Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là Salbutamol để tạo nạc, một trong những chất độc hại đã bị cấm không được phép sử dụng đang là một “vấn nạn” gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và đe dọa sự tồn tại của ngành chăn nuôi cả nước. Tại tỉnh ta, tuy chưa phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi song công tác phòng ngừa, ngăn chặn việc kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã và đang được các ngành chức năng coi là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
|
Lấy mẫu kiểm tra chất cấm tại một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi của xã Nam Vân (TP Nam Định). |
Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 10 nghìn trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trên 2.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư; 410 cơ sở kinh doanh thuốc thú y và gần 700 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Hằng năm, sản lượng thịt gia súc, gia cầm ước đạt trên 160 nghìn tấn. Với quyết tâm phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng khuyến khích chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp, xa khu dân cư; chăn nuôi trang trại gắn với giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung; áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường đối với chăn nuôi nông hộ. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, đặc biệt là tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi không sử dụng các chất cấm luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, nhất là ngành NN và PTNT. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra còn mỏng; cơ sở vật chất thiếu thốn, như chưa có phòng xét nghiệm mẫu phẩm, nên khi cần thiết phải gửi đi các cơ sở chuyên môn ở tỉnh ngoài vừa tốn kém chi phí vừa phải chờ đợi; khó đảm bảo tính kịp thời. Bên cạnh đó, không ít người chăn nuôi vẫn chưa ý thức được việc cần thiết phải thực hiện chăn nuôi an toàn. Với hệ thống cơ sở kinh doanh vật tư thức ăn chăn nuôi lớn, nhiều người kinh doanh vì lợi nhuận bất chấp thủ đoạn cung cấp chất cấm đến người chăn nuôi trong khi việc kiểm soát còn hạn chế nên nguy cơ người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận sử dụng chất cấm cho gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn. Để chủ động đảm bảo ATVSTP, ngăn chặn và đẩy lùi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 799/UBND-VP3 về tăng cường quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với các hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, đặc biệt những nguy hại của việc sử dụng chất cấm (Salbutamol, Clenbuterol…) trong chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng. Thông tin kịp thời, công khai về tình hình và danh tính các đối tượng vi phạm. Đặc biệt cần chỉ rõ hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là phi đạo đức, phải bị cộng đồng tỏ rõ thái độ lên án, tố giác và tẩy chay. Các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tồn dư kháng sinh và việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất tạo nạc Salbutamol và Clenbuterol tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; các trang trại, gia trại, các cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, đảm bảo người dân được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh từ ngày 10-12-2015 đến ngày 28-2-2016, Sở NN và PTNT tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chợ buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Chi cục Thú y đã nhập các bộ dụng cụ kiểm tra nhanh để phát hiện hoóc-môn tăng trọng Salbutamol ở thịt và nước tiểu gia súc, phát hiện chất Clebuterol - Ractopamine - Salbutamol trong thức ăn gia súc phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành. Trong 2 ngày 15 và 16-12, đoàn kiểm tra của Sở đã lấy mẫu và kiểm tra nhanh 4 hộ chăn nuôi, 3 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 1 cơ sở kinh doanh thuốc thú y tại Thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu. Tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Dự kiến từ nay đến hết tháng 12-2015, đoàn sẽ kiểm tra 93 cơ sở, trong đó có 35 hộ chăn nuôi, 18 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 17 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và 23 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Khi kiểm tra, những mẫu có nghi ngờ sẽ được gửi lên Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) để xét nghiệm. Tất cả các trường hợp vi phạm sẽ được xử lý theo đúng quy định của pháp luật và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đợt cao điểm hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện xử lý nghiêm theo pháp luật các cơ sở buôn bán Salbutamol và Vàng Ô cho chăn nuôi, các loại hóa chất, kháng sinh cấm; thuốc BVTV, thuốc thú y, chất xử lý môi trường giả, ngoài danh mục. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, các đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về điều kiện sản xuất, kinh doanh bảo đảm VSATTP; tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất Salbutamol, chất Vàng Ô đối với sức khỏe người tiêu dùng nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động của chủ cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; các cấp, các ngành và của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và VSATTP.
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục nói “không” với chất cấm trong chăn nuôi. Qua đó, không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm thịt lợn được nuôi tại địa phương mà còn khẳng định và xây dựng được uy tín thị trường, tạo đà để ngành chăn nuôi tỉnh phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh