Nhìn lại vụ đông năm 2015

08:01, 22/01/2016
Vụ đông năm 2015 triển khai trong điều kiện thời tiết ấm, lại có mưa lớn vào 2 tháng cuối năm đã gây ảnh hưởng và thiệt hại trên các cây trồng. Nhìn chung, các loại cây ưa nhiệt vẫn được mùa, tuy nhiên các loại cây ưa lạnh, nhất là cây khoai tây gặp rất nhiều khó khăn.
 
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT và các huyện, thành phố đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất vụ đông: thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc; tổ chức tập huấn quy trình gieo trồng các cây vụ đông cho nông dân ngay từ đầu vụ; phân công cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn để hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng... Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển cây vụ đông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để đầu tư kiên cố hóa kênh mương tưới - tiêu ở vùng vụ đông. Nhờ đó, nhiều huyện và các xã đã có chính sách hỗ trợ thêm. Do vụ đông 2015 là vụ đông ấm nên tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển các loại cây ưa nhiệt như: ngô, khoai lang, bí xanh, bí đỏ… Tập trung mở rộng diện tích một số cây có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ trên đất 2 lúa. Xây dựng và nhân rộng nhanh các mô hình sản xuất “cánh đồng liên kết chuỗi giá trị” và nông sản sạch, an toàn. Để giúp các địa phương chủ động tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông, Sở NN và PTNT và các sở, ngành chức năng tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản bàn giải pháp phối hợp tiêu thụ cho nông dân. Sau các hội nghị, đã xuất hiện một số mô hình liên kết: Cty TNHH Cường Tân liên kết với nông dân ở Trực Ninh trồng bí; nông dân xã Hải Toàn (Hải Hậu) liên kết với Cty AFC sản xuất dưa chuột, cà chua; trồng rau trong nhà kính của anh Trần Trọng Việt ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), doanh nghiệp chủ động tìm đầu ra, tiêu thụ nông sản sạch an toàn…
Mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Vụ đông 2015, toàn tỉnh gieo trồng 13.178ha, đạt 88% kế hoạch. Diện tích một số cây trồng chính: ngô 2.037ha, khoai lang 714ha, cà chua 801ha, bí xanh và bí đỏ 1.134ha, khoai tây 2.164ha… Các địa phương có diện tích gieo trồng lớn là: Hải Hậu 2.750ha, Ý Yên 2.300ha, Giao Thủy 2.000ha, Nghĩa Hưng 1.465ha… Đây là vụ đông gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của El Nino và hiện tượng thời tiết đặc biệt khi mưa tập trung nhiều vào tháng 11, 12. Thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho thấy, trong tháng 11 lượng mưa vùng ven biển đã vượt mức lịch sử trong 50 năm qua, cao hơn 6 lần lượng mưa trung bình nhiều năm của cả mùa đông xuân 120,0mm. Trong tháng 12 vùng ven biển xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trong ngày mùng 5 là 116,4mm, lượng mưa trong 2 ngày 21 và 22 là 181,9mm; tổng lượng mưa trong 3 ngày đã vượt hơn 400% lượng mưa của tháng và cao hơn lượng mưa trung bình nhiều năm của toàn mùa đông xuân 120,0mm. Các trận mưa lớn đã làm ảnh hưởng, thiệt hại 299ha cây khoai tây, 143ha bí xanh, 11ha đậu tương và 223ha cây khác. Để khắc phục những khó khăn trên, các địa phương tăng cường các biện pháp hướng dẫn nông dân tích cực tiêu thoát nước, tỉa dặm và trồng bổ sung những diện tích cây bị chết. Bên cạnh đó, bà con nông dân tích cực thăm đồng ruộng, chăm sóc và bón phân kịp thời các diện tích cây vụ đông đã trồng. Mặc dù vậy, mưa nhiều làm đất ướt đã gây ra tình trạng nghẹt rễ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây làm chậm thời vụ của các cây trồng. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch được 9.925ha cây vụ đông, đạt 75% diện tích. Theo khảo sát tại một số vùng sản xuất vụ đông chính trên địa bàn tỉnh, các loại cây ưa nhiệt như: ngô, bí xanh, bí đỏ, khoai lang… được mùa, năng suất cao hơn 10-15%, giá bán cũng nhỉnh hơn so với năm 2014. Cây bí năng suất ước đạt 17-19 tấn/ha, lợi nhuận trên dưới 47 triệu đồng/ha. Cây ngô năng suất trên 40 tạ/ha, lợi nhuận trên 7 triệu đồng. Cây cà chua năng suất ước đạt 27-28 tấn/ha, lợi nhuận 36-40 triệu đồng/ha; nhiều diện tích trồng cà chua sớm ở Hải Tân, Hải Tây (Hải Hậu); Quỹ Nhất, Nam Điền (Nghĩa Hưng)… cho thu lãi 5-10 triệu đồng/sào. Ở các vùng đồng màu truyền thống như: Nam Dương (Nam Trực), Yên Dương (Ý Yên), Giao Phong (Giao Thủy)… các hộ nông dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất vụ đông đã khắc phục hiệu quả các khó khăn về thời tiết nên rau các loại vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao… Trong khi đó, các cây trồng ưa lạnh năng suất thấp hơn so với mọi năm, nhất là cây khoai tây sớm. Tại thời điểm trồng, thời tiết nắng nóng, cây khoai tây sinh trưởng chậm. Sau trồng 45-50 ngày, mưa nhiều đã làm đất ướt thường xuyên, hạn chế sự ra rễ, khiến cây còi cọc. Cùng với đó, nhiệt độ và độ ẩm cao đã gây ra bệnh lở cổ rễ, mốc sương nên cây tàn sớm, do đó khả năng tích lũy nuôi củ kém. Hiện nay, các diện tích khoai tây đông sớm đã bước vào thời kỳ cho thu hoạch. Theo phản ánh của các hộ nông dân, không chỉ năng suất kém mà giá khoai tây năm nay cũng thấp hơn hẳn so với cùng kỳ. Bà Nguyễn Thị Châm, thôn Trình Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) cho biết: “Gia đình tôi trồng 1,7 sào cây khoai tây đông. Thời tiết năm nay rất khắc nghiệt đối với cây khoai tây. Nắng mưa xen kẽ đã làm nhiều diện tích bị bệnh, lụi sớm. Chỉ sau trồng 70-75 ngày chúng tôi đã phải thu hoạch (thời gian sinh trưởng trung bình của cây khoai tây là 85-90 ngày) nên củ nhỏ, năng suất chỉ đạt 400kg/sào. Tại thời điểm này, giá bán khoai tây tại ruộng chỉ đạt 6.000-7.000 đồng/kg, trong khi mọi năm ở đầu vụ chúng tôi thường bán với giá trên 10 nghìn đồng/kg”. Diện tích khoai tây trồng muộn sinh trưởng phát triển khá, hy vọng năng suất sẽ cao hơn. Cũng trong vụ đông năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai thực hiện 2 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường) và huyện Vụ Bản với quy mô mỗi mô hình là 1.000m2 trên đất 2 lúa chuyển đổi, với các loại rau: bắp cải, su hào, cải củ. Mô hình đem lại lợi nhuận gần 7 triệu đồng/sào đã cho thấy: trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và hành động của nông dân về sản xuất gắn với thị trường, mang lại lợi ích thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho ngành trồng trọt và góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Đây là mô hình cần được nhân rộng trong những năm tới.
 
