Nghề sản xuất sợi PE ở Trực Hùng

08:12, 12/12/2015

“Trước đây, xã Trực Hùng (Trực Ninh) ngoài sản xuất nông nghiệp còn có nghề phụ là trồng dâu, nuôi tằm để se tơ làm nguyên liệu đan các loại lưới, vó đánh cá. Rồi các loại lưới cước, lưới dù phát triển, nghề dâu tằm và lưới tơ kém dần rồi mất hẳn. Đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ở Trực Hùng bắt đầu manh nha rồi phát triển mạnh nghề sản xuất sợi PE”, ông Trần Văn Lưu, xóm 18, xã Trực Hùng tâm sự về nghề mới phát triển ở quê mình.

Từ chiếc vỏ bao xác rắn

Sản xuất sợi PE nguyên liệu tại cơ sở của ông Trần Văn Hài, xóm 18, xã Trực Hùng.
Sản xuất sợi PE nguyên liệu tại cơ sở của ông Trần Văn Hài,
xóm 18, xã Trực Hùng.

Ông Lưu năm nay 68 tuổi nhưng còn khỏe lắm, nói chuyện giọng vẫn sang sảng, chân thoăn thoắt bước qua bước lại trên dong ngõ đã được đổ bê tông sạch sẽ để mắc sợi, rút sợi đã được mô-tơ se săn thành dây, thành cuộn gọn gàng. Thấm thoắt đã gần 25 năm ông gắn bó với nghề kéo sợi PE nên hiểu rất rõ về nghề. Theo lời ông, nghề kéo sợi PE nơi đây lại khởi nguồn từ... cái vỏ bao “xác rắn” (được dệt từ sợi PE). Số là từ những năm 80 cái bao “xác rắn” đựng hàng rất quý với người dân (bởi hàng tiêu dùng khan hiếm, các loại bao gói không nhiều). Vỏ bao phân bón, gạo... được tái sử dụng nhiều lần vì độ bền. Đến khi bắt đầu rách thì lại được những người vốn tháo vát, khéo tay với nghề tằm tang, sẵn có các loại dụng cụ se tơ cũ như: sa quay tay, con suốt... đã rút ra từng sợi vỏ bao, tỉ mẩn nối lại với nhau, cuốn vào sa thành cuộn sợi. Cuộn sợi PE ấy mục tiêu “nguyên thủy” là để bện thành các loại dây để gói buộc trong sinh hoạt hằng ngày. Trực Hùng lại có một lực lượng làm nghề tàu sông buôn bán hàng hoá với nhiều nơi. Qua giao thương, mọi người đã biết đến nghề kéo sợi PE và nghĩ đến việc học nghề mang về quê hương. Tuy nhiên, thời điểm ấy chưa có điện lưới quốc gia nên nghề sản xuất sợi PE ở Trực Hùng chưa phát triển được. Cũng đã có một vài hộ có tiềm lực kinh tế đứng ra nhập sợi PE nguyên liệu về se thành các loại dây, phần phục vụ nhu cầu tại chỗ, phần để cung ứng đi các nơi nhưng quy mô rất nhỏ lẻ, manh mún và công nghệ hoàn toàn thủ công. Năm 1991, khi điện lưới quốc gia về đến địa phương đã tạo bước ngoặt cho nghề này.

Đến làng sản xuất sợi PE

Ông Trần Văn Lưu, xóm 18, xã Trực Hùng đang se sợi PE
Ông Trần Văn Lưu, xóm 18, xã Trực Hùng đang se sợi PE.

