Trong phát triển sản xuất nông nghiệp hướng hàng hóa, giống là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Việc xây dựng, phát triển ngành sản xuất giống là tiền đề để thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất; xây dựng thương hiệu và tăng sức cạnh tranh cho nông sản, thực phẩm của tỉnh.
Với diện tích đất lúa 78 nghìn ha, hằng năm tỉnh ta cần khoảng 6 nghìn tấn lúa giống các loại. Những năm qua, tỉnh đã thường xuyên du nhập, khảo nghiệm và tuyển chọn bổ sung vào cơ cấu hàng chục chủng loại giống mới. Công tác nghiên cứu, chọn tạo giống từng bước được các đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận, triển khai và thu được một số kết quả khả quan. Đã chọn tạo được một số tổ hợp lúa lai và lúa thuần mang thương hiệu Nam Định như: giống lúa lai Thiên Trường 217, CT16, SynND93; giống lúa thuần Nam Định 5, Thiên Trường 750, M1, CS1… Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị chủ lực sản xuất lúa giống với tổng diện tích khoảng 750ha/năm, hằng năm sản xuất được 2.500 tấn lúa giống các loại. Về lý thuyết, lượng lúa giống trong tỉnh đáp ứng được 40% nhu cầu, tuy nhiên trên thực tế chỉ cung ứng được khoảng 20-25% nhu cầu do có một số chủng loại giống không phù hợp với thị trường của tỉnh. Bộ giống của tỉnh hiện nay vẫn còn khá nhiều chủng loại giống với hơn 10 giống lúa lai và hơn 15 giống lúa thuần các loại, trong đó có những giống đã đưa vào cơ cấu gieo trồng trên 15 năm như: BT7, Việt Hương Chiếm, Khang Dân 18. Việc đa dạng chủng loại giống lúa giúp nông dân có nhiều lựa chọn, hạn chế tình trạng độc quyền, tăng giá, song không có lợi cho sản xuất hàng hóa. Về giống khoai tây, Trung tâm ứng dụng và chuyển giao KHKT (Sở KH và CN) đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất khoai tây sạch bệnh theo công nghệ khí canh. Trong giai đoạn 2015-2017, Sở KH và CN sẽ phối hợp với Sở NN và PTNT xây dựng hoàn thiện hệ thống sản xuất giống khoai tây cùng với các doanh nghiệp, HTXNN phấn đấu từng bước sản xuất đủ giống khoai tây sạch bệnh, chất lượng cao cho tỉnh. Trong chăn nuôi, nhu cầu giống vật nuôi của tỉnh mỗi năm khoảng 2 triệu con giống lợn thịt, 30 nghìn con lợn giống bố mẹ; 13 triệu con giống gà các loại. Ngoài 2 đơn vị, cơ sở sản xuất giống là Trung tâm giống gia súc, gia cầm tỉnh và Cty CP Gà giống Châu Thành, hiện nay, Công ty TNHH Biển Đông đang đầu tư xây dựng Trung tâm Giống lợn chất lượng cao thuộc Bộ NN và PTNT tại Nam Định. Ngoài ra có gần 60 cơ sở ấp nở gia cầm, hơn 40 nghìn hộ chăn nuôi lợn nái, 30 cơ sở sản xuất tinh nhân tạo với quy mô nhỏ từ 3-5 con đực/cơ sở. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống vật nuôi hằng năm sản xuất và cung cấp cho thị trường của tỉnh khoảng 3,5 triệu con giống gia cầm (đáp ứng 10% nhu cầu); khoảng 2 triệu con giống lợn thịt, đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ chăn nuôi, tuy nhiên chất lượng con giống còn thấp. Cùng với việc sản xuất trực tiếp con giống lợn thịt, hằng năm các đơn vị còn sản xuất và cung cấp cho thị trường trên 1.000 con lợn giống bố mẹ (đáp ứng 45% nhu cầu) và trên 100 nghìn liều tinh lợn ngoại, đáp ứng 20% nhu cầu của tỉnh. Trong lĩnh vực thủy sản, hiện các cơ sở sản xuất giống thủy sản đã làm chủ hoàn toàn nhiều công nghệ sản xuất giống của một số đối tượng như: ngao, tôm sú, cá bống bớp, cua biển, ghẹ và một số loài cá biển (giống hải sản); các loài cá truyền thống chép, mè, trắm (giống thủy sản)… Cụ thể, hằng năm các cơ sở giống thủy sản sản xuất được 1,5 tỷ con cá bột, ương nuôi trên 1 tỷ con giống các loại, chủ yếu là các loài cá truyền thống và một vài thủy đặc sản; 155 triệu tôm sú P15; 25 triệu con cua biển; 30 triệu con cá bống bớp và 9,5 tỷ con ngao giống… để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, nhu cầu về con giống của một số đối tượng nuôi khác hiện nay không lớn nên các cơ sở không sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như: cá sủ đất, cá hồng Mỹ, ghẹ… Riêng con tôm thẻ chân trắng mặc dù phong trào nuôi những năm qua phát triển nhanh, nhu cầu giống lớn song đến nay các cơ sở trong tỉnh vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất giống; một số cơ sở đã nhập giống tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn nhỏ ương lên và cung cấp cho các hộ nuôi nhưng số lượng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của tỉnh.
