Làng nghề mộc mỹ nghệ Nam Thịnh

09:02, 26/02/2016

Nằm liền kề các xã có nghề mộc truyền thống nổi tiếng như: Hải Minh, Hải Trung, Hải Phương, khoảng chục năm trở lại đây ở xóm 7, Nam Thịnh, xã Hải Long (Hải Hậu) đã phát triển mạnh nghề mộc mỹ nghệ. Toàn xóm có 151 hộ thì có gần 60 hộ tham gia sản xuất với khoảng 300 lao động địa phương có việc làm thường xuyên. Năm 2015, UBND huyện Hải Hậu đã công nhận làng nghề mộc Nam Thịnh đáp ứng đủ các tiêu chí làng nghề do Bộ NN và PTNT quy định.

Sản xuất các sản phẩm mộc gia dụng tại cơ sở của anh Ngô Văn Lạc, làng nghề mộc Nam Thịnh, xã Hải Long (Hải Hậu).
Sản xuất các sản phẩm mộc gia dụng tại cơ sở của anh Ngô Văn Lạc, làng nghề mộc Nam Thịnh, xã Hải Long (Hải Hậu).

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Ngô Văn Lạc, người có thâm niên 30 năm làm nghề cho biết: Trước đây, ở Hải Long chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, toàn xã chỉ có vài ba cơ sở nghề mộc nhỏ, quy mô hộ gia đình với 1-2 lao động chuyên nhận sửa chữa, đóng mới các loại đồ dùng gia dụng như: giường, tủ, bàn, ghế… phục vụ người dân trong vùng. “Cú hích” quan trọng tạo đà cho nghề mộc mỹ nghệ ở Hải Long phát triển là chương trình xây dựng NTM và chủ trương mỗi xã, thị trấn phát triển ít nhất một làng nghề của huyện. Thực hiện chủ trương chỉ đạo của huyện, trên cơ sở nghề sẵn có, xã Hải Long đã tổ chức rà soát, khảo sát xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề mộc mỹ nghệ ở xóm 7. Phương án phát triển làng nghề của xã được nhân dân ủng hộ, xã bầu ra Ban điều hành làng nghề để định hướng phát triển, hỗ trợ các cơ sở, hộ sản xuất trong làng nghề trao đổi kinh nghiệm, phát triển thị trường... Mạng lưới điện đã được xã chú trọng xây dựng hoàn thiện, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất. Hệ thống hạ tầng giao thông như đường, cầu cũng được tu sửa, làm mới theo các tiêu chí NTM và thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, sản phẩm. Xã tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục hành chính để khuyến khích các hộ, cơ sở phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng được xã chú trọng, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức thường xuyên. Trong 5 năm (2011-2015), gần 100 lao động nông thôn của xã đã được tham gia các lớp đào tạo nghề mộc miễn phí. Nhờ các biện pháp quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phát triển mạnh của khoa học kỹ thuật và các loại máy móc hiện đại, nghề mộc ở Hải Long đã được nhân cấy thành công. Hiện tại, làng nghề có khoảng chục cơ sở lớn quy mô từ 5-10 lao động thường xuyên như cơ sở của các ông: Hội, Lạc, Tiềm, Toản, Túy… Sản phẩm của làng nghề không chỉ tăng mạnh về số lượng, chất lượng mà chủng loại cũng đa dạng hơn như: đồ gia dụng (bàn, ghế, giường, tủ…); đồ thờ (cửa võng, hoành phi, câu đối, cuốn thư, ngai, khám…) đến các loại đồ giả cổ (sập, tủ, kệ…) và các loại tranh gỗ trang trí. Làng nghề cũng có sự phân công chuyên môn hóa cao. Có cơ sở chuyên sản xuất các loại đồ thờ như xưởng của anh Lạc, có hộ chuyên nhận chạm các loại tranh, đồ thờ như hộ anh Ngô Văn Ngọc; có hộ chuyên sản xuất các loại đồ giả cổ, tranh gỗ mỹ nghệ như ông Trần Văn Hội... Xuất phát từ quy mô hộ gia đình, sản xuất hoàn toàn thủ công, đến nay xưởng sản xuất của anh Lạc đã trang bị đầy đủ các loại máy móc phục vụ sản xuất như: máy vanh, máy đục, máy cuốn, máy trục đa năng (để “xoi” các loại phào, chỉ). Mỗi tháng cơ sở của anh tiêu thụ từ 5-15m3 gỗ để sản xuất các loại sản phẩm mộc gia dụng như: bàn, ghế, giường, cửa và thường nhận được các hợp đồng dựng nhà giả cổ trị giá đến 500 triệu đồng/căn. Theo ước tính của anh, nếu sản xuất các loại đồ gia dụng, mỗi tháng cơ sở sản xuất được khoảng 30 bộ sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động. Anh cho biết thêm, mức thu nhập của thợ chính đạt từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày; thợ phụ từ 80-100 nghìn đồng/người/ngày. Riêng những “tay chạm” nhận gia công sản phẩm cho các cơ sở lớn ở các xã Hải Minh, Hải Trung đạt thu nhập cao hơn, từ 200-300 nghìn đồng/người/ngày. Sau một thời gian học nghề ở làng nghề mộc truyền thống Phạm Rỵ, xã Hải Trung và bôn ba khắp nơi mưu sinh, năm 2010, anh Ngô Văn Ngọc quyết định về quê mở xưởng chuyên nhận chạm khoán các loại đồ thờ cho các cơ sở lớn trong huyện. Hiện nay, cơ sở của anh có 3 “tay chạm” lành nghề, kỹ thuật cao với mức thu nhập từ 250 nghìn đồng/người/ngày. Theo anh Ngọc, khâu khó nhất và cũng là điểm nổi bật nhất của nghề mộc mỹ nghệ ở Hải Long là chạm khắc nổi các loại hoa văn trên gỗ.

Ngoài các loại hoa văn thường gặp như: tứ linh, tứ quý, chữ triện - lá dắt… ngày nay thị trường còn chuộng các loại hoa văn khác như: “tứ linh hóa” (rồng hóa mai, phượng hóa cúc, ly hóa trúc, rùa hóa sen); thất phượng, cửu long vờn mây… với hàng nghìn chi tiết tỉ mỉ, tinh tế. Đơn cử như hoa văn “tứ linh hóa” đòi hỏi người thợ ngoài đôi tay khéo léo, mắt thẩm mỹ cao và cả tâm hồn để “vẽ” bằng các loại dụng cụ nghề mộc thành bức tranh mà cây mai cuộn thành hình con rồng; con ly cách điệu thành khóm trúc; con rùa tựa như đóa hoa sen và phượng trông như bông cúc. Hiện tại, ở làng nghề mộc Nam Minh, đội ngũ “thợ chạm” đã phát triển đến gần 50 người.

Theo ước tính của UBND xã Hải Long, mức thu nhập thực tế bình quân của làng nghề mộc Nam Thịnh khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm. Nghề mộc phát triển đã góp phần quan trọng để xã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội: hoàn thành chương trình xây dựng NTM trước 1 năm (năm 2014); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn gần 25,85%; công nghiệp - xây dựng chiếm 45,5%; thương mại - dịch vụ chiếm 28,65%); bình quân thu nhập đầu người năm 2015 đạt trên 31,1 triệu đồng. Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2016 và các năm tiếp theo, xã Hải Long chủ trương tiếp tục cải cách hành chính, đổi mới quản lý hỗ trợ người dân tối đa về mặt bằng, nguồn vốn, chú trọng đào tạo nghề để làng nghề mộc Nam Thịnh phát triển bền vững, là hạt nhân để nhân cấy, phát triển ra toàn xã./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com