Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 1 đô thị loại I là Thành phố Nam Định và 1 đô thị loại IV là Thị trấn Thịnh Long và 14 thị trấn thuộc đô thị loại V, trong đó có 9 thị trấn huyện lỵ (Lâm, Nam Giang, Ngô Đồng, Yên Định, Gôi, Liễu Đề, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Cổ Lễ) và 5 thị trấn là trung tâm văn hóa, kinh tế - xã hội của tiểu vùng (Quỹ Nhất, Cát Thành, Rạng Đông, Quất Lâm, Cồn). Trong quá trình đầu tư phát triển chiều sâu việc quản lý chặt chẽ các dự án hạ tầng kỹ thuật đã được cơ quan chức năng quan tâm, góp phần hoàn thiện đô thị và tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng phụ cận và toàn tỉnh.
Theo đồng chí Vũ Thị Tươi, Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị (Sở Xây dựng) cho biết: “Cùng với tăng cường đầu tư các dự án phát triển đô thị, công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP cũng được Sở đặc biệt quan tâm chỉ đạo phòng chuyên môn nghiêm túc thực hiện”. Qua 2 năm triển khai áp dụng Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14-1-2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị đã khắc phục được rất nhiều bất cập từ tình trạng đô thị hóa nhanh, thiếu chiều sâu. Theo quy định của pháp luật, các dự án đầu tư phát triển đô thị được lập và phê duyệt trên cơ sở quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Trước đây, do thiếu quy hoạch phân khu nên các giải pháp kết nối hạ tầng của từng dự án với hạ tầng khu vực không được tính toán để kết nối. Việc chấp thuận cho quá nhiều dự án cùng lúc trên địa bàn cũng tạo áp lực cho các địa phương trong việc phải bố trí vốn để đầu tư mạng lưới hạ tầng ngoài tường rào cho các dự án đảm bảo kết nối hạ tầng của dự án với hạ tầng khung của đô thị. Các bất cập này đều dẫn đến tình trạng các khu đô thị được đầu tư xây dựng không đồng bộ, thiếu các công trình hạ tầng kết nối với mạng lưới hạ tầng chung của khu vực khiến cho người dân khi đến ở trong một số khu vực dự án chậm được cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, các dịch vụ vệ sinh môi trường, thiếu hạ tầng xã hội như chợ, trường học, trạm y tế… Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải dẫn đến các bất cập về giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo trong đầu tư các dự án về cấp nước, thoát nước, viễn thông, điện giữa các ngành, đặc biệt là các công trình ngầm dẫn đến tình trạng “đào, lấp” vỉa hè thiếu đồng bộ vừa gây khó khăn cho tiến độ từng dự án riêng biệt, vừa gây khó khăn cho đời sống dân sinh, hiệu quả đầu tư sụt giảm.
|
Đường dong ngõ tổ dân phố 4, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) được đầu tư đồng bộ với mặt rộng 5m. |
Để khắc phục các bất cập nêu trên, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy hoạch đô thị trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng các khu đô thị kiểu mới với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III tại các thị trấn trung tâm huyện tạo động lực phát triển đô thị. Phối hợp với Thành phố Nam Định hoàn thiện quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của các phường, xã. Phối hợp với UBND thành phố chỉ đạo triển khai lập Quy hoạch cấp nước Thành phố Nam Định giai đoạn 2015-2020. Trong tháng 10-2015, Phòng Hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị đã tham gia ý kiến vào báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 2 dự án, thẩm định thiết kế dự toán 13 dự án liên quan đến hạ tầng đô thị, tiết kiệm cho ngân sách hơn 5,7 tỷ đồng. Căn cứ quy hoạch đã phê duyệt, các dự án hạ tầng kỹ thuật được thực hiện với kế hoạch cụ thể và các dự án chỉ được chấp thuận đầu tư nếu phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt hướng tới mục tiêu kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy thay đổi diện mạo đô thị. Các dự án hạ tầng kỹ thuật được phân kỳ đầu tư thực hiện, tránh chồng chéo, kiểm soát đầu tư đô thị hiệu quả hơn. Thời gian tới, tỉnh ta tập trung thực hiện các dự án hạ tầng xã hội như xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư xã Nam Mỹ (Nam Trực) phục vụ giải phóng mặt bằng tuyến đường nối từ QL10 đến QL21 và cầu Tân Phong; khu tái định cư hồ Bà Tràng giai đoạn 2, hạ tầng khu đô thị Dệt may (TP Nam Định), cải tạo, nâng cấp đường du lịch Thịnh Long, nâng cấp đường Nguyễn Du, đường Kênh giai đoạn 1, xây dựng tuyến đường mới từ QL10 đến đầm Bét, đầm Đọ và đường Nguyễn Công Trứ kéo dài kết nối với 2 đầm. Đây là các dự án có hạ tầng kỹ thuật được bảo đảm đồng bộ và tính kết nối khu vực.
Quản lý chặt quá trình nâng cấp đô thị theo quy hoạch, kế hoạch là điều kiện tiên quyết nâng cao chất lượng đô thị theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân đô thị theo hướng hiện đại. Với định hướng trên, thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp ngành, huyện, thành phố khẩn trương xây dựng chương trình phát triển đô thị; các khu vực phát triển đô thị; thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị theo quy định của Nghị định 11, thực hiện các chương trình, dự án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn