Giao Thuỷ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế

07:12, 10/12/2015
Những năm gần đây, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của huyện Giao Thủy đã khẳng định vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như ứng dụng công nghệ trong sinh sản giống nhân tạo và nuôi thương phẩm một số loài thủy, hải sản; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành công việc chuyên môn của các cơ quan chức năng… Để tiếp tục nâng cao chất lượng mọi mặt của đời sống xã hội, UBND huyện đã triển khai nhiều biện pháp khuyến khích đẩy mạnh hoạt động KHCN trên địa bàn.
 
Hội đồng KHCN huyện đã được kiện toàn gồm những cán bộ có năng lực hoạt động khoa học, kinh nghiệm thực tế và tinh thần trách nhiệm cao, được phân công phụ trách theo từng lĩnh vực gắn với nghiệp vụ chuyên môn để phát huy vai trò trong việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học, giám sát các chương trình, dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiến bộ đạt hiệu quả cao nhất. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Luật KHCN, vai trò của KHCN, những cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, huyện và các xã, thị trấn trong việc hỗ trợ các đơn vị, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống. Đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực của các cơ quan, doanh nghiệp và tài trợ nước ngoài để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN trên địa bàn. Do đó số lượng đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng KHCN vào thực tế sản xuất, quản lý điều hành của huyện Giao Thủy luôn đứng đầu khối các huyện, thành phố trong tỉnh. Hiện tại, các tổ chức, cá nhân huyện đang được phân bổ triển khai thực hiện và giám sát 7 dự án ứng dụng KHCN phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có 2 dự án quy mô cấp bộ, 2 dự án quy mô cấp tỉnh và 3 dự án sử dụng nguồn kinh phí KHCN của huyện với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng. Các nhiệm vụ khoa học thực hiện trên địa bàn đã tập trung giải quyết những vấn đề lớn trong sản xuất ở địa phương như phát triển nguồn giống thủy, hải sản phục vụ ngành nuôi trồng; áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi; nuôi trồng thủy, hải sản theo phương pháp công nghiệp; áp dụng công cụ quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến nông, thủy sản và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng… Trong đó, có nhiều dự án tiêu biểu như: “Hoàn thiện dây chuyền sản xuất gạch không nung”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm vịt trời kết hợp với nuôi thả cá nước ngọt tại xã Giao Lạc”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm sò huyết”… Những dự án khoa học này là cơ sở tiếp tục khẳng định quy trình công nghệ sản xuất các loại giống thủy sản như ngao, tôm, cá bống bớp, tu hài và các đối tượng con nuôi mới như sò huyết, cá hồng Mỹ theo phương pháp công nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời giảm tác động gây nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên. Huyện phối hợp với Sở NN và PTNT hỗ trợ các cơ sở chế biến thủy, hải sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề để đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong đó, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nước mắm Giao Châu; các sản phẩm chả cá, chả mực, cá khô của Cty TNHH Chế biến thủy hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải… đã giúp người dân làng nghề tháo gỡ khó khăn về tiếp cận thị trường, duy trì sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, ngăn chặn việc lợi dụng thương hiệu sản phẩm làng nghề để trục lợi ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm chính gốc. 
Chế biến sứa tại Cty TNHH Chế biến thủy, hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải.
Chế biến sứa tại Cty TNHH Chế biến thủy, hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải.
Thời gian tới, nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững trên cả 3 yêu cầu: kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó trọng tâm là chuyển mục tiêu sản xuất từ sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng cao và bền vững; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu… các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã đăng ký thực hiện một số nhiệm vụ khoa học: “Ứng dụng công nghệ sản xuất nhân tạo và nuôi thương phẩm cá hồng Mỹ” do Cty TNHH Minh Phú thực hiện; “Xây dựng nhà máy chế biến ngao xuất khẩu khép kín từ ươm giống, nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ” do Cty TNHH Cửu Dung thực hiện… Đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ mới đã được chứng minh hiệu quả trên địa bàn như: “các mô hình canh tác ứng phó với biến đổi khí hậu; quy trình VietGAP trong trồng cây vụ đông” tại HTXDVNN Giao Hà với tổng diện tích 42ha; “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh”… Hiện tại, các nhiệm vụ khoa học đang được triển khai đúng mục đích và bảo đảm tiến độ kế hoạch, là mô hình điểm để các tổ chức, đơn vị và nhân dân trong huyện tham quan, học tập và áp dụng vào sản xuất. Đối với dự án “Xây dựng nhà máy chế biến ngao xuất khẩu khép kín từ ươm giống, nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ” của Cty TNHH Cửu Dung khi hoàn thành, đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện chế biến sản phẩm ngao theo công nghệ tiên tiến ngay tại vùng nuôi, đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản và các nước EU. Đây là cơ hội tốt cho việc tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành KHCN, huyện thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở KH và CN, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh đối với 4 nhóm hàng hóa là xăng, dầu, mũ bảo hiểm, thiết bị điện, điện tử, đồ chơi trẻ em và việc đảm bảo an toàn bức xạ tại các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh vàng bạc trên địa bàn; kiểm định, hiệu chuẩn các dụng cụ đo sử dụng trong y tế và giao dịch thương mại nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiệu quả quản lý và ứng dụng KHCN đã tạo điều kiện cho phát triển sản xuất và thương mại, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế. 
 
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng, chuyển giao KHCN, thúc đẩy kinh tế phát triển, bên cạnh việc tiếp tục tranh thủ mọi chương trình, nguồn vốn hỗ trợ chuyển giao công nghệ để xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện Giao Thủy tập trung nâng cao kỹ năng tổ chức, quản lý các dự án. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp thu, áp dụng nhanh công nghệ sinh học, công nghệ tế bào trong sản xuất giống và các giải pháp công nghệ tiên tiến trong thâm canh để thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Xây dựng bộ giống cây trồng, con nuôi chủ lực đặc trưng của huyện có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tận dụng tối đa vai trò của công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc của địa phương, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com