Việc sử dụng tần số vô tuyến điện hợp pháp, đúng quy định giúp các ngư dân trên biển kết nối thông tin liên lạc với đất liền phục vụ các hoạt động lao động sản xuất trên biển; được cung cấp thông tin cứu nạn và cứu hộ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi gặp thiên tai, bão lũ.
|
Neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu, tránh trú bão Ninh Cơ (Nghĩa Hưng). |
Tuy Luật Tần số, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động nghề cá trên biển… đã có hiệu lực trong nhiều năm; Nhà nước cũng không thu phí sử dụng tần số đối với phương tiện nghề cá, nhưng đến nay, số lượng tàu cá khai thác trên biển đăng ký sử dụng tần số vô tuyến điện chưa nhiều. Toàn tỉnh có 1.942 tàu đánh bắt, khai thác thủy sản, trong đó tàu có công suất lớn trên 90CV là 335 chiếc, nhưng đến nay mới có khoảng hơn 40% tàu được cấp phép tần số vô tuyến điện; số tàu thuyền còn lại chủ yếu sử dụng thông tin di động mặt đất. Như vậy có không ít người và phương tiện nghề cá đối diện với nguy cơ mất an toàn, chịu thiệt hại trong trường hợp thiên tai, bão lũ, do chỉ có thể kêu gọi cứu hộ bằng các thiết bị vô tuyến điện trên tàu, các tần số về an toàn cứu nạn cũng như tiếp nhận các thông tin, thông báo về thiên tai trên biển khi tàu đã được cấp phép tần số vô tuyến điện. Không những thế, trong số tàu thuyền đã lắp đặt thiết bị vô tuyến điện, số lượng tàu có thiết bị vô tuyến tầm xa (ICOM) sử dụng băng tần HF còn ít; số còn lại sử dụng thiết bị thu phát thoại vô tuyến sóng cực ngắn (VHF). Với trang thiết bị thông tin liên lạc như trên thì phần lớn tàu thuyền của ngư dân không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thông tin khi vươn khơi quá 50 hải lý. Bên cạnh đó việc liên lạc thông tin giữa đất liền với tàu thuyền ngoài khơi và ngược lại, đặc biệt thông tin dự báo thời tiết và bảo vệ ngư trường gặp khó khăn do tại tỉnh ta chưa được thiết lập Đài Thông tin duyên hải. Hệ thống thông tin liên lạc tầm xa (ICOM) của các đơn vị trực thuộc Sở NN và PTNT, Phòng NN và PTNT các huyện, không liên lạc được với máy thông tin tầm ngắn. Khi có áp thấp nhiệt đới, bão chỉ có các máy thông tin liên lạc tầm ngắn của BĐBP đặt tại các đồn, trạm kiểm soát ven biển mới liên lạc được với thiết bị thông tin trên các tàu cá hoạt động ven bờ (băng tần 27MHz). Hầu hết các tàu cá trên địa bàn tỉnh đều có trang bị, sử dụng hệ thống bộ đàm tầm xa như thiết bị ICOM 718, 707… Tuy nhiên, nhiều phương tiện hoạt động trên biển lại không đăng ký sử dụng tần số cho các loại máy bộ đàm này và mỗi tàu, thuyền lại sử dụng một tần số khác nhau, hay một số tàu có đăng ký tần số nhưng không sử dụng. Do không quản lý được toàn bộ tần số máy thu phát sóng của ngư dân trên biển nên trong những đợt có bão đổ bộ hay áp thấp nhiệt đới xuất hiện, các cơ quan chức năng đã phải tốn kém chi phí rất lớn cho việc tìm kiếm, kêu gọi các tàu đánh cá vào nơi trú ẩn an toàn. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin cho ngư dân còn yếu; một số ngư dân vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc đăng ký sử dụng tần số hoặc có người cố ý làm trái quy định vì muốn độc quyền, sợ khai báo tần số sẽ lộ ngư trường khai thác của mình…
Nhằm góp phần đảm bảo an toàn và an ninh cho các tàu cá hoạt động trên biển, Sở TT và TT đã phối hợp cùng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở NN và PTNT) tăng cường hướng dẫn, cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu cá giúp ngư dân chủ động đưa vào sử dụng tần số. Hằng năm, Sở TT và TT còn phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực V, UBND các huyện ven biển tổ chức hội nghị phổ biến các quy định của pháp luật trong việc sử dụng các thiết bị vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá như Luật Tần số vô tuyến điện; Thông tư quy định điều kiện kỹ thuật và khai thác; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện… Trong đó tập trung hướng dẫn cách thức sử dụng máy bộ đàm đặt trên tàu; cách sử dụng hiệu quả máy bộ đàm và các tần số trực canh phát tin cấp cứu, thu dự báo thiên tai và tác hại của việc sử dụng máy điện thoại không dây không phù hợp các quy hoạch băng tần số vô tuyến điện ở Việt Nam; hướng dẫn hồ sơ thủ tục cấp phép sử dụng tần số cho các chủ tàu. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các tàu cá không có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và yêu cầu thực hiện các thủ tục xin cấp phép theo hướng dẫn; chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các phương tiện nghề cá khi ra, vào cảng biển thuộc khu vực quản lý của tỉnh tiến hành kết hợp kiểm tra giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng tăng cường công tác kiểm tra trang thiết bị thông tin liên lạc trong quá trình đăng kiểm theo Quy chế “Thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển” và phổ biến cho ngư dân thủ tục cấp phép. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường quản lý, bảo đảm các tàu cá sử dụng tần số đúng mục đích, có hiệu quả, tránh gây nhiễu lẫn nhau làm ảnh hưởng đến thông tin an toàn cứu nạn và cứu hộ; đảm bảo thông tin liên lạc. Theo đó, UBND các huyện ven biển đã từng bước chủ động hơn trong việc phối hợp với Sở TT và TT, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực V và các đơn vị liên quan thực hiện công tác thống kê số tàu cá có thiết bị liên lạc vô tuyến điện tầm xa; rà soát lại danh sách các phương tiện nghề cá chưa có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn; hướng dẫn các chủ phương tiện nghề cá trên địa bàn hoàn tất thủ tục xin cấp, gia hạn giấy phép theo đúng quy định hiện hành./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy