Đóng góp chung vào thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh cùng các thành phần kinh tế là sự gương mẫu của các đảng viên tại cơ sở. Đặc biệt, trong đó có nhiều đảng viên đã có nhiều cống hiến, hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước; thời bình, họ lại đóng góp sức mình trên mặt trận “nông nghiệp - nông thôn” để xây dựng quê hương.
Người “anh cả” năng động của HTXDVNN Nghĩa Thắng
Tới xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) hỏi thăm về đồng chí Kim Thiên Tứ, chúng tôi đều nhận được sự chỉ dẫn tận tình và những lời giới thiệu hồ hởi từ bà con nông dân nơi đây. Mọi người trìu mến gọi là “anh cả” năng động của HTX. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, năm 1999, đồng chí Kim Thiên Tứ được Đảng ủy xã Nghĩa Thắng điều động về HTXDVNN và được xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX (nay là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX). Năm 2010 đồng chí lại được tín nhiệm phân công làm phó Ban nông nghiệp xã kiêm Chủ nhiệm HTXDVNN. Đồng chí thường xuyên trao đổi với các đảng viên và cán bộ Ban quản trị HTX nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực về lao động, đất đai của địa phương; tham mưu với UBND xã tập trung chỉ đạo chuyển dịch mạnh cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng. Đồng chí chia sẻ: “Trên mọi cương vị công tác tôi đều bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, định hướng phát triển và kế hoạch sản xuất nông nghiệp của UBND xã để triển khai nhiệm vụ, định hướng phát triển và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của HTX sát với thực tiễn tình hình sản xuất tại địa phương”. Nghĩa Thắng là xã có nhiều lợi thế về đất đai, song trước đây bà con xã viên vẫn chưa trồng được những loại cây có năng suất và giá trị kinh tế xứng đáng với tiềm năng của địa phương. Làm sao để có “tấc đất, tấc vàng”, trăn trở với suy nghĩ đó, đồng chí đã đi tìm hiểu các giống cây trồng mới, tìm kiếm đối tác để đưa các giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao vào trồng khảo nghiệm tại địa phương, hướng tới việc sản xuất đại trà. Đồng chí cùng với Ban quản trị HTX vận động nhân dân đưa cây ngô ngọt vụ đông có giá trị xuất khẩu vào trồng với diện tích trên 25ha và cây bí xanh đông với diện tích 12ha. HTX đã ứng trước 100% giống, vốn, vật tư, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho xã viên.
Với truyền thống thâm canh của bà con xã viên và được sự hỗ trợ về giống, vốn, tiến bộ kỹ thuật của HTX nên xã Nghĩa Thắng luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về năng suất lúa của huyện. Hơn 15 năm làm chủ nhiệm HTX, đồng chí Kim Thiên Tứ đã đưa HTXNN Nghĩa Thắng từ một đơn vị yếu kém trở thành đơn vị mạnh, sản xuất, kinh doanh giỏi, luôn nằm trong tốp 10 HTX tiên tiến xuất sắc của huyện, thu nhập của bà con xã viên liên tục được cải thiện và đến nay đã dần đi vào ổn định. Trước đây, xã viên chỉ biết cấy 2 vụ lúa thì nay xã Nghĩa Thắng đã có thêm vụ đông với tổng diện tích trên 135ha trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cà chua, ngô và rau màu các loại. Nhiều cánh đồng đã cho thu nhập trên mỗi ha đất canh tác đạt trên 80 triệu đồng/năm với công thức: lúa xuân - lúa mùa sớm - cây vụ đông. Mặc dù hoạt động gặp nhiều khó khăn sau thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, tuy nhiên doanh thu bình quân của HTXDVNN Nghĩa Thắng luôn luôn đạt 2 tỷ đồng mỗi năm, các dịch vụ phục vụ cho bà con xã viên luôn đạt sự tin tưởng cao.
