Cơ hội bền vững cho nghề uốn tạo cây cảnh, cây thế

08:01, 15/01/2016

Dưới bàn tay khéo léo cùng sự tinh tế, công phu của những nghệ nhân cây cảnh hay những thợ vườn tài hoa, những cây sanh, si, thông, tùng, la hán, đa, sung, khế, lộc vừng, sứ… mang “thần thái” riêng lôi cuốn người trồng, người xem, người chơi cây, tôn thêm vẻ đẹp của  không gian bày biện.

Nghề công phu

Một điểm chung nhất mà chúng tôi nhận thấy khi tiếp xúc với những người làm cây cảnh, cây thế ở những địa phương có tiếng của tỉnh ta như: Nam Điền, Nam Toàn, Nam Mỹ (Nam Trực), Nam Phong (TP Nam Định); Hải Hòa, Yên Định (Hải Hậu)…, đó là chưa xác định được chính xác thời điểm nghề làm và chơi cây cảnh, cây thế ở quê hương mình bắt đầu từ khi nào?! Còn với những thợ làm vườn trẻ như anh Hòa, anh Trọng ở xã Nam Toàn, anh Dũng, anh Công ở Nam Điền, anh Bảo ở Hải Hòa thì khi sinh ra đã thấy có nghề trồng cây cảnh ở địa phương mình. Anh Hoàng Văn Hòa, sinh năm 1973, ở xóm 5, xã Nam Toàn là chủ nhân của vườn cây cảnh, cây thế rộng gần 2.000m2 với hàng trăm gốc. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: Từ khi 14-15 tuổi, anh đã đi theo các cụ Long, cụ Tuấn, cụ Nghiêm đều đã ngoài 80 tuổi, là những bậc cao niên trong làng đi trồng, chăm sóc, uốn thế cây. Cứ thế, theo thời gian lòng đam mê yêu nghề, yêu cây cứ ngấm dần vào con người anh, đến giờ trở thành nghề giúp gia đình anh có một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Không chỉ riêng gia đình anh Hòa mà hàng trăm hộ gia đình khác ở xã Nam Toàn giờ đây đều xác định trồng và uốn tạo cây cảnh, cây thế là nghề chính của mình. Theo anh Hòa, để có được cây thế đẹp, cân đối, bắt mắt đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người chơi cây thì việc quan trọng nhất đối với người thợ cây đó là tìm được cây phôi chuẩn, nghĩa là cây khỏe, thân, cành, lá cây ưa nhìn, có dáng dấp để tạo được thế cây nhất định. Trước đây, việc lựa chọn cây phôi được tuyển lựa theo cách tự nhiên, nghĩa là người thợ cây đi tìm kiếm các cây mọc tự nhiên, thấy cây nào “bắt mắt” thì mua về uốn, tạo thế. Nhờ vậy trồng cây phôi để cung cấp cho các địa phương chuyên làm cây cảnh (cây kỹ) trở thành một nghề phụ kiếm tiền phát triển ở nhiều địa phương không chuyên về cây trong tỉnh. Hiện ở những vùng quê này, người dân hầu như không để đất trống, bất cứ đâu trong vườn, bờ ao, bờ thửa… đều được tận dụng để trồng cây phôi. Còn đối với một số cây như tùng kim, la hán, để có được cây phôi tốt phải vào tận Thanh Hóa, Đà Lạt (Lâm Đồng) để tuyển lựa, chọn mua. Vẫn theo anh Hòa: Việc uốn tạo thế cho cây nên thực hiện theo mùa, nghĩa là đối với các loại cây rụng lá như: sanh, si, đa, sung, khế… thì thời điểm uốn thế tốt nhất là vào cuối mùa xuân (trước thời điểm cây đâm chồi, nảy lộc), còn đối với loại cây như tùng, bách, la hán thì thời điểm lý tưởng nhất là cuối thu đến đầu mùa xuân.

Phát triển nghề cây cảnh, cây thế đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Hoàng Văn Hòa, xóm 5, xã Nam Toàn (Nam Trực).
Phát triển nghề cây cảnh, cây thế đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Hoàng Văn Hòa, xóm 5, xã Nam Toàn (Nam Trực).

Việc lựa chọn đúng thời điểm uốn thế, tạo dáng cho cây sẽ hạn chế được những rủi ro bởi khi cắt, tỉa, uốn, nắn, đục đẽo, bóc vỏ, tạo dễ… sẽ khiến cây bị tổn thương, nếu gặp thời tiết bất lợi sẽ khiến cây bị chột, chậm sinh trưởng, phát triển không đều, thậm chí cây chết - một điều cấm kỵ đối với cả thợ cây cũng như người chơi cây. Theo kinh nghiệm của người làm cây, trước khi trồng hay đưa cây từ vườn lên chậu nên cắt bỏ bớt lá, bớt cành và xén bỏ bớt rễ; đồng thời chuẩn bị trước đất trồng cây, bảo đảm tơi xốp, thoát nước và có đủ chất dinh dưỡng. Sau khi trồng xong phải che chắn cẩn thận, tránh nắng gắt và giữ ẩm tốt để cây nhanh chóng hồi phục. Không nên bón ngay các loại phân hóa học, khi cây đã phát triển ổn định có thể dùng thêm các loại phân bón qua lá… Và không phải giống cây nào cũng có thể làm được cây cảnh, cây thế đẹp. Một số loại cây thường được thợ làm vườn dùng để tạo ra cây thế gồm: si, sanh, đa, sung, khế, lộc vừng, thông, tùng, la hán, sứ… Một cây thế được xem là đẹp phải là cây có sự cân bằng toàn diện từ tạo hình, uốn nắn cấu trúc của cây đến sự kết hợp giữa cây với không gian, ngữ cảnh đặt - trồng cây. Điều đó cũng đòi óc thẩm mỹ, khả năng tư duy và sự khéo léo rất lớn của người thợ cây. Cái giỏi của người thợ cây chính là khả năng uốn, nắn, cắt, tỉa, bó cành, tạo dáng, thế cây độc đáo; khiến cây “cằn” và trông “già” hơn mà vẫn dẻo dai, giàu sức sống. Anh Hòa tâm sự: Làm cây thế, cây cảnh giúp rèn tính kiên trì, nhẫn nại bởi đây không phải là công việc “ngày một, ngày hai” mà người làm cây phải lao động thường xuyên, liên tục và tỉ mỉ. Việc tạo dáng, thế cây và ổn định cây trong ang, trong chậu phải làm dần dần theo từng thời điểm, công đoạn và mất nhiều năm. Chính điều đó sẽ tạo nên những nét đặc sắc riêng, những giá trị riêng có của từng cây. Một cây có giá bán cao là cây có tuổi đời cao, có vóc dáng, thần thái đặc sắc, giúp người chơi cây có thể cảm nhận được vẻ đẹp mà cây mang đến.

Phát huy nghề truyền thống

Sinh ra và lớn lên với nghề cây cảnh, nghề này lại cũng “hái ra tiền” nên ở các làng nghề cây cảnh truyền thống, các nghệ nhân cao niên không phải lo mai một nghề cổ truyền bởi nhiều bạn trẻ đang tiếp nối kế nghiệp đầy sáng tạo để làm rạng danh nghề truyền thống của quê hương. Phạm Đức Trọng, sinh năm 1991 ở xã Nam Toàn, sau khi học hết THPT đã quyết định “lập thân” từ việc phát triển nghề uốn tạo cây cảnh, cây thế. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, tận dụng khu vườn rộng của gia đình, Trọng vừa uốn thế, tạo cây, vừa xây dựng cơ sở nhà vườn, đáp ứng các nhu cầu dịch vụ về cây xanh. Mọi nhu cầu về cây phôi, uốn, tỉa, chăm sóc cây cảnh, cây thế đều được cơ sở của Trọng đáp ứng. Trao đổi với chúng tôi, Trọng cho biết: Hiện, cơ sở có một tốp thợ 5 người chuyên làm các dịch vụ chăm sóc, uốn, tỉa cây cảnh nói chung, cây thế nói riêng tại nhà. Đội thợ của Trọng được đào tạo các kỹ thuật cơ bản về nghệ thuật chăm sóc, uốn, tỉa các cây cảnh bonsai, cây thế do chi Hội Nông dân phối hợp với Hội Sinh vật cảnh xã, huyện tổ chức. Thông qua các lớp học, cộng với kinh nghiệm thực tiễn từ các thế hệ đi trước truyền lại không chỉ giúp các bạn trẻ hiểu thấu đáo kỹ thuật mà còn giúp họ có điều kiện thực hành ngay tại nhà, nhanh chóng trở thành những “chuyên gia” uốn, tỉa, sửa dáng và chăm sóc các loại cây cảnh và cây bonsai. Hiện thu nhập của những thợ vườn trẻ khi đi chăm cây tại nhà dao động từ 300-400 nghìn đồng/người/ngày, thậm chí với những loại cây có giá trị cao, tiền công có thể lên đến 500-600 nghìn/người/ngày… Phát triển nghề và các dịch vụ đã mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho Trọng. Còn nhớ cách đây không lâu, tôi có dịp gặp gỡ giao lưu cùng với đoàn công tác của Báo Thanh Hóa cùng một số doanh nghiệp ra tìm hiểu, tham quan làng nghề cây cảnh của Nam Định. Trong đoàn có Quân vốn quê ở Điền Xá, chuyên làm nghề chăm sóc cây cảnh, cây thế tại nhà. Quân cho biết, từ mấy năm nay, đã là “chuyên gia” chăm sóc cây cảnh, cây thế tại nhà cho nhiều đại gia chơi cây của xứ Thanh. Được tín nhiệm tay nghề nên thu nhập của Quân cũng khá từ 10-12 triệu đồng/tháng. Không chỉ chăm sóc cây, Quân còn giới thiệu cho nhiều khách hàng chơi cây về quê mình chọn mua cây, giúp tiêu thụ cây cho bà con xóm làng.

Có lúc thăng, lúc trầm, song làm cây cảnh là nghề luôn có đất sống, đặc biệt trong xu hướng sống thân thiện với môi trường, hoà cùng thiên nhiên khi mà tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh. Cây cảnh không chỉ trang điểm cho các căn nhà, biệt thự, chung cư mà còn giúp mang sắc màu cây lá để làm hài hòa không gian các khối bê tông trong đô thị. Đó chính là cơ sở để nghề này ngày một phát triển hơn trong tương lai./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com