Trong tổng số 30 chương của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại, vấn đề môi trường được 12 nước thành viên thống nhất (trong đó có Việt Nam) dành riêng một chương 20 để cam kết các vấn đề về môi trường. Về lĩnh vực môi trường, với bản ký kết này, các nước tham gia TPP nhất trí hướng tới việc thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách thương mại với môi trường; Ủng hộ các quốc gia có biện pháp phù hợp thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT), hạn chế khai thác cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên; Đẩy mạnh tự do hóa thương mại đối với các hàng hóa và dịch vụ, góp phần hỗ trợ chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và nền kinh tế các-bon thấp. Hiện nay, các nội dung môi trường trong Hiệp định chưa có các cam kết cụ thể về lộ trình, mức độ xử lý vi phạm mà mới chỉ ra các vấn đề thách thức về môi trường và kêu gọi các quốc gia hợp tác để cùng giải quyết. Tuy nhiên, về lâu dài, các nước thành viên sẽ hướng đến mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, và sẽ có lộ trình, biện pháp thực hiện các chế tài xử lý nghiêm các vi phạm. Theo đánh giá của ngành TN và MT, một số tiêu chuẩn trong Hiệp định sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam làm tốt hơn vấn đề BVMT (đặc biệt trong đầu tư từ các nước đối tác TPP), tuy nhiên việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định TPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng trong điều kiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định về BVMT.
Trước thực trạng này, hiện nay, tỉnh ta đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp các doanh nghiệp và người dân nhận thức được việc đảm bảo các yêu cầu và tiêu chuẩn về môi trường đối với các sản phẩm hàng hóa sẽ góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường và tăng cường các hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia trong và ngoài TPP. Các chương trình tuyên truyền còn tập trung cung cấp thông tin về tầm quan trọng, lợi ích và cả những hậu quả, rủi ro trong việc thực thi nghĩa vụ BVMT trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cung cấp thông tin về các thách thức môi trường tiêu biểu mà các bên cam kết tập trung giải quyết mạnh mẽ, bao gồm: BVMT; ngăn chặn thương mại về động, thực vật hoang dã được tiến hành một cách bất hợp pháp; thúc đẩy quản lý phát triển rừng bền vững, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật và giống cây hoang đã được xác định là nguy cấp trong lãnh thổ của nước mình; BVMT biển từ ô nhiễm tàu thủy và quản lý bền vững nghề cá, thúc đẩy việc bảo tồn các loài sinh vật biển quan trọng như cá mập, đấu tranh chống đánh bắt trái phép, cũng như nghiêm cấm một số hình thức trợ cấp nghề cá có tác động tiêu cực nhất đến khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá… Ngành TN và MT đã đẩy mạnh hướng dẫn và triển khai thực thi Luật BVMT 2014, với nhiều quy định chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, sử dụng TNMT theo hướng hiệu quả và hội nhập kinh tế quốc tế.
|
Nhân viên Trạm xử lý nước thải CCN An Xá (TP Nam Định) kiểm tra các thông số kỹ thuật đảm bảo xả thải nguồn nước đạt quy chuẩn ra môi trường. |
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các quy định về BVMT theo yêu cầu hội nhập quốc tế và chủ động nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực hiện các thách thức môi trường tiêu biểu mà các thành viên TPP cam kết phối hợp giải quyết. Trong đó, BVMT biển được các ngành cùng vào cuộc đẩy mạnh. Theo lộ trình quy định của tỉnh, từ nay đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, các Sở: KH và CN, VH, TT và DL, NN và PTNT, các huyện ven biển và một số phòng thí nghiệm phân tích môi trường quốc gia liên quan sẽ xây dựng hệ thống quan trắc tổng hợp TNMT ven biển của tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, với tổng vốn 11 tỷ đồng, Sở TN và MT phối hợp với các Sở NN và PTNT, KH và CN tiến hành điều tra, lập bản đồ hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, khu vực đa dạng sinh học cao, khu vực tránh rét, tránh bão của các loài chim di cư, trữ lượng, tiềm năng khai thác nguồn lợi thủy sản, luồng cá, bãi cá trên vùng biển nhằm quản lý và khai thác hợp lý, giảm thiểu sự tác động do khai thác quá mức của người dân tại vùng đất ngập nước, bảo tồn và phát triển môi trường di trú của các loại chim di cư, các nguồn lợi thủy, hải sản. Từ nay đến năm 2020, với tổng vốn 20 tỷ đồng, các sở, ngành và các huyện ven biển sẽ điều tra, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ lục địa, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Trong công tác quản lý, phát triển rừng, từ nay đến năm 2020 đầu tư 35 tỷ đồng cho trồng mới và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn; lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng phòng hộ ven biển huyện Nghĩa Hưng là cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh. Lập quy hoạch bảo vệ rừng ngập mặn ven biển hiện có, phục hồi, tái sinh tự nhiên rừng ngập mặn ven biển, phát triển rừng ở các khu vực trọng yếu, rừng chắn cát, chắn sóng ven biển; phân vùng, quy hoạch sử dụng bền vững vùng đất bồi và phụ cận. Riêng huyện Nghĩa Hưng, từ nay đến năm 2018, sẽ tập trung xây dựng quy chế phối hợp, quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển; xây dựng bản đồ vùng đất bãi bồi ven biển; đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường biển; định hướng phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng Trạm Kiểm soát Cồn Mờ, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm thành khu vực tác chiến phòng thủ của tỉnh với diện tích nổi khoảng 140ha và hệ thống rừng phòng hộ và bãi bồi nuôi trồng thủy, hải sản với diện tích 500ha để thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đồng thời bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới biển của tỉnh. Ngành NN và PTNT tăng cường phối hợp với các địa phương ven biển tăng cường quản lý bền vững nghề cá, thúc đẩy bảo tồn các loài sinh vật biển quan trọng và đấu tranh chống đánh bắt cá trái phép, kiên quyết không hỗ trợ đối với các trường hợp khai thác nguồn lợi thủy sản theo hướng tiêu cực, gây cạn kiệt tài nguyên. Ngành Công thương tăng cường thu hút các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải. Phát triển sản xuất công nghiệp bền vững, tích cực thực hiện các biện pháp đổi mới công nghệ, cải tiến sản xuất, xây dựng cải tạo hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn... theo hướng sản xuất sạch và BVMT. Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung ứng các sản phẩm hướng đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, BVMT. Về lâu dài, ngành Công thương tập trung thực hiện lộ trình chuyển đổi quy mô, năng lực của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất theo quy chuẩn có mức khí thải thấp và phát triển bền vững. Các ngành liên quan cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về BVMT, từ đó tạo ra sức ép tích cực góp phần vào việc thực thi nghiêm túc và hiệu quả các chính sách và pháp luật trong nước cũng như các cam kết quốc tế về môi trường của mọi thành phần và đối tượng trong xã hội./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy