Thêm hai trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP

09:01, 25/01/2016
Cuối năm 2015, tỉnh ta có thêm hai trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP là trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu) với quy mô 21 nghìn con và trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Thọ, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) với quy mô sản xuất 120 lợn nái, trên 500 lợn thịt, 10 lợn đực giống. Cả hai trang trại đã đạt các tiêu chí của quy trình VietGAHP về địa điểm chăn nuôi, thiết kế chuồng trại; quản lý con giống, sử dụng thức ăn và thuốc thú y; nước uống và nước vệ sinh; phòng trị bệnh; quản lý chất thải, rác thải; kiểm soát động vật gặm nhấm và động vật khác; quản lý nhân sự; ghi chép lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc…
 
Ông Nguyễn Văn Công ở xã Hải Xuân cho biết: “Năm 2010, gia đình tôi xây dựng khu chăn nuôi với 4 chuồng nuôi, nhà vệ sinh, kho thức ăn, kho trứng... trên diện tích 1ha để tổ chức nuôi gà theo quy trình VietGAHP. Đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình xuất bán được 17.850 quả trứng gà sạch, tạo việc làm cho hơn 8 lao động với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng”. Theo ông Công, trong các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận VietGAHP thì tiêu chí về quản lý con giống và môi trường chăn nuôi là 2 tiêu chí quan trọng. Hiện tại, toàn bộ đàn gà của trang trại đều là giống gà đỏ Isa Brown chuyên trứng được nhập từ Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, có giấy chứng nhận kiểm dịch với năng lực đẻ bình quân 300 trứng/con/năm, trọng lượng trứng từ 50-60g/quả. Đàn gà giống được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và xét nghiệm máu trước khi nhập chuồng. Ngoài ra, gà còn được bổ sung các loại Vitamin C, Glueco vào thức ăn theo định kỳ từ 1-2 tháng/lần để tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng cũng như năng suất đẻ trứng, đảm bảo đúng quy trình và hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn. Để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, chuồng trại được ông xây dựng theo đúng quy trình kỹ thuật. Lắp đặt giàn mát, quạt hút gió ở đầu và cuối mỗi ô chuồng bảo đảm nhiệt độ trong chuồng phải luôn giữ ở mức từ 25-28 0C. Công tác tiêu độc, khử trùng bên ngoài chuồng trại luôn được thực hiện định kỳ: vãi vôi bột xuống sàn và phun thuốc sát trùng 5-7 ngày/lần bằng các dung dịch sát trùng (Benkocid...); vệ sinh sạch phân, chất độn, phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột khi chuồng trống sau mỗi vụ nuôi. Lồng được thiết kế nuôi 4 con/ô chuồng. Phân gà được thu gom 2 lần/ngày bằng hệ thống cần gạt tự động phía dưới nền chuồng, được đóng bao và xử lý trước khi bán cho nông dân làm phân bón cho cây trồng. Toàn bộ hệ thống quạt, cần gạt phân, đèn chiếu sáng được điều khiển bán tự động. Trang trại sử dụng nguồn nước máy để cho gà uống và làm nước vệ sinh. Theo ông Công, thực hành chăn nuôi gà theo quy trình VietGAHP không những đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn với sản phẩm trứng “sạch” bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định. Trứng của trang trại phân phối cho các đại lý thu mua tại Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An. Mỗi năm, doanh thu của trang trại đạt 10 tỷ đồng, cho thu lãi 500 triệu đồng/năm.
Trang trại chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP của ông Nguyễn Văn Thọ, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Trang trại chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP của ông Nguyễn Văn Thọ, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Đến thăm trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Thọ tại khu 2, Thị trấn Rạng Đông, ông cho biết: “Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP có nhiều cái lợi. Ngoài việc tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng để người tiêu dùng yên tâm, không còn phải lo ngại trước một loạt thông tin trứng gà giả, gà lậu, lợn sử dụng chất tạo nạc,… còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”. Năm 2007, ông đã đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng 2 dãy chuồng nuôi, trong đó 1 dãy chuồng lợn nái, lợn đực và 1 dãy chuồng lợn thịt. Những con giống tự sản xuất để xuất bán và một phần sử dụng để nuôi lợn thịt thương phẩm. Hiện tại, trang trại có gần 120 lợn nái do Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cung cấp, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trang trại tự sản xuất tinh để phối giống; lợn đực giống được đánh số tai và theo dõi sức khỏe, sức sản xuất. Chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp HI-GRO của Cty CP chăn nuôi CP Việt Nam và các loại thức ăn được sử dụng đều đã được chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn. Lợn giống của trại được cung ứng cho bà con chăn nuôi trong tỉnh; lợn thịt được phân phối cho các thương lái thu mua tại Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng... Trung bình mỗi năm gia đình ông xuất bán trên 3.000 con lợn giống và hơn 100 tấn lợn thịt, doanh thu đạt 5-7 tỷ đồng, thu lãi 400-500 triệu đồng/năm. Để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, các chất thải lỏng được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng và được xử lý bằng phương pháp hầm ủ bi-ô-gas. Nước dùng cho sinh hoạt và chăn nuôi đều được xử lý qua bể lắng, sử dụng clorin lọc sau đó được chuyển sang bể chứa riêng. Toàn bộ 5 lao động thường xuyên làm việc tại trại được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ và được Phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT) tập huấn đầy đủ các kiến thức về quy trình chăn nuôi lợn an toàn (VietGAHP).
 
Thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP (Vietnamese Good Animal Husbandry Practices) là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân về thiết kế chuồng trại, kho, thiết bị chăn nuôi, về quản lý con giống, thức ăn, vệ sinh môi trường, dịch bệnh, công tác thú y, chăn nuôi nhằm đảm bảo đàn vật nuôi được nuôi dưỡng để đạt được các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Đây là xu hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn nói chung và chăn nuôi nói riêng. Để nâng cao nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, từ năm 2012 đến nay, được sự  hỗ trợ của Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT), Sở NN và PTNT tỉnh triển khai xây dựng và cấp giấy chứng nhận mô hình chăn nuôi VietGAHP cho 4 trang trại (2 trang trại nuôi gà đẻ trứng và 2 trang trại nuôi lợn). Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với tốc độ phát triển chăn nuôi khá nhanh của tỉnh. Nguyên nhân do hiện nay kinh phí chứng nhận VietGAHP còn quá cao. Chưa kể đến những vấn đề cần giải quyết về hồ sơ, thủ tục xác nhận nguồn gốc con giống, thức ăn, đầu tư đồng bộ về chuồng trại, xử lý chất thải... Ngay đến việc đơn giản như viết nhật ký chăn nuôi hằng ngày, mỗi ngày cho vật nuôi ăn liều lượng bao nhiêu, tiêm phòng vào thời điểm nào, vật nuôi có biểu hiện gì bất thường cũng đủ khiến cho nhiều người chăn nuôi cảm thấy ngại. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay vẫn được thị trường chấp nhận, hay nói cách khác, dù chăn nuôi không theo tiêu chuẩn nào nhưng nông dân vẫn bán được sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và bán ra các tỉnh ngoài. Trong khi đó, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, người chăn nuôi chịu mức chi phí đầu tư cao hơn gấp nhiều lần chăn nuôi nhỏ lẻ do phải đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, tiêm phòng cho vật nuôi… mà giá bán sản phẩm chưa chắc đã được cao hơn.
 
Phát triển chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP nhằm tăng khả năng cạnh tranh theo xu hướng thị trường và khi hội nhập là giải pháp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAHP. Triển khai có hiệu quả Nghị định 210/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Tăng cường thông tin tuyên truyền về VietGAHP, hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu để bảo đảm đầu ra ổn định cho các trang trại; hỗ trợ các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống, chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com