Dẻo thơm gạo Dự

10:02, 05/02/2016
Đối với mọi người Việt Nam, dù đi bất cứ nơi đâu cũng không thể quên món ăn được coi là “hồn quê hương”, đó là cơm trắng. Ngày Tết, khó khăn đến mấy các gia đình cũng cố chắt chiu mua vài cân gạo “đặc sản” tám, dự để có bát cơm dẻo, thơm dâng cúng gia tiên. 
 
Nam Định nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, là vùng đất nổi tiếng với nhiều giống lúa đặc sản truyền thống thơm ngon mà được “ăn một lần thì nhớ mãi”. Một nhà văn quê hương Nam Định từng viết rằng, trứng vịt ở vùng Nghĩa Sơn ăn cũng thơm đặc biệt bởi con vịt được mò ăn những hạt gạo tám, nếp Quần Liêu nức tiếng. Bên cạnh các giống lúa đặc sản truyền thống như: Nếp cái hoa vàng, Nếp bắc, Tám xoan, Tám ấp bẹ, có một giống lúa, cho dù trải qua sự biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, qua quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, vẫn giữ nguyên được những đặc tính thơm ngon riêng biệt, mê hoặc cả những người sành ăn nhất, đó là giống lúa Dự hương, vốn là lúa đặc sản cổ truyền của xã Nam Mỹ (Nam Trực). 
 
Không biết từ bao giờ, cây lúa Dự hương đã được trồng trên đồng ruộng Nam Mỹ và trở thành đặc sản. Quý vậy nên gạo Dự hương thường chỉ được dùng trong ngày giỗ, ngày Tết, dâng cúng tổ tiên hay để chiêu đãi “thượng khách”, bạn bè thân, hoặc làm quà biếu. Dù không phải là món quà xa xỉ, “siêu đắt” nhưng người được biếu thường đặc biệt thích món quà này. Trồng giống lúa quý này là cả một quá trình với nhiều công đoạn cầu kỳ. Ông Trần Văn Thụ ở xóm Tân Dân, người có hơn 60 năm gắn bó với cây lúa Dự hương cho hay: “Bằng những cách thức riêng truyền từ đời này sang đời khác và bí quyết trân trọng, khắt khe giữ gìn, chăm sóc tỉ mỉ như với “người đẹp khó tính”, nông dân Nam Mỹ mới làm ra những hạt gạo dẻo và thơm, bất cứ ai ăn vào rồi đều nhớ mãi hương vị của nó. Lúa Dự hương ngon nhất là khi gặt non lúc lúa chín 8 phần, sau khi đem về phải đập và xay bằng cối tre đất, giã bằng cối đá theo phương pháp thủ công truyền thống. Thóc được phơi trên chiếu, trong nắng nhẹ, liên tục phơi từ khi gặt về đến lúc hạt thóc khô săn hết nước, chuyển sang màu nâu sẫm rồi để nguội. Thóc phải được bảo quản trong chum, vại sành, để giữ hương thơm, đổ đầy chum, nếu không phải lót trấu, trên bịt lá chuối khô cho kín, lại chống ẩm. Khi nào dùng mới mang thóc ra cối giã thì chất lượng gạo mới chuẩn”. Theo lời người dân ở nơi đây, chỉ cần mở nồi cơm được nấu từ gạo Dự hương, thì hương thơm bay ngào ngạt khắp xóm. Mọi người còn nói vui, từ xa tới cứ theo làn hương là biết ngay bếp nhà nào đang có nồi cơm nấu bằng gạo Dự. Chính vì mùi thơm đặc biệt này, gạo Dự trở thành món quà dân giã mà quý giá của đồng quê.
 
