Là một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, ngành công nghiệp cơ khí với 3 lĩnh vực chủ yếu: cơ khí chế tạo, cơ khí - đúc và sản xuất các loại linh kiện, chi tiết thiết bị… đạt tốc độ tăng trưởng 18,4%/năm. Để đạt được kết quả đó, không chỉ các doanh nghiệp mà các cơ sở, hộ sản xuất trong những làng nghề truyền thống Tống Xá, Vạn Điểm (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường); Vân Chàng, Đồng Côi, Bình Yên (Nam Trực); Quang Trung (Vụ Bản)… đã chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến đầu tư nghiên cứu đa dạng cơ cấu sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trước đây, mỗi làng nghề cơ khí truyền thống của tỉnh ta thường được “định danh” với một dòng sản phẩm chuyên biệt như: Xuân Kiên, Xuân Tiến chuyên sản xuất máy nông nghiệp; Bình Yên chuyên sản xuất đồ dùng sinh hoạt từ nhôm; Đồng Côi, Vân Chàng chuyên sản xuất phụ tùng, chi tiết máy; Tống Xá chuyên đúc các chi tiết máy công nghiệp nặng từ kim loại màu; Quang Trung chỉ rèn nông cụ. Trong một thời gian dài, các dòng sản phẩm cơ khí chủ lực này đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn của các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của thị trường về các dòng sản phẩm cơ khí ngày càng đa dạng, nếu chỉ sản xuất một vài sản phẩm chủ lực thì không phát huy được thế mạnh về nguồn lao động, kinh nghiệm và tài hoa sáng tạo của nghề truyền thống. Trước tình hình đó, với mục tiêu lấy các làng nghề cơ khí làm “hạt nhân” để phát triển ngành công nghiệp cơ khí xứng đáng là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: quy hoạch mặt bằng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ (về nguồn vốn ưu đãi, công nghệ, mặt bằng, đào tạo nghề, kinh phí quảng bá, xây dựng thương hiệu) để thúc đẩy phát triển sản xuất. Cùng với quyết tâm, nỗ lực của tỉnh, huyện và các ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề cơ khí đã năng động phát triển thêm các loại sản phẩm mới để duy trì và phát triển nghề truyền thống. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề truyền thống đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng trang bị máy móc hiện đại, công nghệ sản xuất tiến tiến để nghiên cứu, sản xuất đa dạng các loại sản phẩm phục vụ các lĩnh vực. Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhất là giai đoạn 2011-2015, đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề cơ khí truyền thống trên địa bàn tỉnh; góp phần hình thành các “trung tâm” sản xuất cơ khí như: huyện Xuân Trường chuyên các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…; huyện Nam Trực từ nền tảng thế mạnh chuyên sản xuất các chi tiết, phụ tùng đã phát triển thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ thi công xây dựng, giao thông, sản xuất thép nguyên liệu, thiết bị nội thất xây dựng…; các làng nghề đúc của huyện Ý Yên phát triển mạnh dòng sản phẩm đúc mỹ nghệ (tượng, tranh, đồ thờ… Từ dòng sản phẩm chủ lực đầu tiên là máy tuốt lúa, đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề cơ khí truyền thống của huyện Xuân Trường đã sản xuất được gần 100 chủng loại máy móc chuyên biệt như: máy bóc lạc, máy tẽ ngô cả áo, máy tuốt lúa; máy gia công các sản phẩm đồ gỗ, động cơ điện, máy phát điện, máy ép gạch không nung… Nhiều cơ sở, hộ sản xuất nhỏ lẻ đã mạnh dạn đầu tư phát triển quy mô sản xuất trong các CCN tập trung. Hiện nay, CCN Xuân Tiến đã thu hút trên 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên ngành cơ khí chế tạo máy; điểm công nghiệp tập trung của xã Xuân Kiên có 3 doanh nghiệp… tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho trên 1.000 lao động tập trung. Nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo trên địa bàn huyện Xuân Trường đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường như Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc với các dòng sản phẩm chủ lực: 25 loại máy chế biến gỗ (máy phay 3 động cơ, máy phay mộng 4, 5, 6 động cơ, máy xẻ, máy cuốn gỗ). Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt với năng lực sản xuất 3.000 sản phẩm máy tuốt lúa mỗi năm đã được cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam 6544-1999, không chỉ được thị trường nội địa tín nhiệm, tiêu thụ tốt mà đã được xuất khẩu sang một số nước ASEAN; Cty TNHH Toản Chung đã thành công trong việc chế tạo máy thái thuốc lá, máy bóc lạc, máy tẽ ngô cả áo… Cty Thanh Bằng với sản phẩm máy đùn gạch… Hiện nay, làng nghề cơ khí Xuân Tiến đã có một số doanh nghiệp, cơ sở như Cty TNHH một thành viên An Thuận Phát, cơ sở cơ khí Hải Liên nghiên cứu và chế tạo thành công dây chuyền sản xuất viên nén mùn cưa với giá thành thấp hơn nhiều so với dây chuyền nhập khẩu mà hiệu quả tương đương. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí ở huyện Ý Yên ngoài việc đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị đã chủ động liên kết với các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ lò đúc thủ công sử dụng than sang lò đúc điện, lò đúc chân không, sử dụng máy phân tích quang phổ, máy đo độ cứng, máy kiểm tra khuyết tật bề mặt, máy bắn bi làm sạch, đánh bóng sản phẩm để kiểm tra chất lượng, hoàn thiện sản phẩm thay cho các biện pháp kinh nghiệm thủ công trước đây… Nhờ đó, các doanh nghiệp cơ khí đúc huyện Ý Yên đã sản xuất thành công các sản phẩm mới, có độ chính xác cao đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu như bạc, trục, chân vịt trong ngành công nghiệp tàu thuỷ, giàn khoan dầu khí… Các doanh nghiệp chuyên đúc hàng thủ công mỹ nghệ đã đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ như hệ thống thiết bị làm khuôn, nấu luyện hợp kim và đúc chân không hợp kim đồng; hệ thống thiết bị mạ trang trí đồng, niken, vàng, bạc đồng bộ; bộ thiết bị và công nghệ mạ chọn lọc nhiều màu… đã cho ra đời các sản phẩm có độ chính xác cao cả về kỹ thuật và màu sắc của sản phẩm; đồng thời giải quyết cơ bản được tình trạng ô nhiễm môi trường do công nghệ nấu luyện cũ, lạc hậu trước đây. Từ chỗ chỉ sản xuất được các vật dụng sinh hoạt thông thường (mâm, nồi, xoong, chậu) và đồ thờ, làng nghề cơ khí truyền thống Vạn Điểm (Thị trấn Lâm) đã sản xuất được đa dạng các loại tượng đồng, các mặt hàng đúc mỹ nghệ phục vụ thị trường hàng lưu niệm và cơ sở tôn giáo với 29 doanh nghiệp và khoảng 300 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình tham gia. Tại các làng nghề Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực) các nhà sản xuất đã đầu tư phát triển thêm các sản phẩm: kết cấu thép phi tiêu chuẩn; thép nguyên liệu; sản phẩm cơ khí đúc chính xác phục vụ các ngành xây dựng, đường sắt, viễn thông… Làng nghề Bình Yên chuyên sản xuất đồ gia dụng như nồi, xoong, ấm, chảo đã đầu tư máy cán nhôm, máy định hình khuôn, khay, máy mài, máy đánh bóng và máy thổi nguyên liệu… để sản xuất chi tiết máy, phụ tùng thay thế các loại máy móc công nghiệp.
Năng lực phát triển đa dạng sản phẩm của các làng nghề cơ khí truyền thống tỉnh ta đã giúp khẳng định vị thế, định vị vững chắc thương hiệu trên thị trường, góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định cho các làng nghề và ngành công nghiệp cơ khí của tỉnh./.
Thành Trung