Cùng với các cụm, điểm công nghiệp, đòn bẩy mạnh mẽ cho sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn phát triển là các làng nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 124 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN (gồm 94 làng nghề cũ và 30 làng nghề mới) được phục hồi, nhân cấy và phát triển thành công trong giai đoạn 2011-2015; trong đó có 51 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT.
Kỳ I: Những kết quả khả quan
Sản xuất máy nông nghiệp tại làng nghề cơ khí truyền thống Xuân Tiến (Xuân Trường). |
Ngoài các làng nghề truyền thống, có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm hiện vẫn đang hoạt động ổn định, trong giai đoạn 2011-2015, nhiều địa phương trong tỉnh đã phục hồi và nhân cấy thành công nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Tiêu biểu như huyện Ý Yên đã nhân cấy thành công nghề chạm khắc gỗ, mộc mỹ nghệ La Xuyên xã Yên Ninh tại thôn Đằng Động, xã Yên Hồng; phục hồi thành công các nghề thêu ren, khâu nón tại các thôn Nhuộng, Trung, Mạc Sơn... của xã Yên Trung. Huyện Hải Hậu phát triển các làng nghề mộc mới như: Kim Thành, xã Hải Vân; Tam Tùng Đông, xã Hải Đường. Qua 5 năm triển khai quyết liệt chủ trương xây dựng, nhân cấy và phát triển làng nghề, đến nay, huyện Hải Hậu đã phát triển được tổng số 40 làng nghề ở 30/35 xã, thị trấn. Trong đó, có 20 làng nghề sinh vật cảnh, 12 làng nghề sản xuất CN-TTCN, 3 làng nghề trồng cây dược liệu và 2 làng nghề xây dựng. Các làng nghề của huyện Hải Hậu đã tạo việc làm với thu nhập đủ để giữ chân người lao động tại quê hương cho gần 10 nghìn lao động nông thôn. Một trong những điểm tựa, “đòn bẩy” chính trị quan trọng để có được sự chuyển biến đó là Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề khu vực nông thôn… Cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định quy định các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn. Để hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn đầu tư công nghệ, thiết bị, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương thực hiện tốt các công tác khuyến công, xúc tiến thương mại. Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy cùng các cơ chế, chính sách cụ thể hóa chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn đã tạo hành lang pháp lý cho các địa phương thuần nông có thể khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng đất đai, lao động và tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành để phát triển ngành nghề, chú trọng công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới. Từ những chủ trương, định hướng được nêu trong Nghị quyết, căn cứ điều kiện cụ thể, các địa phương trong tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình công tác trọng tâm và kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề của địa phương mình. Từ tỉnh đến huyện tới xã đã tạo ra một cuộc “cách mạng” trong nhận thức của chính quyền về phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn. Thực tế đã chứng minh, muốn nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững nhất thiết phải tập trung thực hiện các biện pháp phát triển sản xuất công nghiệp và làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các xã xây dựng NTM giai đoạn I đều chú trọng xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn và quy hoạch diện tích đất công gọn vùng, tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, nguồn vốn ưu đãi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân phát triển sản xuất. Không chỉ các xã triển khai xây dựng NTM hay các địa phương có nghề mà các xã thuần nông, độc canh cây lúa hoặc chuyên canh diêm nghiệp như: Bạch Long (Giao Thủy); Hải Vân (Hải Hậu); Yên Tân (Ý Yên)… đều đã chú trọng phát triển ngành nghề sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp. Với sự “vào cuộc” quyết liệt của cả hệ thống chính trị bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người nông dân ở nhiều địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, rõ rệt. Sau 5 năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nỗ lực của các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh, tình hình sản xuất CN-TTCN, làng nghề khu vực nông thôn đã có những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề bình quân giai đoạn 2011-2015 ước đạt trên 22%/năm. Tính đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có tổng số 124 làng nghề sản xuất CN-TTCN (trong đó có 51 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận), với tổng số 310 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tạo việc làm cho khoảng 29 nghìn lao động với mức thu nhập từ 50-60 nghìn đồng đến 120-150 nghìn đồng/người/ngày. Sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn phát triển mạnh đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương. Tính đến hết năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 166/209 xã, thị trấn (bằng 79,42%) có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm trên 10% trong cơ cấu kinh tế; có 78/96 xã xây dựng NTM giai đoạn I (bằng 81,25%) có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm trên 15% cơ cấu kinh tế toàn xã. Nhiều xã xây dựng NTM đã đạt giá trị sản xuất CN-TTCN từ 50-80% tổng giá trị sản xuất toàn xã như: Yên Ninh, Thị trấn Lâm (Ý Yên); Trực Hùng, Trung Đông (Trực Ninh); Thị trấn Thịnh Long, Hải Minh, Hải Phương (Hải Hậu); Xuân Kiên, Xuân Phương (Xuân Trường)... Cùng với các cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề đã phát huy tốt vai trò, là “động lực” quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo tiêu chí NTM ở những xã “trắng nghề”, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Đồng thời kéo theo các hoạt động thương mại dịch vụ phát triển nhanh, góp phần làm cho cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của địa phương ngày càng sôi động, thu nhập của lao động làm nghề luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp thuần túy từ 2-3 lần. Sự phát triển nhanh các làng nghề càng cho thấy “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay” và cho thấy sự kịp thời của chủ trương này khi đất nông nghiệp từng bước bị thu hẹp. Người nông dân đã từng bước vươn lên tự cải thiện cuộc sống ngay chính trên mảnh đất quê hương. Nhiều làng nghề truyền thống như: cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường), mộc mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên), cây cảnh Điền Xá (Nam Trực)... từ lâu đã được mệnh danh là “làng tỷ phú”.
Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh trong cả giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 9,3% so với năm 2014; giá trị sản xuất CN-TTCN (giá cố định năm 1994) ước đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước; kim ngạch hàng xuất khẩu ước đạt 981 triệu USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Một số làng nghề đã tham gia làm “vệ tinh” sản xuất hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ yếu như: cơ khí; dệt may, chế biến gỗ… Đây chính là tiềm năng, cơ sở góp phần quan trọng xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp của quốc gia và khu vực./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung