Tuổi trẻ Thị trấn Cổ Lễ xung kích phát triển kinh tế

07:12, 03/12/2015
Thời gian qua, Đoàn Thanh niên Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó nổi bật là phong trào xung kích phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê hương. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi, nhiều cán bộ Đoàn, Hội đã trở thành những ông chủ trẻ, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và làm thay đổi diện mạo quê hương.
 
Sinh ra trong một gia đình nhà nông có truyền thống làm mộc, ngay từ nhỏ, anh Lương Quang Quyết, tổ dân phố (TDP) Mộc Kênh đã tiếp xúc và nhanh chóng tiếp thu những kiến thức cơ bản về nghề mộc. Vì vậy, ngay từ rất sớm, anh Quyết đã xác định con đường lập nghiệp của bản thân sẽ bắt đầu từ nghề mộc. Bước vào nghề với biết bao khó khăn thử thách, kinh tế gia đình eo hẹp, đồng vốn hầu như không có. Không nản lòng, anh chăm chỉ học nghề từ cha mình rồi nhẫn nại đi làm thuê cho nhiều xưởng mộc khác trong làng, ngoài thị trấn để học hỏi thêm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường cho đầu ra sản phẩm. Khi đã có kỹ thuật, tay nghề cao, anh mạnh dạn mở xưởng sản xuất. Thời gian đầu mới mở, quy mô xưởng mộc của anh còn nhỏ, sản phẩm làm ra chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng của anh em, họ hàng và một số người dân trong thị trấn. Với bàn tay khéo léo, lòng yêu nghề, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, các sản phẩm như bàn, ghế, kệ, tủ, giường... của anh Quyết ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng các tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên ưa chuộng... Từ 1 xưởng sản xuất nhỏ, vài năm trở lại đây, khi đã tạo được chỗ đứng trong thị trường, anh Quyết có điều kiện mở rộng nhà xưởng lên đến 720m 2, đầu tư nhiều máy móc hiện đại, công suất lớn như: máy vanh, máy bào, máy cắt; mở thêm khu trưng bày giới thiệu sản phẩm ở TDP Đình Cựu, thành lập Cty TNHH thương mại và dịch vụ Đoàn Quyết. Hiện, mỗi tháng Cty của anh Quyết xuất bán khoảng 150 sản phẩm, tạo việc làm cho 10 người với mức lương từ 3,5-7 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, Cty của anh thu lãi từ 300-500 triệu đồng/năm. Ngoài ra mỗi năm, anh còn nhận đào tạo nghề cho khoảng 10 thanh niên địa phương có nhu cầu học nghề mộc. Khi được hỏi về yếu tố để tạo nên thành công trong kinh doanh, anh Quyết chia sẻ: “Để tạo được thành công trong sản xuất, người làm mộc phải giữ được niềm tin vào nghề của mình. Muốn sản phẩm của mình được thị trường tin dùng phải lấy được chữ tín làm đầu, thu hút đối tác và khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, phải đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề vững chắc. Có như vậy thì mới sống được với nghề”. Giống như nhiều thanh niên khác ở các vùng nông thôn, trước đây, anh Đỗ Ngọc Huy, Bí thư chi đoàn TDP Nam Hà cũng đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, anh cũng ý thức được đi làm thuê có thể thu nhập cao hơn nhưng lại không ổn định, thậm chí “nay đây, mai đó”, trong khi phải xa gia đình, quê hương. Do đó, anh đã quyết định phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của gia đình. Nối nghiệp trồng cây cảnh của gia đình, trên diện tích đất vườn ông cha để lại, anh Huy trồng đào và cây cảnh như: sanh, tùng la hán, tùng kim… Đặc biệt, phát huy thế mạnh của địa phương trong việc trồng các loại đào phục vụ nhu cầu chơi hoa trong ngày Tết, vài năm trở lại đây, anh Huy là 1 trong 2 hộ gia đình của TDP Nam Hà mạnh dạn thử nghiệm trồng loại bạch đào cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ tích cực đầu tư giống, vốn, khoa học kỹ thuật, dành thời gian, công sức, nên mô hình trồng cây cảnh, trồng đào của anh luôn đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính bền vững. Từ mô hình này, trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, bình quân mỗi năm anh Huy thu nhập trên dưới 300 triệu đồng.