Nông dân xã Nam Mỹ (Nam Trực) gieo sạ hàng lúa Dự hương trên cánh đồng mẫu lớn.
Nông dân xã Nam Mỹ (Nam Trực) gieo sạ hàng lúa Dự hương trên cánh đồng mẫu lớn.
Là giống phản ứng chặt với ánh sáng ngày ngắn nên lúa Dự hương rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Nam Mỹ vào vụ mùa. Gạo Dự hạt trong, cơm ngon, dẻo, đậm đà, giàu dinh dưỡng nên được người tiêu dùng từ Bắc vào Nam ưa chuộng, mặc dù giá cao gấp 2-3 lần với nhiều loại gạo khác. Giống lúa Dự hương có khả năng chống chịu hạn hán, sâu bệnh, không yêu cầu phải đầu tư thâm canh nên chi phí sản xuất cũng không cao. Tuy nhiên, lúa Dự hương có nhược điểm như nhiều giống lúa đặc sản khác như cao cây, thân yếu dễ đổ, ngoài ra, do thời gian sinh trưởng dài ngày nên cây lúa hay bị nhiễm bệnh đạo ôn và sâu đục thân cuối vụ. Trải qua bao vụ sản xuất, nông dân Nam Mỹ đã đúc rút ra những kinh nghiệm quý để khắc phục nhược điểm này. Nông dân Nam Mỹ thường nói vui, chăm lúa Dự hương như chăm “hoa hậu” nên người trồng phải canh rất kỹ, khi phát hiện vết bệnh đạo ôn lá, đã lập tức phun trừ, khi lúa thập thò trỗ, phun trừ sâu đục thân lần 1 và lúc lúa trỗ thoát hết phun trừ sâu đục thân lần 2 là cây lúa Dự hương đảm bảo an toàn tuyệt đối. Để chống úng, chống đổ cuối vụ, ngoài công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy được tiến hành thường xuyên thì khi lúa đứng cái, mỗi sào ruộng cấy, người dân Nam Mỹ thường bón bổ sung kali để lúa chắc hạt, cứng cây. Không giống những loại cây trồng đặc sản khác chỉ có thể trồng ở một vùng miền do hợp chất đất, lúa Dự hương phù hợp sinh trưởng ở nhiều đồng đất, song trồng ở Nam Mỹ thì không ở đâu thơm ngon bằng. Bởi hầu hết những cánh đồng lúa Dự hương ở nơi đây đều được người dân sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón, chứ không dùng phân vô cơ như nhiều nơi khác đã làm nên hạt gạo có chất lượng thơm ngon đặc trưng.
 
Trải qua nhiều năm canh tác và nhân giống tự nhiên của bà con, nên đã có một thời gian giống lúa Dự hương bị thoái hóa, chất lượng không còn được như xưa, thậm chí đã từng đứng trước nguy cơ mai một. Trước tình hình đó, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện Dự án “Phục tráng giống Dự hương ở Nam Mỹ, Nam Trực, Nam Định” trong 3 năm, từ năm 2005 đến năm 2007 nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen giống lúa này. Đồng chí Đào Văn Chất, nguyên Chủ nhiệm HTXDVNN Nam Mỹ, người trực tiếp thực hiện Dự án cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu, chọn ra những dòng phân ly tốt của giống lúa Dự hương để phục tráng, nhân rộng phục vụ sản xuất. Đồng thời, tập huấn cho nông dân kỹ thuật phục tráng, nhân giống để quản lý chất lượng ngay từ khâu giống. Nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước cho hợp lý để chống đổ làm ảnh hưởng năng suất”. Bao tâm sức của các kỹ sư nông nghiệp, cán bộ HTX và bà con nông dân, giống lúa Dự hương được phục tráng, không những không bị thoái hóa, mà còn cho năng suất cao hơn, chất lượng cơm vẫn giữ được đặc tính dẻo, thơm, ngon vốn có của nó.
 
Hiện nay, lúa Dự hương được nông dân Nam Mỹ gieo trồng ở cánh đồng mẫu lớn với diện tích gieo cấy trên 60ha, tập trung tại 4 xóm: Đại Thắng, Đồng Tâm, Tân Dân và Trung Thành. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt phương thức “3 cùng” là gieo cấy cùng trà, cùng giống, cùng phương thức canh tác, người dân đã giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, năng suất bình quân đạt 100-120 kg/sào, nhiều hộ thâm canh tốt năng suất đạt 140 kg/sào. Mô hình cánh đồng mẫu lớn lúa Dự hương hiện đang tạo môi trường nâng cao trình độ sản xuất của nông dân Nam Mỹ, giúp nông dân ứng dụng thuận lợi các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa, giảm chi phí đầu tư trên cùng một đơn vị diện tích gieo cấy, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia mô hình sản xuất tập thể. Thông qua mô hình này, mối liên kết giữa “các nhà” nông dân, quản lý, khoa học, doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ. 
 
Nắm bắt nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế của gạo Dự, xã Nam Mỹ đã xác định lúa Dự hương là một trong những cây trồng mũi nhọn trong cơ cấu cây trồng của địa phương. Xã đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu gạo Dự hương; thành lập nhóm tiêu thụ, tổ chức thu mua, xay xát và đóng gói gạo Dự hương theo đúng phương thức truyền thống nhằm bảo đảm chất lượng gạo đặc sản khi đến tay người tiêu dùng. Người nông dân “một nắng hai sương” thêm tự hào bởi hạt gạo họ làm ra đang mang trong nó những giá trị văn hóa hơn là lương thực thuần túy. Ngày Tết mỗi gia đình sum họp bên mâm cỗ ấm cúng, khi nồi cơm mới hé vung, hương vị của quê hương lan tỏa khắp nhà. Ấy là ước mơ của người nông dân Nam Mỹ về đặc sản quê hương do chính họ nâng niu gieo trồng được thương mại hóa rộng rãi, vừa sẻ chia “miếng ngon” quê hương với mọi người, vừa giúp họ làm giàu từ cây lúa truyền thống./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com