Thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Giao Thủy, nhất là các loại giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục lưu hành có xu hướng gia tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng nông phẩm, gây nguy hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường sống.
Năm 2015, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương và của tỉnh trên lĩnh vực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, Hội Nông dân (HND) các cấp trong huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản; đã kiểm tra 370 cơ sở, phát hiện, xử lý một số cơ sở vi phạm quy định của Nhà nước. Bên cạnh công tác kiểm tra, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, HND huyện ký kết liên tịch giữa 5 cơ quan liên quan gồm: HND, Ủy ban MTTQ, Phòng NN và PTNT, Phòng Công thương và Đội Quản lý thị trường về kế hoạch giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020. Theo đó, HND huyện chỉ đạo HND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc tổ chức ký kết liên tịch kế hoạch giám sát này. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia giám sát, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục lưu hành, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Năm 2015, HND huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm vật tư nông nghiệp; khuyến cáo và hướng dẫn hội viên nông dân sử dụng những sản phẩm vật tư nông nghiệp đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng; hướng dẫn cho hội viên nông dân các biện pháp, quy trình kỹ thuật sử dụng vật tư nông nghiệp và vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, HND huyện chỉ đạo HND các xã, thị trấn vận động hội viên nông dân phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, kiến nghị xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp giả, ngoài danh mục lưu hành, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
|
Đoàn cán bộ HND huyện Giao Thủy tham quan Nhà máy sản xuất phân bón Tiến Nông (Thanh Hóa) nhằm phối hợp thực hiện chương trình liên kết tiêu thụ phân bón. |
Qua việc thực hiện chương trình phối hợp giám sát liên ngành đã phát huy vai trò của MTTQ, HND và các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc làm ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó cũng nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như môi trường sống. Trong đó, HND huyện đã tập trung xây dựng mô hình điểm, vận động, hướng dẫn tham gia giám sát, phát hiện, xử lý tình huống đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp…, phát huy tốt vai trò, hoạt động của tổ chức đoàn thể, trong đó HND làm chủ thể nòng cốt trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để người nông dân, cộng đồng đề cao trách nhiệm, tự giác giám sát, phát hiện, không sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, đồng thời thông tin, báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, ngành, phát huy vai trò đoàn thể, MTTQ đã góp phần tích cực trong đấu tranh ngăn chặn, hạn chế nạn sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, trái pháp luật. Đồng chí Hoàng Công Trịnh, Chủ tịch HND huyện cho biết, việc 5 ngành thống nhất và đi đến ký kết thực hiện Chương trình phối hợp của Trung ương với mục tiêu nâng cao năng lực giám sát cho đội ngũ cán bộ Hội, chăm lo, quan tâm nhiều hơn đến đời sống của người nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp phải sử dụng đến các vật tư nông nghiệp được bảo đảm chất lượng, góp phần tham gia tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua ký kết liên ngành đã đề ra 4 nội dung và 5 cơ chế phối hợp và được phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo, công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc liên ngành và đề nghị Ban chỉ đạo trong thời gian tới cần xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để tiến đến xây dựng các mô hình điểm, tổ chức tập huấn tuyên truyền cho nhân dân, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, định kỳ hằng năm tổ giúp việc tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động cho những năm tiếp theo; nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần tham gia xây dựng NTM, nhất là thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi địa bàn huyện./.
Bài và ảnh:
Hoàng Tuấn