Giai đoạn 2010-2015, nguồn vốn vay hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM ở các địa phương phát triển bền vững…
Đồng chí Lâm Văn Chiến, Phó Giám đốc Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) cho biết, thực hiện chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2015 Cty đã lập dự án sản xuất giống lúa và cây vụ đông với tổng giá trị đầu tư 75 tỷ đồng. Với tính khả thi cao, Cty đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nam Định quyết định cho vay, trong đó đã giải ngân gần 19 tỷ đồng. Với nguồn vốn trên, Cty đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thủy lợi nội vùng sản xuất theo hướng đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất hạt giống lúa lai F1 trên vùng cánh đồng lớn với quy mô 300ha. Đồng thời ứng trước toàn bộ tiền giống lúa, tiền công lao động và các dịch vụ khác cho bà con nông dân các địa phương vùng dự án. Ngoài ra, Cty còn đang xúc tiến thuê gom thêm diện tích để liên kết các hộ dân trong vùng tham gia sản xuất các giống lúa thuần có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Toàn bộ diện tích mới thuê gom sẽ được Cty quy hoạch, đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng giàn sấy, kho bảo quản, máy gặt, máy làm đất… để sản xuất theo chuỗi giá trị.
|
Từ nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giúp xã Kim Thái và Thị trấn Gôi (Vụ Bản) đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. |
Cty TNHH Cường Tân chỉ là một trong hàng nghìn đơn vị trong tỉnh được hỗ trợ vay vốn từ chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM của tỉnh, Chi nhánh NHNN tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 67/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị định số 41 của Chính phủ về cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chỉ đạo các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội mở rộng quy mô cho vay và nâng cao chất lượng tín dụng; tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của ngân hàng về cho vay đối với khách hàng ở địa bàn nông thôn. Tích cực thực hiện các giải pháp tín dụng như: giảm mặt bằng lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, phân loại nợ được điều chỉnh, điều chỉnh miễn, giảm lãi phải trả… nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân ở nông thôn. Trong giai đoạn 2010-2015, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 13,57%/năm. Trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn bình quân mỗi năm tăng trưởng 19,9%. Tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 15.816 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,2% tổng dư nợ cho vay. Tại 209 xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp của tỉnh đều có mức độ sử dụng vốn tín dụng ngày một tăng, tính đến cuối năm 2015 bình quân mỗi xã, thị trấn có dư nợ tín dụng khoảng 64 tỷ đồng. Riêng tại 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 có tổng dư nợ 7.470 tỷ đồng, chiếm 49,7% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bình quân mỗi xã, thị trấn là 77,8 tỷ đồng, với 98.622 hộ dân và 467 doanh nghiệp đang được vay vốn; trong đó huyện Ý Yên có dư nợ bình quân cao nhất 98,6 tỷ đồng, Thành phố Nam Định có dư nợ thấp nhất 60,5 tỷ đồng. Nguồn vốn vay tính theo chương trình cho vay bao gồm sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 66,2%, số còn lại là cho vay các mục đích khác như: xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng nhà ở, hộ nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường… Số vốn vay được các ngân hàng thương mại cho vay chiếm tới 78,3%, với tổng số tiền là 5.845 tỷ đồng, Ngân hàng CSXH 981 tỷ đồng, các TCTD khác 644 tỷ đồng… Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN tỉnh, nhìn chung việc sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và hộ dân ở địa bàn nông thôn bảo đảm đúng mục đích, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và thực hiện trả lãi và gốc đúng hạn. Do vậy chất lượng tín dụng thời gian qua đều ở mức độ tốt, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, nợ bị tổn thất không đáng kể. Nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ dân nhờ được tiếp vốn từ các ngân hàng, TCTD đã không ngừng nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn do kinh tế suy giảm, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) Bắc Nam Định cho biết, những năm qua chi nhánh đã thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay phục vụ phát triển “tam nông” của các địa phương trong tỉnh. Bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi nhánh NHNN tỉnh về cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM của tỉnh, Agribank Bắc Nam Định không chỉ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, mở rộng các loại hình dịch vụ, cho vay đầu tư tại các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh mà còn chú trọng đưa nguồn vốn tín dụng tới tận tay người nông dân thông qua hệ thống các tổ vay vốn. Đồng thời chú trọng đầu tư cho các hộ sản xuất làng nghề, các hộ làm kinh tế trang trại; mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản hồ sơ thủ tục, áp dụng linh hoạt các biện pháp đảm bảo tiền vay. Chính vì vậy, từ năm 2010 trở lại đây Agribank Bắc Nam Định đã đạt được những kết quả đáng kể trong lĩnh vực cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Hết năm 2015, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 76% tổng dư nợ, giúp cho hàng chục nghìn hộ dân ở các địa phương được tiếp cận nguồn vốn…
Những kết quả trên là rất đáng ghi nhận, song trên thực tế, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của người nông dân trong tỉnh nói chung, các chủ trang trại nói riêng vẫn còn gặp không ít khó khăn do không có tài sản thế chấp. Để giải quyết tình trạng này, mới đây Chính phủ đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp… Đây được coi là những nút tháo quan trọng để các ngân hàng, TCTD đầu tư vốn về địa bàn nông thôn. UBND tỉnh đã có Công văn số 306/UBND-VP6 ngày 5-11-2015 về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh giao Chi nhánh NHNN tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền; xây dựng quy trình thủ tục, niêm yết công khai quy chế cấp tín dụng và tạo điều kiện cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội triển khai thực hiện chính sách cho vay theo quy định. Sở NN và PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn các hộ gia đình, HTX, chủ trang trại và các đối tượng khác xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả làm cơ sở cho các ngân hàng, TCTD cho vay. Các sở: Công thương, TN và MT, Tư pháp, Tài chính và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp, thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… tạo điều kiện cho nông dân tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn vay.
Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, TCTD đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển bền vững, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh./.
Bài và ảnh:
Văn Đại