Hội Nông dân (HND) xã Yên Minh (Ý Yên) có 1.039 hội viên, sinh hoạt 8 chi hội, chiếm 92,2% so với hộ nông nghiệp. Là xã thuần nông, ngành nghề phụ kém phát triển, tận dụng lợi thế về đồng đất của địa phương, Yên Minh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
|
Mô hình nuôi chim trĩ của gia đình anh Bùi Văn Hoán, thôn Giáp Nhất, xã Yên Minh cho thu nhập 120-150 triệu đồng/năm. |
Đồng chí Nguyễn Thị Hoan, Chủ tịch HND xã Yên Minh cho biết, phong trào phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở Yên Minh mới phát triển khoảng gần 10 năm trở lại đây. Đến nay, xã Yên Minh có 25 trang trại chăn nuôi với các loại vật nuôi là lợn, gà, cá, chim bồ câu... Các mô hình kinh tế trang trại tại Yên Minh đều được xây dựng bài bản, bảo đảm yếu tố môi trường. Riêng lĩnh vực chăn nuôi đã xuất hiện các trang trại nuôi gà, nuôi lợn theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Các trang trại đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cũng theo đồng chí Chủ tịch HND xã, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế trang trại, Yên Minh đã hỗ trợ tối đa các mặt về thủ tục cấp phép, tạo điều kiện về mặt bằng, hỗ trợ nguồn vốn vay. Nhờ đó nhiều hộ gia đình đã trở nên khấm khá nhờ phát triển mô hình trang trại… Điển hình như mô hình nuôi chim trĩ của anh Bùi Văn Hoán, thôn Giáp Nhất với tổng đàn trên 400 con. Trước đây, gia đình anh chủ yếu làm nông nghiệp với diện tích canh tác trên 4 mẫu ruộng, chuyên cấy lúa Bắc thơm số 7. Năm 2013, nhân một chuyến đi thăm mô hình tại Hà Nội, anh được tư vấn, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi chim trĩ tại Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội). Anh Hoán cho biết, để phát triển mô hình nuôi chim trĩ, anh đã bàn với gia đình vay Ngân hàng NN và PTNT và vay mượn thêm vốn của anh em, bạn bè được 150 triệu đồng đầu tư mua 100 con chim bố mẹ với giá 700 nghìn đồng/con. Sau thời gian nuôi 4 tháng, con cái có trọng lượng khoảng 1-1,2kg/con; con đực 1,2-1,5kg/con là có thể xuất chuồng và bắt đầu có giống chim con để bán. Qua các kênh thông tin, nhiều hộ chăn nuôi ở Phú Thọ, Lào Cai đã về thăm mô hình, học tập kinh nghiệm của anh. Theo anh Hoán, cứ một năm anh xuất bán 3 lứa. Năm 2015, gia đình anh đã xuất bán lần thứ 3 với mỗi đợt từ 100-150 con, trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập 120-150 triệu đồng. Chim trĩ là loại chim có thịt thơm, ngon… dễ chế biến, kháng bệnh tốt. Thức ăn cho chim trĩ có thể dùng cám ngô, cám gạo kết hợp cho ăn bèo tây băm nhỏ hoặc các loại rau, thân cây chuối, tép tươi. Giống chim trĩ bay không cao nhưng nhanh nên chuồng trại phải bưng kín bằng lưới, trên dùng mái che. Một điển hình nữa trong phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại của xã Yên Minh là mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn giống của anh Trần Đức Nhuận, thôn Ba Thượng. Để xây dựng được mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại, năm 2006, gia đình anh nhận chuyển đổi ra vùng ruộng trũng, nhiều thùng đào, ao đấu. Theo anh Nhuận, đây là diện tích đất canh tác 1 vụ lúa nhưng năng suất kém, xã đã quy hoạch cho 10 hộ dân đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp đào ao, thả cá. Hằng năm, trang trại của gia đình anh Nhuận xuất bán 2-3 lứa lợn thịt với tổng sản lượng 12-13 tấn lợn thịt và khoảng 2-3 tấn cá truyền thống. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi gà ta thả vườn, trồng cây ăn quả cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trong quá trình phát triển, nhiều hộ nông dân đã xây dựng mô hình sản xuất lúa 1 vụ kết hợp nuôi cá truyền thống. Điển hình như hộ gia đình ông Phạm Văn Biên, chi hội 7 thôn Nội Hoàng với mô hình thâm canh lúa kết hợp nuôi cá truyền thống nhằm tăng năng suất trên ruộng trũng trên diện tích 4.000m2. Với sự kết hợp hài hòa giữa gieo cấy lúa và nuôi cá, hằng năm, năng suất lúa bình quân đạt 1,8-2 tạ/sào, thu hoạch cá đạt 2-3 tạ/vụ, tăng gấp 1,5 đến gần 2 lần so với cấy lúa truyền thống. Còn đối với anh Nguyễn Xuân Thành, một trong những chủ trang trại tiêu biểu của xã Yên Minh thì nguồn thu hàng trăm triệu đồng của gia trại chủ yếu từ nuôi chim bồ câu. Hiện tại gia đình anh tập trung nuôi chim bồ câu với tổng đàn khoảng 500 con. Chỉ trong năm 2013, xã Yên Minh đã hình thành thêm 10 trang trại, nhiều trang trại có diện tích trên 1ha trở lên. Kinh tế trang trại, gia trại ở Yên Minh phát triển đã góp phần quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế, đồng thời thúc đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM ở địa phương.
Theo các chủ trang trại, gia trại của xã Yên Minh, để có được thu nhập cao, trước hết chủ trang trại phải là người năng động, có kiến thức, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, vai trò giúp đỡ của HND xã và các tổ chức đoàn thể cũng khá quan trọng như kết hợp với ngành Nông nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đứng ra tín chấp và nhận ủy thác từ Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH để hỗ trợ hội viên vay qua các dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm, vốn vay lãi ưu đãi. Đến nay, qua kênh tổ chức HND xã đã có 420 hộ được vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT với số vốn 16,974 tỷ đồng; 223 hộ vay từ Ngân hàng CSXH với số vốn 4,3 tỷ đồng. Hiệu quả của kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn xã đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê thuần nông. Nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu và đã xuất hiện không ít những triệu phú, tỷ phú nông dân xuất phát từ làm kinh tế trang trại, gia trại. Trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, toàn xã có 600 hộ đạt; trong đó có 24 hộ đạt cấp tỉnh, 161 hộ đạt cấp huyện với mức thu nhập từ 150-200 triệu đồng trở lên./.
Bài và ảnh:
Hoàng Tuấn