Mặc cho cái rét buốt như xía vào da thịt của chiều cuối đông, theo lời giới thiệu chúng tôi vẫn hào hứng tìm về xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) để gặp ông Trần Văn Công - một nông dân tiên phong khai khẩn vùng bãi bồi của dòng sông Ninh Cơ để làm giàu. Được nghe và “tận mục sở thị” trang trại quy mô, bề thế… thực sự thấy khâm phục sức mạnh ý chí và sự quyết tâm vượt qua đói nghèo của người nông dân này.
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Không hẹn mà gặp, khi biết chúng tôi là nhà báo đến tìm hiểu về quá trình “lập nghiệp” của mình, ông Công rất vui và xen lẫn cả sự tự hào. Ông bảo, nông dân chúng tôi chỉ quen làm, hay nói về công việc chứ chẳng quen nói về thành tích, thế nên có gì “các anh” thông cảm! Với tay lấy cái ấm tích, vừa rót mời khách cốc nước vối nóng hổi, thơm phức, ông Công nhẩn nha kể: Sinh ra và lớn lên ở một xã thuần nông, không có nghề phụ nên trước đây kinh tế gia đình ông cũng như các hộ khác rất khó khăn. Tháng 10-1976, ông lên đường nhập ngũ tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đóng quân ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn. Sau hơn 3 năm hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, ông được phục viên trở về quê hương. Như bao chàng trai khác ở xóm làng, ông xây dựng gia đình rồi ra ở riêng. Không nghề, nên nguồn thu nhập quanh năm của vợ chồng ông chỉ trông vào mấy sào lúa bố mẹ hai bên chia cho. Thế nên cái đói, cái nghèo cứ dai dẳng bám víu lấy gia đình ông. Không cam chịu chấp nhận số phận, ý nghĩ “phải làm gì đó” để vươn lên cứ thôi thúc ông suốt bao đêm trăn trở không ngủ. Năm 1987, sau khi có chủ trương giao ruộng đất cho nông dân, ông bàn với vợ con, anh em trong gia đình ủng hộ quyết định và hỗ trợ ông đấu thầu vùng đất “đen” ven sông Ninh Cơ, vốn là vùng trồng cói của HTX Đồng Liêu (nay là HTXNN Nghĩa Lạc) để làm ăn. Thời điểm ấy, sự mạnh dạn có phần liều lĩnh ấy của ông khiến nhiều người không khỏi ái ngại, có người cho là “ngông cuồng” bởi cả tập thể HTX với bao nhiêu con người còn chả làm được gì để đổi khác vùng đất ấy, huống hồ một mình ông. Vượt lên tất cả những lời chê bai, can ngăn, đôi vợ trồng trẻ quyết định “bỏ nhà” ra “bãi” dựng lều khai hoang…
Ông Trần Văn Công, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây cảnh. |
Nhấp ngụm nước vối, ông kể tiếp: Ngày đó, nhận cả vùng bãi bồi sình lầy hoang vu rộng tới 21ha với toàn cói xen lẫn cỏ dại, năn, lác, hai vợ chồng không khỏi rùng mình khi nghĩ đến “cả núi công việc” phải làm phía trước. Việc đầu tiên là phải lăn lộn ngày đêm đào đắp vượt lập được một ô đất để có chỗ dựng tạm túp lều tranh “chui ra, chui vào” tránh sương gió, nắng mưa mỗi ngày. Rồi cứ thế ngày lại ngày, hai vợ chồng không ngơi nghỉ đào đất, hút bùn để đắp bờ, phá cói, năn, lác, cỏ dại… để cấy lúa. Quanh năm đầu tắt mặt tối, dành dụm được chút tiền nào từ việc bán thóc, bán cá, bán cua đánh bắt được ở bãi, trên sông… ông lại thuê người cùng đào đất đắp cả trăm mét bờ vùng để chủ động nguồn nước và hạn chế những ảnh hưởng từ nước lũ sông Ninh Cơ đối với việc chăn nuôi của mình. Suốt hơn 5 năm trời ròng rã lăn lộn, với bao mồ hôi, công sức ông mới hoàn thành chỉnh trị vùng bãi bồi này. Chủ động được nguồn nước, ông bắt đầu tập trung tìm cách khai thác vùng đất giàu tiềm năng này. Quy mô sản xuất mở rộng dần nên ông thiếu vốn. Đúng lúc khó khăn, ông được Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng lần lượt cho vay 20 triệu đồng, rồi 25 triệu đồng, sau đó là 100 triệu đồng. Với nhiều người, số vốn đó không nhiều, nhưng