Nhiều mô hình "canh trì" thành công ở Tân Khánh

07:01, 16/01/2016

Xã Tân Khánh thuộc vùng trũng của huyện Vụ Bản, lại có tuyến sông Sắt chạy qua địa bàn xã dài 5km nên nhiều thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản.

Trong nông nghiệp, người xưa đã đúc kết “thứ nhất canh trì…”. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Khánh luôn định hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân khai thác lợi thế tự nhiên phát triển nuôi thủy sản, nhất là phát triển quy mô trang trại, gia trại với đa dạng các đối tượng nuôi. Xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nuôi thủy sản mở rộng diện tích và tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất. Ban nông nghiệp xã và HTX phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật tiến bộ giúp các hộ sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Được sự ủng hộ của xã, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chua, trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Hiện trên địa bàn xã có 22 hộ nuôi thủy sản theo mô hình trang trại, gia trại với tổng diện tích 25ha; trong đó có diện tích sản xuất của 8 hộ đã được công nhận đạt tiêu chí trang trại.

Kiểm tra chất lượng cá chép cảnh tại hộ gia đình anh Phạm Văn Thuần, thôn Phong Cốc, xã Tân Khánh.
Kiểm tra chất lượng cá chép cảnh tại hộ gia đình anh Phạm Văn Thuần, thôn Phong Cốc, xã Tân Khánh.

Ông Ngô Văn Say, thôn Bàn Kết, là một trong những hộ nuôi thủy sản tiêu biểu nhiều năm được huyện, xã đánh giá là hộ gia đình làm kinh tế giỏi. Với diện tích hơn 1ha, ông Say tập trung nuôi cá trắm đen kết hợp ương cá giống để bán cho người nuôi ở địa phương. Để đạt hiệu quả cao, ông luôn chủ động phòng bệnh cho cá ngay từ đầu vụ nuôi, làm tốt công tác vệ sinh ao nuôi. Ao nuôi cá được kè bờ bằng bê tông kiên cố để chống rò rỉ, thẩm lậu, sau mỗi vụ ông lại thực hiện cải tạo đáy ao kỹ lưỡng, khử trùng bằng vôi, dọn vỏ don, rong rêu phơi đáy để diệt mầm bệnh. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chủ động trong phòng bệnh nên đàn cá lớn nhanh và ít khi bị dịch bệnh, sau 1 năm có thể đạt 6kg/con. Năm 2015, ông ước tính thu hoạch được 8 tấn cá thịt và 3 tấn cá giống. Ông còn tận dụng đất quanh ao để trồng bưởi Diễn. Với gần 200 cây bưởi, mỗi năm ông thu thêm hơn 40 triệu đồng. Gia đình anh Phạm Văn Thuần, thôn Phong Cốc, cũng là một trong những hộ thành công với nghề “canh trì” ương nuôi cá cảnh. Đầu năm 2015, anh cho xuất bán hơn 20 tấn cá giống. Anh Thuần chia sẻ: “Ương nuôi cá cảnh khó hơn nuôi cá thịt do cá cảnh có nhiều nguy cơ nhiễm dịch bệnh, đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận hơn rất nhiều. Ngoài kỹ thuật chăm sóc, để thành công trong sản xuất cá cảnh quan trọng là phải nắm được bí quyết, phương pháp lai phối màu để sản phẩm đa dạng về màu sắc, bởi đây là cá để chơi cảnh”. Thiết kế kỹ thuật của ao nuôi cá cảnh cũng đặc biệt hơn so với ao nuôi cá thịt, phải tạo được hệ thống mặt nước nổi, không sâu như ao nuôi cá thịt. Toàn bộ ao được anh trang bị hệ thống cống tiêu thoát nước riêng biệt, hệ thống lọc nước khép kín, xung quanh ao và đáy ao được bê tông hóa bảo đảm kiểm soát tốt môi trường nước. Cũng theo anh Thuần, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, luôn phải thực hiện phương châm phòng bệnh là chính. Sau mỗi vụ thu hoạch cá, anh lại bơm cạn ao nuôi, dọn cá tạp, rắc vôi khử trùng ao hồ. Nhờ bí quyết lai màu và áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật sản xuất, anh Thuần đã đạt nhiều thành công trong sản xuất các giống cá cảnh: Koi (chép Nhật), cá 4 đuôi… được nhiều khách hàng và đại lý cá cảnh ở các nơi về đặt mua. Thực hiện phương châm “rết nhiều chân”, không phụ thuộc vào một sản phẩm, ngoài nuôi cá cảnh, gia đình anh còn nuôi các loại cá truyền thống như: cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép… Năm nay, tổng thu nhập của gia đình anh ước đạt 500 triệu đồng. Ngoài hộ ông Say, anh Thuần, trên địa bàn xã còn có nhiều hộ nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao như: hộ anh Ngô Văn Mạnh, thôn Bàn Kết, nuôi 1ha cá trắm đen, năm nay anh thu hoạch được khoảng 10 tấn với giá bán 125 nghìn đồng/kg; các hộ làm mô hình VAC kết hợp nuôi cá trắm đen với chăn nuôi lợn, gà, vịt như hộ các ông: Vũ Văn Quý, thôn Phong Cốc; Trần Bá Đạt, Trần Văn Hải, thôn Phú Thôn; Trần Viết Tuấn, thôn Hạ Xá; Ngô Văn Tài, thôn Bàn Kết.

Thời gian tới, xã Tân Khánh tiếp tục định hướng khuyến khích người dân phát triển nuôi thủy sản quy mô trang trại, gia trại để có sản lượng hàng hóa lớn, thuận lợi tiêu thụ. Ban nông nghiệp xã và HTX kết hợp các chương trình, dự án để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến, giúp các hộ nuôi chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi; khuyến khích các hộ nuôi liên kết, tạo vùng sản xuất tập trung./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com