Sau gần 25 năm hình thành, đến nay, nghề sản xuất sợi PE đã phát triển mạnh với một làng nghề sản xuất sợi PE bên cạnh các nghề vận tải sông biển, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác thủy, hải sản... ở Trực Hùng. Những ngày trời quang mây tạnh đi đến bất cứ dong ngõ, xóm hoặc đường liên thôn, đường trục chính đều gặp cảnh người dân đang se sợi PE. Theo ước tính chưa đầy đủ, hiện tại nghề sản xuất sợi PE ở xã Trực Hùng thu hút gần 500 lao động thường xuyên; trong đó có trên 300 lao động chuyên nhận gia công sợi PE thành các loại dây, chão phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Sản phẩm phong phú về chủng loại từ loại dây nhỏ nhất đường kính 1-2mm đến các loại dây thừng, chão có đường kính tối đa đến 4cm để khai thác thủy, hải sản, gói buộc hàng hóa. Thời điểm năm 1991 khi xã có điện lưới, một số hộ có tiềm lực trong xã đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, đầu tư máy móc để sản xuất sợi PE nguyên liệu cung ứng cho các hộ trong xã nhận gia công. Đến nay, xã Trực Hùng đã có 4 cơ sở sản xuất sợi PE nguyên liệu và 4-5 cơ sở chế biến hạt nhựa PE, trong đó cơ sở sản xuất sợi PE của các anh Trần Văn Hài, Lưu Văn Viễn đều tạo việc làm cho 20-25 lao động trực tiếp. Cơ sở sản xuất của anh Trần Văn Hài (xóm 18) có tổng diện tích nhà xưởng trên 3.000m2, mỗi tháng tiêu thụ trên 30 tấn nhựa nguyên liệu để sản xuất ra 28,5 tấn sợi PE nguyên liệu, tạo việc làm cho 25 lao động với bình quân thu nhập từ 2,5-6 triệu đồng/người/tháng. Tự chủ được nguồn nguyên liệu tại chỗ, sản phẩm lại đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường nên số lao động nhận se sợi PE thành các loại dây, chão cho các cơ sở sản xuất sợi PE ngày càng đông. Bà Hoàng Thị Thơm, xóm 18, đã hơn 10 năm se sợi PE cho biết: “Se sợi PE là công việc đơn giản, dễ làm; tận dụng được thời gian rỗi và nhiều đối tượng lao động nên thu hút được rất nhiều người làm. Trước đây, khi phải làm thủ công thì còn vất vả, hiện tại, khâu quan trọng nhất là se sợi đã được mô-tơ chạy bằng điện thay thế nên tương đối nhàn”. Công cụ để se sợi PE gồm một mô-tơ điện (gồm 2 loại: 1.400 vòng/phút và 2.800 vòng/phút) được lắp cầu dao 2 chiều, gắn dây cu-roa và chế thêm 3 mấu để móc sợi; 3-4 cọc “và” (làm bằng tre hình chữ T, cao từ 1,2-1,5m, cắm hoặc chôn xuống đất, thanh ngang bên trên dài khoảng 50-60cm có 3 chỗ khuyết để đặt sợi). Nguyên lý se sợi PE thành các loại dây, chão thành phẩm là “chập ba” (ba sợi được máy cuốn cùng chiều rồi chập lại thành một và mô tơ quay ngược chiều để xoắn thành dây). Mỗi máy quay sợi cần ít nhất 2 lao động thường xuyên. Một người đảm nhiệm công việc mắc sợi nguyên liệu lên “và”, mỗi và đặt cách nhau từ 30-40m; một người chịu trách nhiệm điều khiển mô-tơ quấn sợi và thu sợi thành cuộn. Tùy theo đường kính của từng loại dây (dây đường kính càng nhỏ thì khối lượng thành phẩm càng ít nhưng tiền công lại cao), bình quân mỗi ngày, mỗi máy se sợi PE 2 người cũng đạt thu nhập tối thiểu từ 130-200 nghìn đồng/ngày. 

Trong thời điểm nông nhàn, nghề se sợi PE đã thu hút hàng trăm lao động trong xã tham gia. Thậm chí những lao động cao tuổi như vợ chồng ông Lưu cũng đạt mức thu nhập từ 130-150 nghìn đồng/ngày. Nghề sản xuất sợi PE phát triển đã tạo việc làm, thu nhập cao cho nông dân, góp phần không nhỏ trong huy động đóng góp kinh phí kết hợp với ngân sách Nhà nước để kiến thiết, xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ sản xuất, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân Trực Hùng. Năm 2015, bình quân thu nhập đầu người của xã ước đạt trên 30,7 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,79%./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com