với ông Công nó thực sự là nguồn lực thúc đẩy vợ chồng ông tiếp tục vươn lên. Có thêm nguồn vốn và sự khích lệ của ngành chức năng, ông quyết định tập trung cấy lúa ở vụ xuân trên phần lớn diện tích, sau khi thu hoạch lúa thì nuôi cua rèm, tôm sú theo phương pháp quảng canh. Vào thời điểm những năm 1993-1994, ông là một trong những người đầu tiên nuôi tôm sú kết hợp với cua rèm. Để có được những kiến thức, chăm sóc con tôm sú, cua rèm, ông thường xuyên tìm hiểu từ sách, báo, nghe đài… qua những chương trình phổ biến kiến thức kỹ thuật, cách phòng chống các loại dịch bệnh. Ông vào tận Đà Nẵng, Khánh Hòa chọn mua giống tôm sú; giống cua rèm được ông đặt hàng các chủ trại khai thác tự nhiên ở vùng đông Nam Điền. Có con giống khỏe mạnh, kết hợp với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nguồn nước chưa bị ô nhiễm nên tôm sú, cua rèm không bị bệnh, ăn khỏe, lớn nhanh. Ông Công tâm sự: Trời không phụ công người chăm chỉ, chịu khó, liên tiếp trong gần chục năm trời vợ chồng ông gặt hái được những thành quả từ những vụ lúa xuân bông vàng chĩu hạt, những lứa tôm sú, cua rèm căng mẩy. Mỗi năm, vài chục tấn lúa, hàng chục tấn cua rèm, tôm sú từ vùng đất “đen” ấy được xuất bán cho khách hàng ở trong và ngoài tỉnh đã mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng, giúp gia đình ông trang trải nợ nần và có thêm nguồn lực, sự tự tin để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh... Năm 2007 sau khi huyện thu hồi hơn 14ha, mặt bằng sản xuất thu hẹp, ông tính toán đầu tư, cải tạo và quy hoạch lại vùng nuôi. Ông thuê máy đào, máy xúc vượt lập xây dựng 3 khu chuồng trại nuôi lợn nái, lợn thịt theo phương thức nuôi công nghiệp. Toàn bộ chuồng nuôi được thiết kế xây dựng khá quy mô, được trang bị đầy đủ hệ thống bể ăn, ống dẫn nước sạch tự động, đảm bảo đủ khả năng nuôi từ 300 đến 400 con lợn thịt mỗi lứa. Chất thải được thu gom vào hệ thống hầm bi-ô-ga để xử lý, giúp môi trường khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ, không phát sinh dịch bệnh. Đàn lợn nuôi được ông chủ động tiêm phòng các loại dịch bệnh nên luôn khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn. Cùng với đó, ông còn dành một dãy chuồng nuôi 50 con lợn nái sinh sản để chủ động cung cấp nguồn giống phục vụ chăn nuôi của gia đình theo mô hình khép kín. Bên cạnh việc đầu tư nuôi lợn, ông còn đầu tư nuôi 1.500 con chim bồ câu đẻ, gà và ngỗng. Dưới nước ông đào 5 ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức nuôi công nghiệp. Toàn bộ các ao nuôi đều được ông xử lý một cách khoa học để bảo đảm việc nuôi thả thành công. Nguồn giống được ông nhập từ Trung tâm Giống tôm UB của Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Năm 2015, chỉ tính riêng các ao nuôi tôm thẻ chân trắng đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu hơn 1,2 tỷ đồng. Để phù hợp với diễn biến bất thường của thời tiết hiện nay, ông đang tập trung phát triển trang trại theo hướng tổng hợp, trên bờ ông nuôi lợn nái, lợn thịt, chim bồ câu, gà, ngỗng; dưới nước ông nuôi tôm thẻ chân trắng từ tháng 3 đến tháng 7, sau khi thu hoạch tôm, ông tiếp tục thả nuôi các loại cá truyền thống xen lẫn cua rèm, tôm sú. Với việc tập trung phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, năm 2015, tổng doanh thu của gia đình ông đạt hơn 2,5 tỷ đồng. Trang trại đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và hơn 20 lao động vào lúc đông vụ chí kỳ. Từ lâu, mọi người không còn bảo ông là “khùng, liều” nữa, ông là tấm gương bằng ý chí và sự chăm chỉ đã làm ra “vàng” trên vùng đất “đen”.