|
Mô hình nuôi ba ba mỗi năm cho thu nhập trên 400 triệu đồng của CCB, đảng viên Nguyễn Duy Lữ, xã Hồng Quang (Nam Trực). |
Cựu chiến binh làm giàu từ hai bàn tay trắng
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình CCB Nguyễn Duy Lữ, xóm Mả Râm, xã Hồng Quang (Nam Trực) là thành quả từ nghị lực, ý chí của người thương binh nặng loại 1/4, một đảng viên gần 40 năm tuổi Đảng. Thành quả của nỗ lực vượt khó của ông Lữ đến nay là 5 ao nuôi thường xuyên 1.200 con ba ba, mỗi năm cho thu nhập trên 400 triệu đồng. Là thương binh nặng, ông được hưởng chế độ chăm sóc điều trị tập trung, song luôn canh cánh nỗi lo và thương vợ con, năm 1981, ông đã xin trở về địa phương điều trị lâu dài và gây dựng cuộc sống gia đình. Những năm đầu mới trở về kinh tế khó khăn, tuy điều kiện sức khỏe không tốt, ông vẫn cố gắng xoay xở làm nhiều nghề song không có nghề nào đem lại thu nhập đủ để lo toan gánh nặng chi tiêu gia đình. Khắc ghi lời dạy của Bác về sứ mệnh của người lính, phải có ý chí phấn đấu vượt khó không chỉ trong thời chiến mà còn cả trong thời bình, ông Lữ luôn trăn trở cách làm kinh tế để cải thiện đời sống cho gia đình, đóng góp xây dựng quê hương. Thời điểm đó, địa phương đang tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời qua việc tích cực tìm hiểu, tham quan, học hỏi ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu cũng như bỏ công sức và tiền bạc đi tham quan các trại chăn nuôi khác ở Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên, ông Lữ quyết định cải tạo 5 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả thành khu nuôi thả ba ba. Tìm được hướng đi mới làm kinh tế song khó khăn lớn đầu tiên ông vấp phải là không có vốn đầu tư. Hay tin, các anh em, đồng đội trong Hội CCB của xã đã động viên và vận động hội viên cho ông Lữ vay không lấy lãi 15 triệu đồng. Cộng với số tiền tích góp còn lại sau những tháng ngày miệt mài đi khắp các địa phương trong cả nước học hỏi, ông Lữ gom mua được khoảng 2.000 con giống để thả nuôi trong hai ao nhỏ, song lứa nuôi đầu tiên này ông không thành công.
Ông Lữ quyết tâm hiện thực hóa mong ước làm giàu một lần nữa bằng cách vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT huyện Nam Trực 60 triệu đồng để xây dựng khu cho ba ba đẻ. Nguồn giống bố mẹ được ông chọn lọc từ những con ba ba còn sống trước đó và thuần dưỡng trong môi trường ao nuôi của gia đình. Không phụ công người thương binh nặng, lứa ba ba đầu tiên xuất bán giúp ông thu lãi hàng trăm triệu đồng và có vốn tiếp tục đầu tư một khu nuôi thả ba ba liên hoàn để nuôi thương phẩm gối vụ bao gồm khu nuôi ba ba giống, khu ấp trứng và bốn ao nuôi với tổng diện tích ao hơn 800m
2. Kỹ thuật nhân giống và chăm sóc ba ba của gia đình ông cũng ngày một hoàn thiện nên việc chăn nuôi dần đi vào ổn định. Đến năm 2010, gia đình ông đã hoàn vốn đầu tư và đều đặn thu lãi mỗi năm trở lại đây trung bình 300 triệu đồng. Từ năm 2014 gia đình ông quyết định mở rộng diện tích và tăng đàn ba ba thương phẩm, chủ động toàn bộ quá trình từ nhân giống đến nuôi ba ba thịt.
Phát huy vai trò tiên phong của đảng viên trong làm kinh tế, nhiều đảng viên đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, với những việc làm cụ thể, thuyết phục của đảng viên và gia đình họ đã thu hút được đông đảo nhân dân tin tưởng làm theo, góp phần đáng kể vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đã đề ra./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh