Những năm qua, các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) trong tỉnh đã thực hiện giám sát hàng nghìn công trình xây dựng với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Tiêu biểu như Ban GSĐTCĐ các xã: Trực Nội, Trực Chính và Trực Thanh (Trực Ninh) giám sát 13 công trình, trị giá 34 tỷ đồng; các xã Tân Thịnh, Nam Hồng, Nam Dương và Nam Lợi (Nam Trực) đã giám sát 62 công trình, trị giá 66 tỷ 649 triệu đồng; các xã Hải Long, Hải Đông, Hải Phú (Hải Hậu) giám sát 73 công trình, trị giá 40 tỷ 960 triệu đồng; các xã Nghĩa Thịnh, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) giám sát 17 công trình trị giá 25 tỷ 300 triệu đồng... Thông qua công tác giám sát đã đảm bảo quy trình, tiến độ thời gian và chất lượng các công trình được nâng lên rõ rệt, hạn chế các hiện tượng vi phạm, thất thoát, lãng phí và ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong xây dựng, quản lý các công trình. Từ đó tạo niềm tin, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân và con em quê hương đang ở tỉnh ngoài, nước ngoài cùng chung sức xây dựng NTM. Thông qua hoạt động giám sát, các Ban GSĐTCĐ đã phát hiện nhiều thiếu sót, nhất là sai phạm trong quá trình lập thủ tục đầu tư công trình; vi phạm về tiến độ, kế hoạch đầu tư; vi phạm quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại vật tư gây thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp, từ đó phản ánh kịp thời với đơn vị thi công và chủ đầu tư để khắc phục, sửa chữa, bảo đảm tiến độ, tránh lãng phí, thất thoát… Đồng chí Trần Hữu Thọ, phó Ban GSĐTCĐ xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) cho biết: “Trong năm 2015, toàn xã đã triển khai 21 công trình lớn, nhỏ như đổ đường bê tông trong khu dân cư, đường nội đồng, sửa chữa công trình nhà 3 tầng với 9 phòng học của trường tiểu học, nâng cấp nhà văn hóa trung tâm xã. Tất cả các công trình đều có sự tham gia của Ban GSĐTCĐ xã và xóm từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Vì thế, các công trình đều đảm bảo tiến độ và chất lượng, đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn”. Ông Thọ cho biết, hằng năm, Ban GSĐTCĐ đều căn cứ vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của xã để xây dựng kế hoạch giám sát, bố trí 2 thành viên thường trực của Ban trực tiếp bám sát công trường, giám sát nhắc nhở vi phạm tại chỗ, kiên quyết không để thi công ẩu, sai thiết kế. 18 Ban GSĐTCĐ xóm đã thực sự là công cụ “tai mắt” của nhân dân ở xóm, thôn thực hiện quyền giám sát các công trình xây dựng tại địa phương.
|
Giám sát thi công kè đường liên xóm tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng). |
Tuy nhiên, hoạt động giám sát cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới chỉ quy định thực hiện ở những dự án quy mô nhỏ và vừa, như hạ tầng nông thôn tại các xóm thôn, xã, thị trấn còn ở những dự án quy mô lớn, đặc biệt các dự án nằm ngoài vốn ngân sách địa phương thì chưa có quy định cụ thể về thành phần, cơ chế, phương thức hoạt động. Hầu hết các thành viên Ban GSĐTCĐ hiện nay được lựa chọn là những người có lòng nhiệt tình và ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, nhưng còn yếu về kinh nghiệm, trình độ, về hoạt động đầu tư các chương trình, dự án. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án công trình nhiều nơi chưa tích cực phối hợp, bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát. Nhằm phát huy vai trò giám sát của cộng đồng đối với các hoạt động đầu tư phát triển, phòng ngừa ngăn chặn thất thoát lãng phí, ngày 30-9-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư, có hiệu lực từ 20-11-2015. Theo đó, cộng đồng dân cư sẽ thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư; giám sát, đánh giá tổng thể hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Cụ thể, công dân, cộng đồng dân cư có quyền giám sát đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư; dự án đầu tư sử dụng vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản Nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư trên địa bàn thông qua Ban GSĐTCĐ. Ban GSĐTCĐ được quyền yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, KCN và kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật. Ban GSĐTCĐ có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư như quyết định đầu tư; thông tin về chủ đầu tư, ban quản lý dự án, địa chỉ liên hệ; tiến độ và kế hoạch đầu tư; diện tích chiếm đất và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết và phương án kiến trúc; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; phương án xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Quyền giám sát đầu tư của cộng đồng còn thể hiện qua việc kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong 2 trường hợp sau: Phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hoá - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng; Chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực của thành viên Ban GSĐTCĐ về các vấn đề quy hoạch, đất đai, cập nhật các quy định, văn bản pháp luật mới liên quan đến đầu tư xây dựng công trình, giúp cho đội ngũ giám sát cộng đồng nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; nắm chắc nghiệp vụ quản lý, giám sát đầu tư, xây dựng cơ bản… Có cơ chế tài chính phù hợp cho hoạt động của Ban GSĐTCĐ giúp đảm bảo điều kiện hoạt động và nâng cao trách nhiệm trong công tác giám sát đầu tư ở địa phương./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn