Thành công nhờ đam mê

09:12, 01/12/2015
Về xã Nam Toàn (Nam Trực), hỏi bất kỳ ai trong giới làm cây cảnh cũng được hướng dẫn tận tình đến nhà ông Phạm Minh Châu, bởi ông không chỉ là người nhiều lần được khen thưởng của các cấp trong lĩnh vực tạo hình cây cảnh mà còn rất tận tình giúp đỡ bà con địa phương cùng làm nghề phát triển kinh tế, ủng hộ thúc đẩy các phong trào sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xưởng của ông Phạm Minh Châu, xóm 4, xã Nam Toàn (Nam Trực).
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xưởng của ông Phạm Minh Châu, xóm 4, xã Nam Toàn (Nam Trực).
Lớn lên trong giai đoạn kinh tế hết sức khó khăn, năm 1987, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, ông quyết định rời làng đi làm thuê vừa để kiếm tiền nuôi thân và phụ giúp bố mẹ, vừa quyết chí học tập, tạo dựng cho mình một nghề để lập nghiệp. Nghiên cứu kỹ thị trường, ông Châu đã quyết tâm học nghề mộc với ước mơ ban đầu trở về mở một xưởng mộc nhỏ chuyên đóng bàn, ghế, tủ phục vụ cho bà con trong làng. Các sản phẩm luôn được ông làm cẩn trọng, chăm chút từng chi tiết như làm cho chính mình nên bền đẹp, giá cả phù hợp với khả năng của người dân làng quê trong điều kiện kinh tế eo hẹp. Vì vậy ông ngày càng được nhiều người trong làng biết tiếng tìm đến đặt hàng. Từ một thanh niên nghèo ngày nào, chỉ sau vài năm ông Châu tích lũy được số vốn tương đối. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất có nghề làm hoa, cây cảnh nên khi nghề này ở địa phương “lên ngôi”, dù đã có tiếng trong nghề mộc, ông vẫn mạnh dạn chuyển sang làm nghề trồng cây cảnh. Dốc hết vốn tích lũy được từ nghề mộc, ông mạnh dạn vay thêm ngân hàng, bạn bè để đầu tư. Những kinh nghiệm kỹ năng khi học và làm nghề mộc đã giúp ông học nghề cây khá nhanh, nhất là các kỹ thuật tạo hình uốn, tỉa, tạo thế cây. Bắt đầu ông Châu chỉ trồng những loại cây nhanh được thu hoạch để tạo vốn và học thêm kỹ thuật như phong lan, địa lan, trà, hải đường… Có vốn, tay nghề đã vững, ông bỏ nhiều công sức tạo các loại dáng, thế cây. Ngay từ năm 1995, ông đã tham gia vào Hội Sinh vật cảnh tỉnh để có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm từ những người trồng cây cảnh lâu năm và nắm bắt nhu cầu của thị trường. Với nhiều năm lăn lộn thương trường, ông đã có kinh nghiệm nắm bắt xu hướng, thị hiếu khách hàng. Khi thấy phong trào du lịch sinh thái phát triển, ông nghĩ ngay đến việc phát huy lợi thế nhà vườn cây cảnh của quê hương để kinh doanh. Năm 2005, ông đã mạnh dạn thành lập Cty hoa cây cảnh Châu Giang kết hợp khu sinh thái ẩm thực Hương Lúa. Nhờ nhanh nhạy nên trong giai đoạn 2005-2008 ông là một trong những người tiên phong trong xã tập trung đầu tư gốc, uốn thế cây lộc vừng, vốn được dân chơi cây cảnh coi là biểu tượng của sự tài lộc, thịnh vượng nên nhanh chóng phát tài. Khi trào lưu chơi lộc vừng thoái trào bởi cây bị dịch bệnh, không tìm ra thuốc chữa, lại thêm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, nghề trồng cây cảnh rơi vào khủng hoảng, không ít bạn làm nghề của ông Châu khó khăn, thậm chí bị phá sản, phải bỏ nghề, ông đã nhanh nhạy chuyển sang làm cây bonsai mi ni. Vườn nhà ông luôn có hàng nghìn cây bonsai mi ni có dáng, thế độc đáo, không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà luôn có rất nhiều khách hàng ở các tỉnh về tìm mua. Thị trường cây cảnh không “sốt” như trước, không bận tíu tít với khách đến mua cây, ông thường tranh thủ lúc vắng khách tập trung tìm đọc thông tin, nâng cao vốn hiểu biết về đặc điểm sinh học của từng loại cây, sự thích hợp của cây với điều kiện thời tiết, quá trình cắt tỉa, chăm sóc cây, kỹ thuật ký đá. Ông đã trở thành một trong những người có trình độ hàng đầu trong lĩnh vực trồng cây cảnh nghệ thuật trên đá của tỉnh. Đây là kỹ thuật khó, độc đáo, do mỗi cây phải tạo một dáng khác nhau phù hợp với kiểu dáng của phần đá; phải bảo đảm rễ cây bám được vào đá nhưng vẫn tạo được sự tách bạch giữa đá và cây, sao cho đá và cây không triệt tiêu vẻ đẹp của nhau, cùng cộng hưởng, tăng giá trị thẩm mỹ. Có thâm niên trong kinh doanh cây cảnh, ông còn góp sức cùng những người thợ làm nghề lâu năm đào tạo rất nhiều thợ giỏi trong lĩnh vực trồng cây cảnh trong và ngoài tỉnh. Năm 2015, ông được Chương trình Vinh danh trí tuệ bàn tay vàng tự hào thương hiệu Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia ngành tạo hình cây cảnh.
 
Hiện nay ông lại tái đầu tư mở một xưởng mộc mỹ nghệ chuyên sản xuất các sản phẩm: bàn, ghế, giường, sập, tủ chè, tủ thờ cao cấp. “Hai chân” cây cảnh và sản phẩm mộc mỹ nghệ bổ trợ cho nhau giúp thu hút khách hàng đến ngắm các sản phẩm cây cảnh và đồ gỗ nghệ thuật đã được những người thợ tâm huyết tạo nên việc kinh doanh của ông vẫn phát đạt. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế tại quê nhà, hiện nay ông Châu còn mạnh dạn mở rộng đầu tư kinh doanh chuỗi thương hiệu: nhà hàng ẩm thực - cây cảnh - mộc đồ gỗ mỹ nghệ tại Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Tâm sự về kinh nghiệm làm nghề của mình, ông Châu chia sẻ: “Chính niềm đam mê cháy hết mình trong mỗi nghề và sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường đã giúp tôi đạt được thành công như ngày hôm nay”./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Hoa


Đón xem kết quả xsmb siêu chuẩn

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com