|
Hệ thống bể sản xuất giống của Cty TNHH Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy). |
So với các tỉnh trong vùng, các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển thành trung tâm giống cây trồng, con nuôi của khu vực. Là tỉnh duy nhất trong cả nước có Trung tâm Nghiên cứu phát triển lúa lai quốc tế Syngenta với nguồn vật liệu chọn tạo giống lúa rất phong phú, công nghệ tiên tiến. Tỉnh đã làm chủ được công nghệ sản xuất nhiều đối tượng hải sản, trong dó Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung là đơn vị sản xuất ngao hàng đầu miền Bắc. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp tư nhân sản xuất lợn giống với quy mô hàng nghìn nái ngoại như: Cty CP Biển Đông, Cty Hoàng Thành Đạt, Cty TNHH Thái Việt… Tuy nhiên, cũng giống như các tỉnh trong vùng hiện nay, tỉnh ta đang phụ thuộc vào các Cty lớn của Trung ương, các Cty nước ngoài về giống ngô, rau các loại, đậu tương, lạc, tôm thẻ chân trắng và gia cầm; một số loại giống có khả năng sản xuất được song các doanh nghiệp của tỉnh chưa quan tâm đầu tư như giống khoai tây, giống lạc. Mặc dù số doanh nghiệp sản xuất giống nhiều nhưng năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn hạn chế. Tỉnh có rất ít giống bản quyền được thị trường ưa chuộng (nhất là trong lĩnh vực giống cây trồng), giống mới (giống chăn nuôi, thủy sản). Cơ sở, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống, nhất là trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng và giống thủy sản hầu hết đã lạc hậu, xuống cấp, thiếu và yếu; không đủ điều kiện để duy trì, bảo tồn các giống cụ kị, ông bà của giống vật nuôi và thủy sản. Tỷ lệ các giống cây trồng, con nuôi do tỉnh sản xuất và cung ứng trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn thấp; còn phải nhập giống từ bên ngoài: lúa 75%, khoai tây 25%, gà 90% và 100% các giống vịt, tôm thẻ chân trắng, ngô, đậu tương và rau các loại…
Để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm và tỷ trọng sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp, thủy sản, từ đó tăng nhanh giá trị và hiệu quả sản xuất, tỉnh đã xác định phát triển giống cây trồng, vật nuôi là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu. Do vậy, tỉnh chỉ đạo tiếp tục tăng cường du nhập, khảo nghiệm và đánh giá giống mới, qua đó tuyển chọn các giống tốt để bổ sung vào cơ cấu và xây dựng bộ giống cây, con chủ lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao. Tập trung xây dựng bộ giống 5 loại cây trồng chủ lực: lúa, ngô, lạc, đậu tương, khoai tây và bộ giống gia súc, gia cầm, thủy sản thương phẩm có chất lượng cao. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch xong các vùng trọng điểm sản xuất giống tập trung đảm bảo cơ bản nhu cầu giống cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020. Theo đó, vùng sản xuất giống lúa tập trung tại các xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Xuân Kiên (Xuân Trường), Trực Thắng (Trực Ninh), Minh Tân và Vĩnh Hào (Vụ Bản)…; sản xuất giống khoai tây, lạc, đậu tương tập trung tại các vùng đất chuyên màu của huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực; vùng sản xuất ngô giống tại vùng đất bãi ven sông Hồng và vùng đất lúa - màu huyện Vụ Bản. Trong chăn nuôi, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tại xã Nam Cường (Nam Trực) vào hoạt động, nâng công suất nuôi giữ lợn nái để sản xuất lợn bố mẹ hậu bị cho nhu cầu cải tạo đàn lợn nái của tỉnh và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi cho nông dân. Đồng thời, tỉnh sẽ mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố mẹ ra các huyện để chủ động đáp ứng nhu cầu con giống tốt tại chỗ cho người chăn nuôi, nhất là đối với giống gia cầm. Thiết lập mối quan hệ bền vững giữa các Trung tâm chuyên giống với các cơ sở nhân nuôi giống thủy sản, thống nhất quản lý về chất lượng giống; khoanh vùng bảo tồn và phát triển giống ngao dầu bản địa tại Vườn quốc gia Xuân Thủy với quy mô 1.691ha; duy trì số lượng trang trại, cơ sở sản xuất giống thủy sản: cá nước ngọt, cua biển, cá biển, cá bống bớp… đáp ứng nhu cầu giống trong tỉnh và tiếp tục khảo nghiệm, tuyển chọn các giống đặc sản mới có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sản xuất giống, nhất là các Trung tâm giống của tỉnh, từng bước hiện đại hoá ngành giống, đưa Nam Định trở thành tỉnh sản xuất giống có tên trên bản đồ quốc tế./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh