Phát triển nuôi thủy sản bền vững ở Hải Chính

07:12, 10/12/2015
Với chiều dài bờ biển 3,2km, xã Hải Chính (Hải Hậu) có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Nghề NTTS phát triển giúp đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể; là một trong những động lực giúp Hải Chính bứt phá vươn lên trở thành xã NTM từ đầu năm 2014.
Vùng nuôi thủy sản tập trung xã Hải Chính.
Vùng nuôi thủy sản tập trung xã Hải Chính.
Những năm trước đây, tại Hải Chính một số hộ đã bắt đầu nuôi tôm với quy mô nhỏ lẻ. Do phát triển tự phát, thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm kỹ thuật như: không có quạt nước đảo ô-xy nên chỉ thả được với mật độ 20-30 con/m 2 (dẫn đến năng suất thấp), không trải bạt ni lông hoặc đổ bê tông láng nền ao khiến nguồn nước nuôi tôm bị thẩm thấu, không xử lý môi trường nguồn nước bằng chế phẩm sinh học nên tỷ lệ tôm chết cao,... hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2011 đến nay, xã Hải Chính đã quy hoạch vùng đất công và chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang NTTS để tạo thành vùng nuôi tập trung, phát triển các mô hình nuôi tôm chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp, bán công nghiệp góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Chúng tôi đến thăm mô hình chuyển đổi của gia đình ông Hoàng Văn Chinh, xóm Tây Sơn. Ông cho biết: “Dù thời tiết thuận lợi thì nghề làm muối vẫn luôn có thu nhập thấp, lao động làm muối rất vất vả, 1 lao động 1 năm chỉ làm được 2 sào muối. Những năm gần đây, mỗi năm chỉ có hơn 100 ngày nắng nên 1 sào muối thu được 2 triệu đồng, trừ chi phí chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng, đời sống diêm dân càng gặp khó khăn hơn. Được Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện, tôi đã chuyển đổi 1.300m 2 từ làm muối sang nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh. Khi đã có kiến thức, có kinh nghiệm thì việc nuôi thủy sản không quá vất vả. Mỗi năm gia đình tôi đạt thu nhập trên 130 triệu đồng, hiệu quả 1 năm nuôi tôm bằng cả 10 năm làm muối”. Đến nay, toàn xã Hải Chính có 88 hộ NTTS với tổng diện tích nuôi đạt 52,8ha, tập trung vào nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Tranh thủ sự quan tâm của Nhà nước, xã thực hiện xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối như: nạo vét kênh cấp, kênh tiêu nước; xây dựng các tuyến đường giao thông, cầu, cống... phục vụ cho sản xuất tại các vùng nuôi. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân vay vốn từ Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN và PTNT huyện để đầu tư cải tạo ao đầm, trang bị máy móc phục vụ cho NTTS. Ở Hải Chính, nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung vào 2 vụ chính từ tháng 4 đến tháng 7 và từ tháng 8 đến tháng 11, còn vụ nuôi tôm sú mỗi năm 1 vụ tập trung từ tháng 4 đến tháng 10, 11. Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nghề NTTS phát triển bền vững, xã thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác NTTS cho các hộ nuôi. Đồng thời, tăng cường phối hợp với nhà cung cấp sản phẩm giống, thuốc thú y thủy sản tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cho bà con nông dân. Đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi; yêu cầu các hộ nuôi phải quy hoạch khu xử lý chất thải trong diện tích nuôi của mình trước khi xả thải ra kênh mương chung. Vận động các hộ nuôi thả đúng lịch thời vụ. Thông báo cụ thể thời điểm lấy nước, tiêu nước để bà con nông dân chủ động kế hoạch đưa nước vào ao nuôi. Nhờ vậy, mặc dù trong 2-3 năm trở lại đây thời tiết diễn biến bất thường, nguồn nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng nhiều đến việc NTTS, song trên địa bàn xã không xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt như nhiều địa phương khác. Năng suất bình quân mỗi vụ đạt 5-6 tấn/ha tôm thẻ chân trắng; 7 tấn/ha tôm sú. Nhiều hộ đạt năng suất cao tới 10 tấn/ha. Theo phản ánh của các hộ nuôi tôm, năm nay chi phí thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học, công lao động... tăng cao. Nhưng tại thời điểm xuất bán, giá tôm thương phẩm vụ này cũng cao hơn 20% so với các vụ trước, tôm chân trắng loại 60 con/kg giá từ 175 nghìn đồng/kg; loại 50 con/kg giá từ 190-200 nghìn đồng/kg; tôm sú 245 nghìn đồng/kg loại 40 con/kg, 255-260 nghìn đồng/kg 30 con nên sau khi trừ mọi chi phí, 1 tấn tôm thương phẩm cũng cho người nuôi lãi ròng từ 40-50 triệu đồng. Mỗi năm, tổng sản lượng thủy sản của Hải Chính đạt trên dưới 380 tấn, giá trị ước đạt 44,6 tỷ đồng. Về Hải Chính tìm những gia đình đạt thu nhập 100 triệu đồng trở lên/năm không khó. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Bình, xóm Sơn Đông, nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương pháp công nghiệp trên diện tích 7.300m 2; ông Phạm Văn Thùy, xóm Tây Sơn nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích gần 8.000m 2; ông Nguyễn Văn Rung, xóm 4, nuôi tôm sú 7.300m 2; ông Vũ Văn Công, xóm Chung Châu, nuôi tôm sú 5.400m 2… Đến thăm khu nuôi tôm chân trắng theo hình thức công nghiệp của hộ anh Hoàng Văn Tuấn ở xóm Tây Sơn, anh Tuấn phấn khởi cho biết: “Đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghiệp, hiệu quả kinh tế mà con tôm mang lại có thể khẳng định không nghề sản xuất nông nghiệp nào bằng, bởi thời gian mỗi vụ tôm chỉ từ 65-80 ngày, lãi suất có thể tới 40-50%. Gia đình tôi có 2ha ao nuôi, mỗi năm nuôi 2 vụ, tùy điều kiện có thể nuôi thêm vụ thứ 3. Hiện tại đàn tôm của gia đình tôi sinh trưởng phát triển tốt, đạt 60 con/kg. Dự kiến sau 1 tháng nữa kích cỡ tôm sẽ đạt 50 con/kg, năng suất đạt 10 tấn, thu lãi trên 1 tỷ đồng”. Một số hộ NTTS trong xã đã hợp tác thành lập CLB NTTS xã Hải Chính để trao đổi kinh nghiệm, thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên hệ với các hãng sản xuất, kinh doanh thức ăn cho con giống, thuốc thú y thủy sản có uy tín và chất lượng cung cấp vật tư với giá cả phù hợp, tạo hiệu quả cao hơn trong NTTS. Đồng thời quản lý môi trường nuôi trồng nhằm tạo ra các vùng nuôi chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững. Sự phát triển NTTS và hiệu quả hoạt động của CLB đã góp phần đắc lực để làng Hữu Nghị được công nhận là làng nghề NTTS. Nghề NTTS phát triển bền vững, kinh tế phát triển, đời sống người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Hải Chính đạt trên 30 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%. Ngoài các con nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, Hải Chính sẽ triển khai cho các hộ nuôi thêm cá vược, cá mú, cua… để đa dạng sản phẩm. 
 
Tuy nhiên, để nghề NTTS ở Hải Chính phát triển mạnh và bền vững, rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành. Hiện xã tiếp tục khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế, các hộ dân đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng, ao nuôi, hệ thống giao thông... hoàn thiện vùng nuôi, đặc biệt là hệ thống thủy lợi để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường nước, bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển của thủy sản, tránh rủi ro cho người nuôi./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com