Từ khi các tuyến giao thông huyết mạch chạy qua địa bàn là Quốc lộ 21B và tỉnh lộ 481B được đầu tư nâng cấp mở rộng, xã Hải Vân (Hải Hậu) càng có thêm lợi thế phát triển kinh tế. Ngoài sản xuất nông nghiệp, các nghề mộc truyền thống và một số nghề phụ như: xây dựng, cơ khí… phát triển nhanh chóng những năm qua.
|
Sản xuất các sản phẩm cơ khí đúc tại Cty TNHH Công Chính, xóm 7, xã Hải Vân. |
Năm 2010, bình quân thu nhập đầu người của xã mới đạt 10,5 triệu đồng/năm; tổng thu nhập kinh tế toàn xã trên 60 tỷ đồng; hơn 90% số lao động trong độ tuổi chỉ sản xuất nông nghiệp tại địa phương nên thời gian nông nhàn rất nhiều trong khi người dân thu nhập thấp. Nghề mộc truyền thống và một số nghề phụ quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm không cao. Thời điểm nông nhàn, hàng trăm lao động của xã phải “ly hương” đi làm ăn xa với đủ mọi ngành nghề. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã Hải Vân đã thống nhất chủ trương: tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn bền vững bằng cách phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và nhân cấy, phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn để tăng thu nhập cho nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu trên, cùng với việc hoàn thành sớm công tác DĐĐT để quy hoạch lại ruộng đồng, phát triển sản xuất nông nghiệp; nhanh chóng hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 để giải quyết vấn đề mặt bằng cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp; khôi phục và phát triển nghề mộc truyền thống ở xóm Kim Thành theo các tiêu chí làng nghề do Bộ NN và PTNT quy định... Bên cạnh đó, xã còn chủ trương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính; kết nối với các tổ chức tín dụng giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện vay vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh… Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Mỗi năm, xã tranh thủ các nguồn kinh phí được hỗ trợ như: khuyến công, Đề án 1956 để phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức từ 4-5 lớp đào tạo nghề cho hàng trăm lao động trẻ. Với những biện pháp đồng bộ nêu trên, cùng với “cú hích” quan trọng là các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B và tỉnh lộ 481B hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển mạnh các ngành nghề như: chế biến gỗ, cơ khí, may công nghiệp… Chỉ trong vài năm toàn xã đã có trên 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị các loại máy móc hiện đại để chế biến gỗ và sản xuất các loại sản phẩm mộc mỹ nghệ, gia dụng, phục dựng nhà cổ… Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn xã không chỉ cung ứng nguyên liệu cho làng nghề Kim Thành của xã mà còn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất cho nhiều làng nghề mộc trong huyện như: Bình Minh (Hải Minh); Phạm Rỵ (Hải Trung), Tam Tùng Đông (Hải Đường)... Cùng với đó, nghề mộc truyền thống ở làng Kim Thành có lịch sử phát triển gần 100 năm đã có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, trong tổng số 350 hộ làm nghề mộc toàn xã thì riêng làng Kim Thành có gần 150 hộ với khoảng 400 thợ chính, hàng trăm thợ phụ, học nghề. Ngoài ra làng có 10 xưởng mộc quy mô trên 10 lao động mỗi xưởng. Các cơ sở sản xuất ở làng nghề đi vào chuyên sâu từng loại mặt hàng nên đã tạo được “thương hiệu” riêng như cơ sở Đức Cường, Hùng Dũng chuyên xẻ gỗ để cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất; cơ sở chuyên sản xuất các loại đồ thờ như xưởng của ông Ngô Văn Khánh (xóm 18), có hộ chuyên hàng nội thất giả cổ; hộ chuyên đóng các loại giường như hộ anh Lương Văn Ảnh (xóm 17)... Mỗi tháng cơ sở của anh Ảnh tiêu thụ từ 3-5m
3 gỗ nguyên liệu, sản xuất từ 30-35 sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất của anh Ngô Nhật Thành (xóm 17) đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 3 máy cắt tự động CNC-3D (loại 4, 6, 10 mũi của Đài Loan) để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động. Không chỉ phát triển mạnh nghề mộc, những năm gần đây, xã Hải Vân còn nhân cấy, phát triển thành công một số nghề mới như: cơ khí đúc; may công nghiệp; xây dựng dân dụng. Toàn xã hiện có 5 doanh nghiệp, cơ sở chuyên đúc kim loại màu (đồng, nhôm) với các loại sản phẩm chính là đồ thờ, đồ lưu niệm…; nội thất xây dựng (hàng rào, lan can cầu thang…) và hàng chục hộ sản xuất cơ khí tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Để phát triển sản xuất, ông Mai Công Chính, Giám đốc Cty TNHH Công Chính (xóm 7) đã đầu tư lò đúc nhôm điện trị giá trên 200 triệu đồng chuyên đúc các loại hàng rào, lan can, tay vịn cầu thang… mạ đồng. Cty của ông hiện có 30 lao động thường xuyên, thợ chính có thu nhập từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày; thợ phụ có thu nhập từ 100 nghìn đồng/người/ngày… Hiện tại, sản phẩm của Cty không chỉ đáp ứng nhu cầu trong huyện, trong tỉnh mà còn được xuất đi các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…
Từ một xã thuần nông chậm phát triển của huyện, đến nay, cơ cấu kinh tế của xã Hải Vân đã có sự chuyển dịch tích cực, bền vững. Toàn xã có trên 1.500 lao động thường xuyên tham gia sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 ước đạt xấp xỉ 12%; tổng thu nhập toàn xã đã được nâng lên 315 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người ước đạt 31,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,28%...
Bài và ảnh:
Thành Trung