Làm giàu từ nghề trồng nấm

06:01, 01/01/2016

 Dám nghĩ, dám làm, biết tranh thủ khai thác các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, chủ động nghiên cứu thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, anh Nguyễn Xuân Thùy, xóm 7, xã Hải Anh (Hải Hậu) đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình từ nghề trồng nấm linh chi,  nấm sò và mộc nhĩ.

Anh Nguyễn Xuân Thùy, xóm 7, xã Hải Anh (Hải Hậu) kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của cây nấm trong Trại nấm Abba.
Anh Nguyễn Xuân Thùy, xóm 7, xã Hải Anh (Hải Hậu) kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của cây nấm trong Trại nấm Abba.

Sinh năm 1986, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Thùy mặc dù từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hàng hải năm 2007 nhưng sau một thời gian chật vật đi tìm việc làm đủ ngành nghề như thợ xây, đi biển, trồng cà phê…, “cho đến năm 2013, được người anh họ đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc gợi ý, tôi bắt đầu tìm hiểu về cây nấm linh chi, quy trình trồng và chế biến loại nấm này. Tìm hiểu kỹ, tôi mới phát hiện ra nhiều công dụng hữu ích của nấm, thị trường tiềm năng của cây nấm linh chi. Cũng từ đó tôi bắt đầu “mê” những tai nấm màu đỏ. Tôi nghĩ tại sao mình không mở 1 trại trồng nấm trên đất Hải Anh? Tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là hướng đi chính xác cho mình”, Thùy chia sẻ. Để tích lũy thêm kiến thức, anh đã cất công lên Viện Di truyền nông nghiệp đăng ký khóa học ngắn ngày về kỹ thuật trồng nấm linh chi. Sau đó tiếp tục xuống trang trại trồng nấm thực tế của Viện ở Văn Giang (Hưng Yên) để học thêm cách trồng, chế biến nấm. Tháng 3-2014, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kiến thức Thùy chính thức mở Trại nấm linh chi Abba với diện tích ban đầu 400m2, với tổng vốn đầu tư là 200 triệu đồng. Trên diện tích đó, Thùy không chỉ trồng nấm linh chi mà còn kết hợp trồng thêm cả mộc nhĩ, nấm sò theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, dùng tiền bán mộc nhĩ, nấm sò để “tái đầu tư” cho nấm linh chi. Quá trình trồng nấm linh chi, Thùy áp dụng, tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của nấm như: nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, ánh sáng, oxy… Do đó, điều kiện đầu tiên Thùy quan tâm là thiết kế trại đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững vàng, không bị ngã đổ, nhất là khâu phun nước phải bảo đảm mỗi ngày 4-5 lần. Kỹ thuật sản xuất phôi cũng được Thùy hết sức chú trọng vì phôi nấm linh chi rất “khó tính”, đòi hỏi phải được bảo đảm sạch do chúng rất nhạy cảm với môi trường, nhất là hóa chất và thuốc trừ sâu. Thùy chia sẻ thêm: “Đây là loại nấm dược liệu quý nên rất khó trồng. Ngoài việc chọn được nguồn phôi tốt, trong quá trình phát triển của nấm phải khống chế được 2 yếu tố là nhiệt độ và độ ẩm. Nhiệt độ trong trại luôn phải đảm bảo ở mức 22-28 độ, độ ẩm từ 80-90%. Người trồng ngoài kinh nghiệm còn phải chuyên tâm chăm sóc. Khâu quan trọng và khó khăn nhất là xử lý trang trại và bịch nấm. Trước khi trồng, khu vực trồng nấm phải được khử trùng, diệt côn trùng, khử mùi. Khi đã treo những bịch phôi vào thì tuyệt đối không được dùng một biện pháp xử lý nào khác để tránh ảnh hưởng đến