Theo cảnh báo của các chuyên gia, biến đổi khí hậu (BĐKH) tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tại tỉnh ta, dự báo vào năm 2050 nhiệt độ trung bình năm tăng lên mức khoảng 28 đến 30
0C; đến năm 2100 là 29,5
0C. Lượng mưa trung bình vào năm 2020 tăng 1,6%, đạt 1.352,7mm, năm 2050 tăng 4,1%, đạt 1.386mm, năm 2100 tăng 7,9%, đạt 1.436,6mm. Dự báo giai đoạn 2020-2100 mực nước biển dâng từ 12 đến 74cm so với giai đoạn 1980-1999; tổng diện tích bị ngập của tỉnh là 61,71km
2; trong đó huyện Giao Thủy ngập 34,27km
2; Hải Hậu ngập 20,9km
2; Nghĩa Hưng ngập 6,54km
2. Trong điều kiện khí hậu biến đổi cực đoan, tiếp tục gia tăng tác động tiêu cực đến trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản; đe dọa an ninh lương thực của tỉnh cũng như của khu vực; tác động trực tiếp đến nước sạch, vệ sinh môi trường; tài nguyên, đa dạng sinh học và hệ sinh thái; đe dọa tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân; ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch; hủy hoại các kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
|
Công nhân Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh thu dọn bèo, rác trên hệ thống kênh, mương để tiêu thoát nước. |
Nhằm chủ động ứng phó với BĐKH, tỉnh ta đã tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy cán bộ, công chức có trình độ năng lực tham mưu và triển khai công tác ứng phó với BĐKH. Đến nay, 10 huyện, thành phố đã có Ban Chỉ đạo ứng phó với BĐKH; thành lập mới Chi cục BVMT, Chi cục Biển; Phòng TN và MT các huyện, thành phố đều có biên chế chuyên trách về công tác môi trường, BĐKH. Cấp xã có 1 đến 2 cán bộ địa chính - xây dựng kiêm nhiệm công tác này. Cấp ủy và chính quyền các cấp tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công tác ứng phó BĐKH tại địa phương. Tỉnh còn tăng cường chỉ đạo, xây dựng và ban hành các chương trình hành động, giải pháp, kế hoạch ứng phó nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực do BĐKH gây ra cho toàn tỉnh và từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Đồng thời huy động các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đẩy mạnh các chương trình BVMT, ứng phó BĐKH của Đảng, Nhà nước như: BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH... sát với tình hình địa phương, đơn vị. Thời gian qua, các cơ quan thông tin truyền thông, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cung cấp kiến thức thực tế và những vấn đề liên quan đến BĐKH; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, ý thức trách nhiệm đối với công tác BVMT, chủ động ứng phó với BĐKH. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nguồn tài nguyên trong điều kiện BĐKH. Tập trung BVMT và thực hiện các chương trình, hành động ứng phó với BĐKH cho khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Thủy (khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế hiện nay) và vùng bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng (thuộc vùng lõi khu dự trữ sinh quyển sông Hồng, được UNESCO công nhận năm 2004). Triển khai dự án “Phục hồi tài nguyên hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ tỉnh Nam Định ứng phó với BĐKH”, “Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ nguy cơ ngập gây ra bởi nước biển dâng do bão và siêu bão”; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020; đẩy mạnh công tác trồng rừng chắn sóng, giữ bãi. Đến nay, diện tích rừng ngập mặn toàn tỉnh đã đạt 3.600ha; hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015-2020”. Các ngành còn đẩy mạnh công tác phòng ngừa các nguồn ô nhiễm để giảm thiểu tác động của BĐKH đến môi trường. Ngành TN và MT, các địa phương đã tăng cường bảo vệ nguồn tài nguyên nước bằng các biện pháp nâng cao hiệu quả cấp giấy phép khai thác, thăm dò, xả thải nước cho các tổ chức, doanh nghiệp; phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, hệ thống quan trắc dưới đất. Công tác BVMT trong phát triển công nghiệp, y tế, sinh hoạt được siết chặt quản lý. Đến nay, 100% các dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp quy hoạch, 2/3 KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý rác thải đạt quy chuẩn môi trường, 3/18 CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; đã và đang triển khai dự án xử lý rác thải y tế tại 15 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Toàn tỉnh đã đầu tư 122 công trình bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh cho 116 xã, thị trấn, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt của Thành phố Nam Định và các xã lân cận đạt 88%. Khu vực nông thôn có 186/204 xã, thị trấn với 2.467/3.052 thôn, xóm có hoạt động thu gom, xử lý rác thải; tổng lượng thu gom khoảng 488,7 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 74,1%. Toàn tỉnh có khoảng 30 lò đốt rác. Cơ sở vật chất, năng lực dự báo ứng phó BĐKH của tỉnh cũng thường xuyên được tăng cường. Ngân sách chi hằng năm cho công tác bảo vệ TN và MT, chủ động ứng phó với BĐKH được bảo đảm. Trung tâm quan tắc và phân tích TN và MT tỉnh đã xây dựng hệ thống quản lý theo quy trình Vilab. Toàn tỉnh đã nâng cấp, kiên cố hóa 56,8/76,6km đê biển, có khả năng chống bão cấp 10, tần suất 5%; xây mới 8 cống qua đê và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê. Tỉnh cũng đang xây dựng 21 mỏ kè mới; tu bổ, nâng cấp 18,1km đê biển xung yếu ở 3 huyện ven biển; xây mới 30 cống qua đê bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão; nâng cấp hơn 30km đê sông, hơn 20km chiều dài kè bảo vệ đê và bê tông hóa mặt đê. Để đánh giá tác động của BĐKH tới mô hình bệnh tật, tỉnh đã xây dựng bản đồ các bệnh, bản đồ dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm...
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ứng phó với BĐKH. Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế để tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính”, thích ứng với BĐKH. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực, kể cả các nguồn ODA để đầu tư cho ứng phó với BĐKH, nhất là lĩnh vực công nghệ sử dụng năng lượng cac-bon thấp, hoặc năng lượng không các-bon (mặt trời, gió...), trồng và bảo vệ rừng. Thu hút các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải. Hằng năm, ưu tiên bố trí ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với BĐKH; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với BĐKH; nâng cao tính khoa học và tính thực tiễn trong các chương trình, kế hoạch về ứng phó BĐKH cho từng giai đoạn, từng ngành, từng địa phương. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp ngành để đạt các mục tiêu về ứng phó BĐKH; nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó BĐKH. Khuyến khích sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu phát thải các-bon-níc và sử dụng các nguồn nhiên liệu mới như xăng sinh học, các nguồn nguyên liệu thay thế phục vụ cho sản xuất và sinh học. Tiếp tục đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của BĐKH, ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người. Đẩy mạnh giám sát và kiểm soát về y tế địa phương để bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân; áp dụng các giải pháp về công nghệ, trang thiết bị kiểm soát dịch bệnh phát sinh, phát triển, lây lan trong điều kiện BĐKH, nhất là sau thiên tai./.
Bài và ảnh:
Thanh Thuý