Ngoài những khó khăn về thời tiết, vụ đông 2015 còn nhiều tồn tại, hạn chế. Diện tích gieo trồng thấp hơn so với mọi năm, trong đó diện tích trồng trên đất 2 lúa chỉ đạt 3.213ha. Giảm nhiều nhất là cây đậu tương khi các năm trước diện tích gieo trồng cây này luôn đạt trên dưới 1.000ha, năm nay chỉ còn 329ha. Nguyên nhân do tác động của biến đổi khí hậu nên những vụ đông gần đây thường xuất hiện các trận mưa lớn gây thiệt hại nhiều diện tích cây trồng. Bên cạnh đó, thu nhập từ sản xuất vụ đông nhìn chung vẫn thấp hơn với các công việc dịch vụ khác nên một bộ phận người dân vẫn chưa tha thiết với làm vụ đông, không gắn bó với đồng ruộng, do vậy việc phát động mở rộng diện tích cây vụ đông gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa quyết tâm chỉ đạo quyết liệt nên có những diện tích lúa mùa thu hoạch sớm nhưng không phát triển được sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa. Ở nhiều nơi sản xuất vụ đông vẫn còn nhỏ lẻ và manh mún; một số nơi có quy hoạch vùng sản xuất vụ đông tập trung nhưng vẫn chưa bảo đảm tưới tiêu chủ động nên khi xảy ra mưa lớn không tiêu úng kịp thời. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất vụ đông hàng hóa ở một số nơi chưa thực hiện tốt; một số mô hình còn triển khai tùy tiện, không đúng kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặc dù ngành Nông nghiệp và Công thương đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại song số lượng các doanh nghiệp, HTXDVNN hoặc các tổ hợp tác tham gia tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông còn quá ít. Chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Qua vụ đông năm 2015, các địa phương cần rút ra những kinh nghiệm về: bố trí cây trồng hợp lý, chủ động sớm nguồn giống và thực hiện gieo trồng đúng thời vụ; phát triển vụ đông theo định hướng gắn với liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, không làm vụ đông theo phong trào; quy hoạch, bố trí các vùng vụ đông tập trung bảo đảm chủ động tưới tiêu ứng phó với diễn biến thời tiết xấu bất thường./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com