Tâm tư của người nông dân thời hội nhập
Đang hào hứng kể về những ngày gian khó và những mùa “quả ngọt”, giọng ông chùng xuống khá tâm tư. Ông bảo: Các anh cứ hình dung nơi đây từng chỉ có lau lách và cói mọc lút đầu, để đẹp đẽ được như bây giờ tôi phải đầu tư hàng tỷ đồng để bồi trúc, san lấp, tôn tạo mặt bằng, xây dựng chuồng trại, rồi mua các loại con giống làm trang trại hàng mấy chục năm nay. Từ hai bàn tay trắng, chỉ lấy sức người, sự cần cù, cái đầu biết nghĩ và dám nghĩ, để mở rộng quy mô trang trại và đảm bảo sản xuất, kinh doanh ổn định cần không ít vốn, nhưng việc làm thủ tục vay vốn từ các ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây 3 năm tôi phải tín chấp 2 “sổ đỏ” mới vay được 200 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT. So với nhiều khách hàng nông dân số tiền này có thể khá lớn, song với trang trại của tôi số tiền này chỉ đáp ứng được một phần vốn đầu tư cho việc mua thức ăn cho đàn lợn 300-400 con trong khoảng 20 ngày… Qua gần 30 năm đầu tư xây dựng và phát triển, đến nay trang trại đã có giá trị hàng chục tỷ đồng, nhưng vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng vì không có tài sản thế chấp bởi trang trại được xây dựng trên đất đấu thầu, không có “sổ đỏ”. Rất chịu khó cập nhật thời sự nên ông Công biết hiện nay nước ta đã tham gia khá sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và đã có hiệu lực trong thực tế, vì vậy bên cạnh những thuận lợi, những người nông dân như ông cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn về con giống, giá thức ăn, đầu ra cho sản phẩm… Đặc biệt, nếu muốn nâng cao khả năng cạnh tranh rất cần đầu tư nguồn vốn lớn cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật một cách đồng bộ để bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về môi trường chăn nuôi, quy mô trang trại, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… Có như vậy mới có thể vượt qua các rào cản thương mại của các thị trường nước ngoài. Việc tham gia bảo lãnh cho nông dân vay vốn của các cấp chính quyền ở địa phương chủ yếu đối với các dự án quy mô nhỏ hộ gia đình. Do sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, thiên tai nên các cấp chính quyền chưa đứng ra bảo lãnh cho các trang trại lớn. Tài sản của người nông dân là lợn, gà, tôm, cá… cũng không thể tín chấp vì ngân hàng không chấp nhận.
Hỏi ông “Xuân mới lại sắp về, ông có mơ ước gì không”, ông bảo mong muốn những khó khăn trên không chỉ của riêng ông mà là của đa số những chủ trang trại sẽ được các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ đúng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ nông dân. Được như thế, những khó khăn khác của kinh tế hội nhập họ cũng sẽ vượt qua được. Tạm biệt ông Công, dần xa vùng đất bãi bồi ven sông, tôi cũng tin rằng dù phía trước vẫn còn không ít những thách thức, nhưng bằng ý chí, sự quyết tâm và nghị lực của mình, cùng sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương, những người nông dân - chủ trang trại như ông Công sẽ biết cách vượt qua để tiếp tục vươn tới những đỉnh cao mới. Để mỗi mùa Xuân mới về sẽ có thêm thật nhiều niềm vui và thành tựu mới./.
Bài và ảnh: Văn Đại