Những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực phối hợp với chính quyền và đơn vị chuyên môn đồng cấp phát động và tổ chức các phong trào thi đua, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình công tác trọng tâm của tỉnh về NN và PTNT; vận động cán bộ, CNVCLĐ tích cực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ mới vào sản xuất NN và PTNT.
Phong trào đã thu hút được đông đảo đội ngũ cán bộ KHKT ở các cơ quan nghiên cứu, trường, trạm, trại, trung tâm giống cây trồng tham gia… Từ năm 2010-2015 đã có trên 540 đề tài, sáng kiến, giải pháp ứng dụng tiến bộ KHKT, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng vào thực tế. Đặc biệt, đội ngũ CNVCLĐ đã nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống lúa mới có năng suất chất lượng cao như NĐ1, NĐ5, Thiên Trường 750…; chủ động được công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; làm chủ công nghệ sản xuất một số giống thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp, cá chim biển vây vàng, cá lăng chấm; làm chủ công nghệ chăn nuôi, thay dần giống lợn tỷ lệ nạc thấp bằng các giống có tỷ lệ nạc cao. Qua đó đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, sản lượng nông sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Bên cạnh đó, CNVCLĐ thuộc các cơ quan liên quan của tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan khoa học Trung ương nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất như: tuyển chọn, phát triển sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các công nghệ canh tác, nuôi trồng theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước; phát triển các công nghệ sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, công nghệ thông tin trong thiết kế các công trình thủy lợi. Trong 5 năm 2010-2015 đã tổ chức trình diễn hơn 500 mô hình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, nuôi thủy sản; khảo nghiệm, đánh giá hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi mới. Trong đó nổi bật là mô hình gieo thẳng lúa bằng công cụ sạ hàng; mô hình máy gặt đập liên hợp; mô hình máy làm đất đa năng với công suất 24-25HP, thay thế dần máy làm đất công suất nhỏ 10-12-14HP, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào, góp phần thúc đẩy quá trình dồn điền đổi thửa của tỉnh và tạo thuận lợi cho xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Từ kết quả các đề tài, dự án khoa học công nghệ, các mô hình trình diễn đã tuyển chọn đưa vào sản xuất hàng chục giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với trình độ thâm canh của nông dân; giới thiệu nhiều loại máy cơ giới phục vụ sản xuất và phát triển ngành nghề nông thôn. Thông qua chương trình phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, trình độ thâm canh sản xuất của nông dân không ngừng được nâng lên, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu như: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh, Chi cục Thú y, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc. Nhiều sáng kiến đã được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao như: sáng kiến “Giải pháp nâng cao tỷ lệ sống trong giai đoạn ương nuôi cá Hồng Mỹ tại Nam Định” của đồng chí Nguyễn Doãn Lâm, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT; sáng kiến “Bước đầu thử nghiệm một số giải pháp nâng cao năng suất sinh sản nhân tạo cá lăng chấm” của đồng chí Nguyễn Viết Huệ, Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh; sáng kiến “Giải pháp sử dụng mô hình 3D trong công tác thẩm định thềm giảm sóng, mỏ hàn lắp dựng cấu kiện TETRAPOD” của đồng chí Trần Đức Việt, Sở NN và PTNT; sáng kiến “Nuôi cá trắm đen sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tươi sống” của đồng chí Hoàng Thanh Dương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh; sáng kiến “Ứng dụng phương pháp nghiên cứu dịch tễ học để xác định một số yếu tố nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch lợn tai xanh” của nhóm tác giả Phạm Thị Hoa, Lã Viết Hiển (Chi cục Thú y tỉnh); sáng kiến “Giải pháp kỹ thuật kết tinh muối trên bạt nhằm tăng năng suất và chất lượng muối” của đồng chí Nguyễn Thế Trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh.
|
Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) sản xuất máy phục vụ nông nghiệp. |
Từ phong trào thi đua nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp của CNVCLĐ, nhiều chương trình, mô hình điểm được triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu về NN và PTNT của tỉnh. Sản xuất nông, ngư nghiệp có bước phát triển ổn định; năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi liên tục đạt đỉnh cao mới. Giai đoạn 2010-2015, sản lượng lương thực bình quân của tỉnh đạt 950 nghìn tấn/năm, trong đó có từ 350-450 nghìn tấn lúa hàng hóa, lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao. Giá trị thu nhập trên 1ha canh tác năm 2015 đạt 100 triệu đồng, trong đó có nhiều mô hình canh tác cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha, đưa sản xuất nông, ngư nghiệp phát triển toàn diện, luôn là điểm sáng của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Chăn nuôi tiếp tục được duy trì và phát triển theo phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại. Hiện toàn tỉnh có 3.998 trang trại, trong đó có 674 trang trại đạt tiêu chí mới; trọng lượng thịt hơi suất chuồng năm 2015 đạt 161,1 nghìn tấn. Kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Nhiều mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được hình thành như: Mô hình thuê gom ruộng đất liên kết sản xuất giữa Cty TNHH Cường Tân với nông dân một số xã của 2 huyện Xuân Trường, Trực Ninh; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất, tiêu thụ lúa hàng hóa chất lượng cao của Tổng Cty Lương thực miền Bắc, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường).
Phong trào thi đua nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp của CNVCLĐ đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân và thực hiện mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng