Nghề kéo sợi PE, dệt lưới cước ở Nghĩa Bình

07:01, 23/01/2016

Khoảng 15 năm trở lại đây, cùng với một số nghề như: mộc mỹ nghệ, may công nghiệp, chế biến lương thực - thực phẩm… ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) còn phát triển mạnh nghề kéo sợi PE, dệt lưới cước. Xã hiện có 1 cơ sở sản xuất sợi PE, cung ứng nguyên liệu cho khoảng 60 máy dệt và thu hút khoảng gần 100 lao động tham gia với mức thu nhập từ 80-100 nghìn đồng/người/ngày.

Sản xuất sợi PE tại cơ sở của ông Vũ Đức Tánh, đội 16, xã Nghĩa Bình.
Sản xuất sợi PE tại cơ sở của ông Vũ Đức Tánh, đội 16, xã Nghĩa Bình.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Công ở đội 7 (xóm Chéo), người có thâm niên gần 20 năm làm nghề cho biết: Nghề kéo sợi PE, dệt lưới cước mới được du nhập và phát triển thành công ở xã Nghĩa Bình xuất phát từ một số lao động của xã đi làm thuê tại các cơ sở kéo sợi PE, dệt lưới cước ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). Khi đã tích lũy được kinh nghiệm, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư máy dệt tổ chức sản xuất hoặc nhận gia công sản phẩm tại nhà cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn của Thị trấn Thịnh Long. Là một trong những người đầu tiên có công mang nghề về xã, sau khi đầu tư một máy dệt cải tiến (từ máy dệt vải truyền thống) tại nhà, mỗi tuần ít nhất 1 lần, ông Công “lóc cóc” đạp xe, qua phà để sang Thịnh Long nhận sợi cước về dệt khoán. Máy dệt được lắp động cơ, chạy hoàn toàn bằng điện, mỗi ngày sản xuất được khoảng 200m lưới cước với khổ rộng từ 70cm đến 1,2m. Từ thành công của gia đình ông Công, một số hộ trong xã cũng mạnh dạn đầu tư máy dệt để nhận dệt khoán. Nhận thấy tiềm năng phát triển của nghề dệt lưới cước, năm 2000, ông Vũ Đức Tánh, đội 16, vốn quê gốc ở Thị trấn Thịnh Long đã mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất sợi PE, cung ứng nguyên liệu tại chỗ cho các hộ sản xuất trong xã. Được chính quyền xã tạo điều kiện, ông Tánh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng rộng trên 200m2 tại vị trí mặt đường 490C, trang bị 1 máy kéo sợi từ hạt nhựa PE, 1 bàn sa (để cuốn sợi thành từng lô, cuộn), 1 bàn mắc. Máy kéo sợi được nhập từ các tỉnh phía Nam về, có công suất tối đa 7 tạ sợi/ngày đêm (1 ca máy chạy 24 tiếng liên tục); có thể sản xuất được các loại sợi cước (từ nguyên liệu chính là hạt nhựa PE) với kích cỡ từ 1mm đến 1cm. Hiện nay, cơ sở của ông Tánh mỗi ngày sản xuất được khoảng 3 tạ sợi PE với đa dạng màu sắc như: trắng, xanh đậm, xanh nhạt, xám… thu hút 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Khi cơ sở sản xuất sợi cước của ông Tánh đi vào hoạt động đã tạo bước ngoặt quan trọng cho nghề dệt lưới cước ở Nghĩa Bình. Tự chủ được nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhiều hộ trong xã đã đầu tư máy dệt (từ 15-20 triệu đồng/máy) để nhận dệt khoán cho cơ sở ông Tánh. Sau nhiều lần cải tiến, các máy dệt lưới cước từ sợi PE ở xã Nghĩa Bình đã sản xuất được đa dạng các loại sản phẩm (lưới thưa, lưới vừa và lưới dày) với khổ rộng từ 50cm đến 2m, chiều dài không hạn chế. Lưới mắt dày thường dùng để vớt trứng tôm, cá trong các trại giống thủy sản hoặc đánh bắt các loại phù du, sinh vật nhỏ ở sông, biển. Lưới vừa được sử dụng đa dạng hơn như: khai thác thủy sản (đánh bắt tôm, cá); làm hàng rào trong chăn nuôi… Lưới thưa nhất mắt lưới 3-5cm được làm giàn trồng bầu, bí; trồng hoa (hoa cúc sau khi xuống giống khoảng 20-30 ngày, người trồng chôn 4 cọc ở 4 góc luống, căng lưới thưa cách mặt đất từ 40-50cm; khi hoa sinh trưởng cao vượt khỏi lưới thì lưới có tác dụng giữ thân hoa khỏi nghiêng, đổ vì thời tiết hoặc trong quá trình thu hái)… Hiện nay, cơ sở của ông Tánh là đại lý duy nhất ở xã Nghĩa Bình cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ làm nghề. Ngoài khoảng 60 hộ chuyên nhận dệt lưới cước, ở xã Nghĩa Bình còn có một số hộ nhận sợi PE từ cơ sở của ông Tánh để đan lưới thủ công (bằng tay); se các loại dây, chão. Dây chão ở Nghĩa Bình hoàn toàn được se bằng sợi cước với các kích cỡ từ 18 sợi (loại cước nhỏ nhất 1mm) đến 280, 300 sợi chập lại. Cũng như nghề dệt, nhờ có mô tơ chạy bằng điện nên nghề se cước ở Nghĩa Bình là công việc đơn giản, dễ làm; tận dụng được thời gian rỗi và nhiều đối tượng lao động nên thu hút được khoảng 30-40 lao động thường xuyên. Tuy là nghề mới nhưng nghề sản xuất sợi PE, dệt lưới cước ở xã Nghĩa Bình đã đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Nghĩa Bình. Ngoài cung ứng cho nhu cầu tại chỗ, trong huyện, trong tỉnh, các sản phẩm lưới, dây cước của xã Nghĩa Bình đã được cung ứng đi thị trường khắp cả nước. Với thu nhập từ 90-150 nghìn đồng/người/ngày (đối với lao động dệt lưới bằng máy) và khoảng 50-60 nghìn đồng/người/ngày (đối với nghề se sợi), nghề mới ở Nghĩa Bình đã góp phần nâng bình quân thu nhập theo đầu người năm 2015 của xã lên gần 34 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, để nghề sản xuất sợi PE, dệt lưới cước ở Nghĩa Bình phát triển hiệu quả có một số vấn đề cần được quan tâm hỗ trợ. Đối với máy dệt, mặc dù đã nhiều lần được cải tiến song đều do người sản xuất tự nghiên cứu nên trong quá trình vận hành, máy hay bị trục trặc, hỏng hóc, khó chuyển đổi từ dệt loại lưới thưa sang lưới dày, khổ rộng - hẹp. Đã có nhiều hộ đầu tư máy dệt nhưng vì khó khăn về kỹ thuật máy thường bị sự cố, hỏng nên phải bán đi, chuyển nghề khác. Trong khi tỉnh ta là địa phương có nhiều làng nghề, cơ sở cơ khí chế tạo máy. Rất cần có sự kết nối, hợp tác nghiên cứu hỗ trợ người sản xuất ở Nghĩa Bình khắc phục lỗi kỹ thuật thiết bị. Để nghề dệt lưới cước ở Nghĩa Bình phát triển bền vững, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần có sự quan tâm, chung tay góp sức của các ngành, các cấp./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com