Giải pháp phát triển bền vững sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Xuân Tiến

09:12, 28/12/2015
Xuân Tiến (Xuân Trường) là “xã nghề” phát triển từ lâu với nhiều ngành nghề như cơ khí; đúc đồng; chế tác bạc mỹ nghệ; gỗ mỹ nghệ; chế biến lương thực, thực phẩm… Trong đó, cơ khí là nghề truyền thống, có khoảng 30 doanh nghiệp và hơn 300 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động trong và ngoài xã. Gần 30 năm trở lại đây, nghề cơ khí truyền thống phát triển mạnh, nhiều hộ, cơ sở sản xuất đã phát triển quy mô thành lập doanh nghiệp tổ chức sản xuất lớn, đầu tư thiết bị, công nghệ đồng bộ và tạo việc làm thường xuyên cho từ vài chục, thậm chí hàng trăm lao động, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, từ năm 2001, xã Xuân Tiến đã hoàn thành xây dựng CCN, tạo mặt bằng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô. Đến nay, CCN Xuân Tiến đã được lấp đầy với 23 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cơ khí chế tạo máy như: máy tuốt lúa, máy ép gạch thủy lực, máy trộn đảo bê tông liên hoàn… Do diện tích mặt bằng CCN tập trung mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nên làng nghề cơ khí Xuân Tiến hiện vẫn còn hơn 300 cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, tận dụng diện tích nhà ở làm xưởng. Nghề chế biến lương thực, thực phẩm phát triển mạnh ở xóm 6, 7 với các sản phẩm chính là bún khô, bánh đa gạo, miến dong... Theo ước tính của UBND xã, mỗi ngày, gần 100 hộ sản xuất trong làng nghề tiêu thụ từ 10-13 tấn gạo, bột dong với tỷ lệ 1 tấn gạo sản xuất được 0,85-0,9 tấn bánh đa, bún khô; 1 tấn bột dong sản xuất được 0,6-0,65 tấn miến. Hiện nay, làng nghề có 2 cơ sở sản xuất miến dong quy mô lớn thu hút từ 5-7 lao động của các ông: Mai Văn Tuyến, Nguyễn Văn Thinh ở xóm 7. Nghề sản xuất các sản phẩm bún, bánh đa gạo của các xóm 6, 7 đã tạo việc làm cho trên 500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 80-120 nghìn đồng/người/ngày, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm khoảng 130-150 tỷ đồng. Các nghề khác như: đúc chuông, chế tác đồ gỗ mỹ nghệ… vẫn được duy trì quy mô sản xuất góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Xuân Tiến. 
Sản xuất máy ép gạch thủy lực ở Cty TNHH Thanh Bằng, xã Xuân Tiến.
Sản xuất máy ép gạch thủy lực ở Cty TNHH Thanh Bằng, xã Xuân Tiến.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, để phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở Xuân Tiến bền vững vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết là tình trạng ô nhiễm môi trường (không khí, nước thải, tiếng ồn). Toàn xã có gần 300 cơ sở sản xuất, hộ cá thể tận dụng diện tích sân vườn, khu nhà ở làm xưởng sản xuất các nghề cơ khí. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và ở lẫn trong khu dân cư, diện tích chật hẹp nên tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại ảnh hưởng đến môi trường sống của cả làng. Do chật hẹp, không chú trọng công tác vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động nên trong các xưởng sản xuất còn để nguyên vật liệu, sản phẩm bừa bãi, lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong lúc làm việc. Kết quả kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, nồng độ các loại hóa chất độc hại trong nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn trên địa bàn đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là những người trực tiếp sản xuất. Các cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện được việc thu gom chất thải rắn đưa đi chôn lấp; các khâu sản xuất gây tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại chưa được bố trí khu riêng và trang bị hệ thống chống ồn, giảm bụi. Ngoài ra do có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng loại mặt hàng nên có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh ngay trong làng nghề về mẫu mã sản phẩm, thị trường, giá bán các sản phẩm cơ khí, nhất là ở các sản phẩm máy tuốt lúa, máy trộn đảo bê tông… Các làng nghề chế biến miến dong, bún, bánh đa, nguyên liệu bột dong phải nhập từ các tỉnh miền núi phía Bắc (như Sơn La, Yên Bái…). Tuy vậy, củ dong lại có mùa (từ tháng 8 âm lịch đến Tết Nguyên đán) nên để có đủ nguyên liệu sản xuất quanh năm, các hộ sản xuất phải dự trữ hàng chục, thậm chí vài chục tấn bột dong nhưng lại chưa đầu tư đầy đủ cho công tác bảo quản. Với thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều của miền Bắc phương pháp bảo quản thủ công nên dễ dẫn đến nguyên liệu bị hư hỏng, kém chất lượng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hầu hết sản phẩm của các làng nghề đều do tư thương về tận cơ sở, hộ sản xuất để thu mua. Do phương thức bán hàng đơn giản, phụ thuộc vào người mua nên người sản xuất vẫn bị ép giá, tính ra mỗi kg bánh đa, người làm nghề chỉ có lãi từ 1.200-1.500 đồng; miến dong thì khoảng 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân của tình trạng này là bản thân người sản xuất chưa ý thức đầy đủ về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chỉ quan tâm đầu tư phát triển quy mô sản xuất. Hộ anh Đinh Văn Vĩnh, xóm 7, mỗi ngày sử dụng khoảng 150kg gạo nguyên liệu để sản xuất ra khoảng 135-140kg bánh đa, bún khô. Sản phẩm được đóng gói thành từng bó 1kg nhập cho tư thương, không có bao bì, nhãn mác hàng hóa. Phương thức bán hàng thủ công đã gây thiệt thòi cho chính người sản xuất, với người tiêu dùng thì băn khoăn về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. 
 
Để sản xuất CN-TTCN ở Xuân Tiến phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần có các biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng cường hợp tác, chống cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ làng nghề. Chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực hơn, đề xuất, phối hợp với ngành chức năng và thực hiện xã hội hóa để đầu tư khu xử lý phế thải công nghiệp, tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung ra ngoài khu dân cư./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com