Anh Đỗ Ngọc Huy, tổ dân phố Nam Hà, Thị trấn Cổ Lễ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây mới về trồng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Anh Đỗ Ngọc Huy, tổ dân phố Nam Hà, Thị trấn Cổ Lễ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây mới về trồng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Anh Quyết, anh Huy là 2 trong số những tấm gương thanh niên thị trấn đang nỗ lực, mạnh dạn làm giàu, xứng đáng cho nhiều thanh niên nông thôn học hỏi. Anh Đỗ Văn Thuận, Bí thư Đoàn Thanh niên Thị trấn Cổ Lễ cho biết: Đoàn Thanh niên Thị trấn Cổ Lễ hiện có trên 400 ĐVTN sinh hoạt tại 13 chi đoàn. Thực hiện phong trào xung kích phát triển kinh tế, thanh niên trong thị trấn luôn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Hiện, thanh niên thị trấn đang tập trung vào một số ngành nghề như: sản xuất mộc (ở các làng nghề: Mộc Kênh, Đông Đò, Nghĩa Sơn); trồng cây cảnh (ở các TDP Nam Hà, Nghĩa Sơn); sản xuất cơ khí và VAC… Trong đó, nghề mộc vẫn thu hút nhiều thanh niên tham gia hơn cả, chiếm khoảng 50% thanh niên tham gia vì đây là nghề truyền thống của địa phương, cho thu nhập cao và ổn định. Hiện toàn thị trấn có trên 10 xưởng mộc do thanh niên làm chủ cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có từ 2 đến 3 xưởng cho thu nhập tiền tỷ. Sau nghề mộc thì nghề sản xuất cơ khí hiện cũng thu hút lượng thanh niên đông đảo, chiếm khoảng 30% với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng dành cho thợ và 80-200 triệu đồng/năm dành cho các chủ xưởng. Ngoài ra, nỗ lực phát triển kinh tế, thanh niên Cổ Lễ còn xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả với các cây trồng như: lúa lai, đào, cây bon sai; chăn nuôi gia súc, gia cầm như: trâu, bò, gà, vịt, ngan, nuôi ong, đào ao thả cá... Tính đến thời điểm hiện tại, thị trấn có 10 mô hình VAC cho thu nhập ổn định trên 60 triệu đồng/năm. Phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế đã góp phần giảm nghèo cho địa phương, đến nay, số lượng hộ nghèo trong ĐVTN của thị trấn hầu như không còn...
 
Nhằm mục đích hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên trong phong trào xung kích phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp, làm giàu cho quê hương, thời gian tới, tổ chức Đoàn Thị trấn Cổ Lễ tập trung khai thác phát huy thế mạnh của địa phương giúp thanh niên phát triển kinh tế, nhất là các nghề truyền thống như mộc, trồng cây cảnh; tăng cường vận động thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề, ưu tiên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho thanh niên, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hộ gia đình; tổ chức cho thanh niên đi tham quan các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao trong huyện và một số địa phương lân cận, định hướng cho thanh niên thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ cây trồng năng suất thấp sang những cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao... Nỗ lực thực hiện phong trào xung kích phát triển kinh tế, thanh niên Thị trấn Cổ Lễ đã phát huy được sức trẻ “dám nghĩ dám làm”, năng động tìm những hướng đi mới để làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Từ hiệu quả của phong trào còn góp phần thu hút, tập hợp đoàn kết thanh niên vào những sinh hoạt Đoàn, Hội, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh./.
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com