Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích canh tác từ lâu đã được nông dân xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) đặc biệt quan tâm. Trong các công thức luân canh hiện nay, cây bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Về Nghĩa Hồng những ngày này, trên khắp các cánh đồng, nông dân đang tập trung thu hoạch bí xanh, tại các điểm thu mua việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi. Tuy mới đầu vụ thu hoạch nhưng nhiều hộ dân đã có thu nhập vài triệu đồng từ bí xanh. Tại cánh đồng của đội 4, không khí lao động nhộn nhịp trên những ruộng bí sai trĩu quả. Người cắt, người gánh, xếp bí lên xe. Đang khẩn trương thu hoạch bí, ông Trần Văn Hoàng - một trong những hộ có diện tích trồng bí lớn nhất vùng cho biết: Tôi vào bầu cho lứa bí từ ngày 25-9. Tranh thủ từng ngày, tận dụng từng tấc đất, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa xong, chỉ trong vòng 5 ngày, từ 10 đến 14-10, gia đình tôi đưa bầu cây ra ruộng, phủ xanh 1,8 mẫu đất. Sau 1 tháng chăm sóc ngoài ruộng chúng tôi đã bắt đầu thu hoạch những lứa quả đầu tiên. Hiện nay, bí xanh có giá khoảng 4.000 đồng/kg, lúc khan hiếm hàng có thể lên tới 10-12 nghìn đồng/kg. Một sào trồng bí xanh với 350-400 gốc bí có thể cho năng suất 700-800kg, cao có thể hơn 1 tấn, chỉ cần giá ổn định ở mức 3.000 đồng/kg thì doanh thu sẽ đạt 2,1-2,4 triệu đồng/sào. Chi phí vật tư sản xuất chỉ mất 200 nghìn đồng, tính ra mỗi sào bí xanh cho nông dân thu xấp xỉ 2 triệu đồng. Nếu tính công lao động 1 ngày làm 8 tiếng thì mỗi sào bí xanh từ lúc làm bầu, gieo hạt, làm đất, trồng đến thu hoạch chỉ mất có 7 công, nhàn hơn rất nhiều so với trồng dưa chuột, cà chua. Vì vậy công lao động của người trồng bí xanh là rất cao. Trên con đường ra đồng được đổ bê tông rộng thênh thang của đội 5, chúng tôi gặp ông Phạm Minh Tân đang kéo xe bí đầy ắp về nhà. Ông Tân phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: bí xanh không khó trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ban đầu thấp. Mặc dù trong quá trình sinh trưởng cây bí xanh cần phải tưới nước nhiều lần, nhưng mỗi lần tưới lượng nước rất ít nên tiết kiệm được cả nước và công tưới. Cây bí xanh có thể trồng trên nhiều loại đất, khả năng sinh trưởng, phát triển và thích ứng rộng. Hầu hết, bí xanh ở Nghĩa Hồng được trồng chủ yếu là giống bí sặt. Đây là giống bí có ruột đặc, ít hạt, trọng lượng quả vừa phải, chất lượng bí giòn, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên những người trồng bí chúng tôi không lo “bí” đầu ra. Sản phẩm lại dễ bảo quản nên nông dân không phải bán ồ ạt tại thời điểm thu hoạch, mà có thể dự trữ tới gần Tết Nguyên đán và dịp đầu năm sau khi rau xanh khan hiếm mới bán để được giá cao. “Bí xanh sau khi thu hoạch về, xếp rải ra nền nhà nơi thoáng mát là có thể bảo quản được trong vòng nửa năm nên chúng tôi vẫn bán rải rác từ giờ tới tận tháng 4 năm sau” - ông cho biết thêm.
Nông dân xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) thu hoạch bí xanh. |
Với những ưu thế đó nên khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ cho thu nhập cao, qua tuyển chọn, nông dân Nghĩa Hồng đã chú trọng phát triển cây bí xanh được trồng trên đồng đất Nghĩa Hồng từ năm 2003, song từ 5-6 năm trở lại đây, cây bí xanh mới phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với nhiều loại cây trồng khác. Đến nay, toàn xã có gần 500 hộ trồng bí xanh với tổng diện tích trên 92ha, chủ yếu trên chân ruộng 2 lúa, tập trung ở 9/16 đội sản xuất. Đồng chí Nguyễn Văn Thiệm, Chủ tịch HĐQT HTXDVNN Nghĩa Hồng cho biết: Hiện sản xuất bí xanh nói riêng, cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa nói chung đã trở thành nền nếp của nông dân địa phương. Để đạt được kết quả trên, trong quá trình phát động phong trào sản xuất vụ đông, xã đã tổ chức cho một số hộ nông dân đi tham quan, học tập mô hình làm vụ đông ở nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh rồi về tiến hành khảo nghiệm trên đồng đất địa phương. Những mô hình khảo nghiệm thành công là những dẫn chứng trực quan tác động mạnh mẽ khiến cho nhiều hộ nông dân từng bước thay đổi suy nghĩ. Bên cạnh cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã còn có nhiều cơ chế hỗ trợ thêm như: Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp người nông dân nắm vững quy trình sản xuất, nhất là những cây giống mới, đồng thời đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng phục vụ nhu cầu sản xuất. HTXDVNN thực hiện tốt việc cung ứng giống cho nông dân, đồng thời thường xuyên kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, tổ chức tập huấn cho nông dân cách phòng trừ sâu bệnh, cách bón phân có hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm. Trong năm nay, ngay từ đầu vụ mùa, HTXDVNN Nghĩa Hồng đã hướng dẫn, vận động các hộ nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và đẩy sớm lịch thời vụ gieo cấy để trồng cây vụ đông. Đồng thời thực hiện khoanh vùng sản xuất cây vụ đông để chủ động chống úng đầu vụ và chống hạn trong quá trình sản xuất. Với cách làm như trên, Nghĩa Hồng không chỉ tạo được quỹ đất tối đa phục vụ gieo trồng cây vụ đông các loại mà còn bảo đảm trồng đúng trong khung thời vụ tốt nhất, giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh, tránh được sâu bệnh gây hại và tăng khả năng chống chịu khi xảy ra mưa lớn gây ngập úng. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm được ổn định, xã tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích một số hộ mở đại lý thu mua nông sản cho nông dân. Thông qua hàng chục nhóm, đại lý thu mua nông sản tại ruộng sản phẩm cây vụ đông, đặc biệt là bí xanh của Nghĩa Hồng đã được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào. Đến Nghĩa Hồng vào những ngày thu hoạch cây vụ đông hình ảnh luôn gặp là những chiếc xe tải từ khắp nơi về để nhận hàng, cảnh mua bán diễn ra tấp nập ven những cánh đồng cây vụ đông tít tắp.
Cuối năm, sau gặt mùa, không giống như ở nhiều nơi chỉ thấy cánh đồng thênh thang với gốc rạ đang chờ cày ải, đi qua các cánh đồng ở Nghĩa Hồng và các xã lân cận chúng tôi vẫn thấy không khí lao động hối hả, màu xanh rau quả bao trùm, có nơi xen lẫn sắc đỏ của cà chua, ớt... tạo nên những bức tranh vô cùng sống động của sự trù phú. Với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn cây trồng, thời vụ hợp lý và biết đón bắt nhu cầu thị trường nên những vụ bí xanh nói riêng, vụ đông nói chung ở Nghĩa Hồng luôn được mùa, được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí xây dựng NTM của xã./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh