Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2015: Công nghiệp địa phương bứt phá

09:01, 20/01/2016

Năm 2015, công nghiệp địa phương có sự bứt phá đáng kể. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (giá so sánh năm 2010) ước đạt 38.475 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2014; trong đó khối các doanh nghiệp địa phương ước đạt 32.208 tỷ đồng, tăng 11,6%; mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 hoàn thành từ năm 2014, trước một năm; chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 hoàn thành sớm trước 3 tháng, tăng 33,2% so năm 2014, vượt 47% kế hoạch tỉnh giao… Đó là những dấu ấn tăng trưởng nổi bật trong sản xuất CN-TTCN năm 2015 của ngành Công thương.

Công nghiệp địa phương bứt phá

Năm 2015 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2011-2015, với khí thế thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ngành Công thương đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và nỗ lực phấn đấu trên tất cả các lĩnh vực nên hoạt động sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá thực tế) ước thực hiện đạt trên 63,5 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2014. Góp phần quan trọng trong kết quả nổi bật năm 2015 là khối doanh nghiệp địa phương với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 53,5 nghìn tỷ đồng (tăng 28,4% so với năm 2014). 3 KCN tập trung: Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh hoạt động ổn định, thu hút thêm 11 dự án đầu tư mới vào sản xuất, kinh doanh, trong đó có 5 dự án trong nước với tổng mức đầu tư 395,7 tỷ đồng và 6 dự án nước ngoài với tổng mức đầu tư 42,5 triệu USD. Như vậy đến nay, tổng số dự án thứ cấp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các KCN là 166 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 7.157 tỷ đồng và hơn 364 triệu USD. Các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: dệt may, cơ khí, sản xuất thuốc và hóa dược, chế biến gỗ... vẫn duy trì sản xuất ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Trong đó, ngành dệt may phát triển mạnh và đều ở các huyện, thành phố, chiếm tỷ trọng 39-40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Trong năm 2015, ngành dệt may tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước như: Cty CP May Sông Hồng đầu tư khu sản xuất tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) với tổng vốn trên 350 tỷ đồng, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đầu tư xây dựng 8 nhà máy may công nghiệp tại các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Nghĩa Hưng...; Cty CP May Nam Định khởi công xây dựng nhà máy may tại xã Nam Tiến (Nam Trực), diện tích 16 nghìn m2 dự kiến thu hút 1.000 lao động; Cty TNHH Ánh Vàng (Hải Phòng) xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu diện tích 98.600m2, dự kiến thu hút 4.000 lao động... Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư của tỉnh ta cũng ghi nhận nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài như: Cty TNHH Việt Pan-Pacific (Hàn Quốc) đầu tư trên 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu diện tích 50 nghìn m2, dự kiến thu hút khoảng 3.000 lao động... tại xã Đồng Sơn (Nam Trực); Cty TNHH Dệt may Thiên Nam đầu tư 1 triệu USD tại xã Giao Tiến (Giao Thủy). Ngành cơ khí vẫn phát triển mạnh ở lĩnh vực sản xuất các loại máy nông nghiệp, xây dựng, sản xuất các mặt hàng gia dụng. Ngành công nghiệp đóng tàu ở các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên... đã cơ bản phục hồi sản xuất với một loạt hợp đồng đóng mới tàu pha sông biển. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lương thực - thực phẩm... vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh ổn định, có tăng trưởng làm nòng cốt giữ vững nhịp độ phát triển cho toàn ngành. Bên cạnh đó, các giải pháp, chương trình phát triển CN-TTCN, làng nghề nông thôn theo Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo đòn bẩy tăng trưởng mạnh mẽ sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 20 CCN tập trung, với tổng số 472 dự án (tổng vốn đầu tư được duyệt là 2.983 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện trên 2.706 tỷ đồng). Giá trị sản xuất công nghiệp của các CCN năm 2015 ước đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014, tạo việc làm cho gần 19 nghìn lao động nông thôn. Toàn tỉnh đã phát triển được 124 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN với tổng số 310 doanh nghiệp - cơ sở sản xuất, 52 nghìn hộ cá thể tạo việc làm thường xuyên cho 135 nghìn lao động. Nông thôn đổi mới với nông nghiệp chuyển dịch tích cực, ngành nghề CN-TTCN phát triển, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Đóng tàu pha sông biển tại Cty TNHH một thành viên Sản xuất Thương mại Đức Chiến, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Đóng tàu pha sông biển tại Cty TNHH một thành viên Sản xuất Thương mại Đức Chiến, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng

Bước sang năm 2016, trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Liên minh kinh tế khu vực ASEAN (AEC)... Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường, đây là “cơ hội chưa bao giờ tốt hơn” đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, hơn 5.800 doanh nghiệp tỉnh ta nói riêng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường với điều kiện cả nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp phải có sự hiểu biết sâu sắc về các cơ hội, thách thức, chuẩn bị tốt khi “bơi ra biển lớn”. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư của tỉnh ta như: giao thông, điện lực, bưu chính - viễn thông, các khu, CCN với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đã được tăng cường đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng nhu cầu sản xuất và kết nối, giao thương hàng hóa. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của Trung ương, của tỉnh đã được các sở, ban, ngành và các địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ. Đó là những cơ sở, nền tảng để ngành Công thương nỗ lực phấn đấu thực hiện và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong cả giai đoạn 2016-2020 ngay từ năm 2016 với những mục tiêu cụ thể: giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt trên 43 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015 (khối doanh nghiệp địa phương phấn đấu đạt trên 36,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2%); kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 31.153 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2015...

Để kỳ vọng thành kết quả cụ thể, năm 2016 ngành Công thương tập trung bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh tập trung mọi nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngành Công thương đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu, như: xây dựng, quản lý và thực hiện tốt 4 quy hoạch về phát triển công nghiệp, thương mại, ngành nghề TTCN, Điện lực đã được phê duyệt (gồm: Quy hoạch phát triển công nghiệp; thương mại giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quy hoạch phát triển các ngành nghề TTCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch phát triển Điện lực giai đoạn 2015-2025, có xét đến năm 2035). Chủ động và phối hợp với các ngành, UBND các huyện nắm sát tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, lưu thông, bảo đảm cân đối cung cầu, đẩy mạnh xuất khẩu. Chủ động phối hợp với các ngành, UBND các huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào các khu, CCN. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh loại bỏ một số thủ tục không cần thiết. Huy động các nguồn vốn để phục vụ cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, điện, điện tử. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường. Đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, mở rộng các mặt hàng chủ lực hiện tại, đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới. Chú trọng công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để mở rộng giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hoá, đặc biệt là các nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước, vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá gắn với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com