phôi nấm. Ngoài ra, tất cả các giai đoạn từ nguyên liệu đóng thành bịch đến cấy mô đều phải được khử trùng xử lý các mầm bệnh”... Để có môi trường tốt cho cây nấm phát triển, Thùy còn cẩn thận chọn lựa mùn cưa từ các loại gỗ thân mềm, không có tinh dầu. Nhờ triệt để áp dụng những kiến thức KHKT vào việc trồng nấm, vụ mùa đầu tiên, trại nấm của Thùy cho kết quả hết sức khả quan. Sau 3 tháng trồng nấm linh chi, trừ chi phí, Thùy thu lãi 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, Thùy còn thu lãi khoảng 20 triệu đồng từ việc bán mộc nhĩ và nấm sò. Vụ nấm đầu tiên thắng lợi, Thùy có thêm động lực, niềm tin để đầu tư cho sản xuất. Theo đó, Thùy mạnh dạn vay thêm vốn để mua sắm các trang thiết bị hiện đại như nồi hơi, hệ thống hấp sấy, phục vụ khâu chế biến. “Tôi nghĩ, nếu chỉ dừng ở việc bán nấm thô mà không chế biến được nấm sẽ rất “thiệt thòi” cho người sản xuất. Bởi lẽ, giá của nấm thô khá rẻ, hơn nữa nó không chứng minh được sự chuyên nghiệp của người trồng. Vì thế, tôi đặt mục tiêu phấn đấu, phải cung cấp được đến tận tay người tiêu dùng 1 sản phẩm nấm hoàn chỉnh, nghĩa là hoàn tất các khâu trồng, chế biến, đóng gói”… Thùy nói. Hạ quyết tâm và phải thực hiện bằng được, hiện các sản phẩm nấm linh chi của Thùy đã tiến thêm một bước nữa, “đi thẳng” vào các hiệu thuốc, các siêu thị mà không qua bất cứ khâu trung gian xử lý, chế biến nào. Đặc biệt, quy trình chế biến nấm linh chi của Thùy được Chi cục ATVSTP của tỉnh giám sát chặt chẽ, cứ 3 tháng các mẫu nấm của trại lại được xét nghiệm 1 lần. Từ đầu năm 2015 đến nay, theo ước tính của Thùy, Trại nấm Abba cho thu hoạch khoảng 4 tạ nấm linh chi, doanh thu đạt 200 triệu đồng, trừ chi phí, Thùy thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Sản phẩm nấm linh chi của Thùy chủ yếu được nhập bán cho các đầu mối quen ở Sài Gòn. Bên cạnh đó, Thùy còn có nguồn thu đáng kể từ việc bán nấm sò, mộc nhĩ. Từ một thanh niên không có việc làm ổn định đến ông chủ của một trang trại nấm tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức lương từ 2,8-3,2 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 15-20 người, trong đó chủ yếu là thanh niên; Trại nấm linh chi Abba của Thùy đã mở ra hướng phát triển kinh tế đúng đắn cho anh và gia đình. Tuy nhiên, không chỉ biết làm giàu cho bản thân, Bí thư chi đoàn xóm 7 Nguyễn Xuân Thùy còn nhiệt tình giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm trồng nấm cho bà con nông dân, đặc biệt là thanh niên địa phương nếu ai có nhu cầu học hỏi về nghề trồng nấm. Ước mơ trong tương lai của Thùy là mở rộng được diện tích trồng nấm linh chi lên khoảng 1.000m2, mua sắm được thiết bị hệ thống hấp sấy hiện đại, hoàn chỉnh để cây nấm làm ra không phải phụ thuộc vào thời tiết, hoàn chỉnh khâu chế biến nhằm đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo uy tín, chất lượng.

Năng động, ham học hỏi, Nguyễn Xuân Thùy đã trở thành triệu phú từ nghề trồng nấm. Đây là tấm gương điển hình thanh niên nỗ lực phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương, mạnh dạn đưa những giống cây mới về địa phương trồng, kinh doanh hiệu quả, xứng đáng cho nhiều thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh học tập, noi theo./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com