Gian nan giữ lửa làng nghề ươm tơ Cổ Chất

06:01, 02/01/2016

Đến với làng nghề Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh), hình ảnh quen thuộc là những người phụ nữ miệt mài luộc kén, kéo tơ trong các xưởng tại gia, những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả vắt vẻo phơi mình trên những sào tre... Sản phẩm tơ làng Cổ Chất vốn nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt. Tuy nhiên, ngày nay làng nghề thu hẹp dần, chỉ một số hộ còn giữ được quy trình chế biến thủ công. Theo ông Phạm Xuân Hướng, trưởng thôn Cổ Chất cho biết: “Trước đây cả làng theo nghề nhưng giờ chả còn mấy. Đầu vào cao kéo giá đầu ra của tơ cũng cao nên ngày càng khó tiêu thụ. Hiện tại, cả làng nghề chỉ còn 20 đến 30 hộ ươm se tơ”.

Se tơ công nghiệp tại cơ sở sản xuất của anh Phạm Văn Vinh, thôn Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh).
Se tơ công nghiệp tại cơ sở sản xuất của anh Phạm Văn Vinh, thôn Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh).

Nhớ lại thời kỳ phát triển thịnh vượng của làng nghề tơ tằm, ông chia sẻ, nghề ươm tơ tằm ở đây có từ lâu lắm rồi. Lúc phát, ở đây nhà nhà trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Trong những tháng cao điểm (từ tháng Tư đến Tết âm lịch), quanh làng xanh mướt nương dâu, trải dài suốt triền đê sông Ninh Cơ. Mỗi gia đình có một lò ươm tơ. Nhà nào cũng rộn ràng tiếng quay tơ, đảo kén. Thương gia từ khắp nơi tới buôn bán tấp nập. Ngày ấy, già, trẻ, trai, gái mỗi người đều được phân công công việc hợp lý tạo thành vòng sản xuất khép kín từ trồng dâu, chăn tằm, đảo kén, quay tơ, buôn bán. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân khá sung túc. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, số hộ làm nghề giảm xuống. Vòng sản xuất cũng không còn khép kín mà thay vào đó, dân chỉ thu mua kén chất lượng cao về ươm se thành tơ để bán. Ông Đoàn Văn Tiến, chủ một xưởng ươm tơ cho biết: “Nhọc nhằn hơn cả vẫn là công đoạn luộc kén, người công (chủ yếu là phụ nữ) phải liên tục khỏa nước trong các nồi luộc kén trong điều kiện nhiệt độ cao từ bếp và các nồi luộc bốc lên nghi ngút. Chưa kể không khí luôn ẩm hơi nước và mùi của nhộng tằm”. Bình quân, cứ 10kg kén cho 7 lạng tơ, 6-7kg nhộng và hơn 2kg xơ. Các phụ phẩm như nhộng tằm, xơ tơ cũng không bỏ phí, đều mang lại thu nhập cho người làm. Vất vả thế nhưng công của lao động ươm tơ cũng chỉ đạt 100 nghìn đồng/người/ngày. Các bó tơ sau đó được đem đi phơi khô. Tơ khô sẽ được đưa vào các guồng quay để se sợi. Sợi tơ thành phẩm được chia thành 3 loại, sợi tốt nhất gọi là sợi mốt, rồi đến sợi mành và cuối cùng là sợi đũi để dệt các loại vải sồi, thô. Từ khi lưới điện nông thôn được đầu tư tốt lên, các làng nghề chế tạo máy phát triển nên máy móc nhiều, giá phải chăng, số hộ se tơ thủ công cũng dần ít đi, thay vào đó là các guồng quay bằng máy công nghiệp. Có khoảng chục hộ đầu tư máy se tơ cao cấp xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan như anh Phạm Văn Vinh, Nguyễn Văn Bạo, Phạm Văn Tỉnh… tạo việc làm ổn định cho khoảng 10-15 lao động/hộ với lương bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Theo anh Phạm Văn Vinh cho biết: “Từ năm 2005, gia đình chúng tôi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua sắm các thiết bị se tơ công nghiệp. Năng suất được cải thiện rõ rệt, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất của tôi xuất bán ra thị trường khoảng 50kg tơ”. Hiện tại, giá 1kg tơ dao động từ 700 đến 1 triệu đồng tùy thuộc vào chất lượng. Dẫu giá cao song để đầu tư 1 dây chuyền se tơ công nghiệp, số vốn đầu tư không thấp nên số hộ phát đạt nhờ tơ tằm của thôn không nhiều. Chia sẻ những khó khăn của làng nghề với chúng tôi, ông Hướng cho biết: “Hiện tại, ngoài đường xá trong thôn được người dân đóng góp kinh phí nâng cấp thì hệ thống đường trục xã và các tuyến đường liên xóm còn lầy lội, gây cản trở nhiều đến sản xuất và phát triển du lịch làng nghề. Thỉnh thoảng có vài đoàn khách du lịch nước ngoài đến thăm làng nghề theo các tua, tuyến du lịch sinh thái. Nhưng do thiếu hạ tầng du lịch làng nghề như nhà nghỉ, khách sạn, trạm dừng chân giới thiệu làng nghề nên thu nhập từ du lịch làng nghề truyền thống của thôn rất hạn chế”. Theo ông, để giữ gìn được làng nghề truyền thống, vừa có giá trị về kinh tế, vừa giữ được nét văn hóa cần có những định hướng biện pháp đồng bộ, dài hơi. Trong đó chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu nét đẹp làng nghề tại các hội chợ triển lãm; hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở của thôn, đồng thời có biện pháp kết nối với ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Bên cạnh đó, muốn bảo tồn làng nghề cần phải có sự quyết tâm đồng lòng, chung sức của từng gia đình. Thế hệ trước phải truyền được niềm đam mê, bản sắc văn hóa cốt lõi của làng nghề cho những thế hệ sau. Các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn phát triển du lịch làng nghề một cách bài bản. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở ươm tơ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com