường xuyên trên đồng muối gây thiệt hại về tính mạng và tài sản được coi là bước đi chiến lược trong việc đảm bảo an sinh cho diêm dân trong xã với dự án “Ứng dụng công nghệ xây dựng hệ thống thu, chống sét trên đồng muối cho diêm dân Bạch Long” do Viện Khoa học năng lượng chuyển giao. Triển khai dự án, Sở KH và CN phối hợp với Viện Khoa học năng lượng xây dựng hệ thống kim truyền thu, chống sét tại khu vực đồng muối, dọc đường từ đồng muối về các dong ngõ để bảo vệ an toàn cho người dân khi có giông sét xảy ra. Ông Trịnh Ngọc Chu, chủ nhiệm HTX muối Bạch Long tâm sự, ông gắn bó với nghề muối từ khi mở đất, trải qua bao thăng trầm vất vả từ lúc vật đất lập làng, từng đau như đứt ruột khi phải chứng kiến cảnh thiên tai, nước biển xâm lấn tàn phá làng quê, ruộng đồng, người làm muối có lúc cơ cực theo những thăng trầm của hạt muối. Những cán bộ HTX như ông cũng bao đêm đau đầu với câu hỏi làm sao để diêm dân không nghèo vì hạt muối chứ chưa dám mơ ước cao xa là làm giàu từ đồng muối. Vậy mà chỉ sau 5 năm ứng dụng KHCN, cuộc sống lao động sản xuất của diêm dân Bạch Long đã đổi thay đến không ngờ. Đến nay hạt muối Bạch Long đã đứng vững trên thị trường, khẳng định được thương hiệu gắn với tên đất, tên làng. Và cũng nhờ có KHCN chế ngự thiên tai để diêm dân được an toàn, yên tâm lao động sản xuất, không còn những cái chết tức tưởi trên đồng muối nữa. Cùng với nghề muối, các mô hình, phương thức sản xuất khác tại địa phương như chuyển đổi đất muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản cũng nhờ ứng dụng KHCN đã mang đến những đổi thay tích cực cho đời sống người dân.

Nửa thế kỷ kiên cường, dũng cảm đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương, sinh kế của diêm dân Bạch Long đã được ổn định tích cực. Đúng như nhà bác học Lê Quý Đôn đã đúc rút “Phi trí bất hưng”, sự đổi thay từ nghề làm muối ở Bạch Long là một minh chứng quan trọng và đó là động lực lớn đối với người làm khoa học của tỉnh tiếp tục trăn trở, suy nghĩ cho sự hưng thịnh của nông thôn, của đời sống nông dân, tương xứng với những đóng góp và vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đời sống quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com