Ý Yên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại

03:11, 21/11/2015
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Ý Yên đang phát triển mạnh chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ; khảo nghiệm, lựa chọn đưa các giống vật nuôi mới có năng suất và chất lượng thịt cao vào sản xuất, tích cực ứng dụng và chuyển giao công nghệ chăn nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn.
 
Toàn huyện hiện có 35 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT và 2.500 gia trại chăn nuôi. Tổng đàn lợn luôn được duy trì trên 147 nghìn con, đàn gia cầm 907 nghìn con và đàn trâu, bò trên 14 nghìn con. Đồng chí Trịnh Văn Mậu, Trường Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng định hướng phát triển kinh tế trang trại, gia trại trong quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM. Sau dồn điền đổi thửa, các xã, thị trấn đã quy hoạch đất công gọn vùng, gọn thửa; tạo điều kiện tích tụ ruộng đất cho các cá nhân có nhu cầu thuê phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Bên cạnh đó, huyện có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận các nguồn vốn vay để xây dựng và phát triển trang trại. Việc phát triển cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại được huyện thực hiện theo phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, tạo ra thực phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng. Các trang trại, gia trại đã chấp hành tốt các quy định về an toàn dịch bệnh như: thực hiện nghiêm lịch tiêm vắc-xin và vệ sinh thú y, phòng dịch nên 5 năm qua không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong các trang trại, gia trại trên địa bàn. Ở các xã Yên Lợi, Yên Tân, Yên Thành, Yên Khánh, Yên Thắng phong trào chăn nuôi trang trại, gia trại đang phát triển sôi động. Nhiều trang trại có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm như: trang trại nuôi khép kín 100 con lợn nái ngoại của ông Hoàng Văn Tám (Yên Khánh); trang trại của ông Hoàng Văn Hải (Yên Thành) quy mô 2ha nuôi 50 con lợn nái ngoại kết hợp với nuôi vịt, gà và thả cá; trang trại của ông Nguyễn Văn Cần (Yên Thọ) quy mô 100 con lợn nái ngoại và 10 con lợn đực giống ngoại lấy tinh nhân tạo; trang trại nuôi 500 con lợn thịt của các ông Nguyễn Văn Tiệp, ông Nguyễn Văn Lợi (Yên Thắng)… Tại các khu vực chuyển đổi tập trung ở xã Yên Phương đã hình thành hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân. Được xã tạo điều kiện cho chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại, anh Phạm Văn Dục ở thôn Phù Cầu đã đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng nuôi gà siêu trứng. Toàn bộ đàn gà của trang trại đều là giống gà Ai Cập, tỷ lệ đẻ trứng bình quân đạt 60%. Đến nay, gia đình anh đã phát triển được gần 5.000 con, trong đó có 3.000 con gà đẻ, còn lại là gà hậu bị. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà, anh luôn thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh Gum-bô-rô, Niu-cát-xơn, bệnh cúm gia cầm… và xét nghiệm kiểm tra sức khỏe con giống trước khi cho nhập chuồng. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bên trong và ngoài chuồng trại được thực hiện định kỳ. Ngoài ra, gà còn được bổ sung thức ăn đủ chất như: vitamin C, Glueco… đảm bảo đúng quy trình và hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn để tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng cũng như năng suất đẻ trứng. Trung bình mỗi ngày gia đình anh xuất bán từ 1.800-2.000 quả trứng, cho thu lãi 1,8-2,1 triệu đồng/ngày. Những năm qua, xã Yên Lợi luôn tạo điều kiện, khuyến khích các hộ nông dân đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Người dân trong xã đã mạnh dạn áp dụng KHKT, mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Hiện nay, trên địa bàn xã hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm đem lại nguồn thu nhập cao. Trang trại của ông Nguyễn Việt Hùng, thôn Phương Xá, được xây dựng quy củ với 5 dãy chuồng nuôi riêng biệt lợn nái, lợn giống và lợn thương phẩm. Đàn lợn của gia đình hiện lên tới 50 con nái và 300 lợn thịt, bình quân mỗi năm, trang trại của ông xuất bán ra thị trường từ 30-40 tấn lợn hơi và hàng trăm con lợn giống; thu từ 500-600 triệu đồng; mô hình đã thu hút được nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã tham quan, học tập.
Trang trại gà siêu trứng của anh Phạm Văn Dục, thôn Phù Cầu, xã Yên Phương mỗi ngày cho thu lãi từ 1,8-2,1 triệu đồng.
Trang trại gà siêu trứng của anh Phạm Văn Dục, thôn Phù Cầu, xã Yên Phương mỗi ngày cho thu lãi từ 1,8-2,1 triệu đồng.
Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại ở Ý Yên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và góp phần đổi mới tư duy, thói quen trong chăn nuôi của nông dân. Các trang trại, gia trại luôn đi đầu trong việc áp dụng KHKT, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng các loại sản phẩm chăn nuôi an toàn, có giá trị cao. Đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng về con người, đất đai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện. Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế trang trại, gia trại của Ý Yên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Việc điều tra, đánh giá, xếp loại cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi còn gặp rất nhiều khó khăn. Mối liên kết giữa các trang trại; giữa trang trại với các nhà cung cấp thức ăn và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm chậm phát triển. Một số gia trại và trang trại chăn nuôi xuất phát từ cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư nên hệ thống chuồng trại chưa đảm bảo, chất thải chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đất xây dựng của nhiều trang trại là diện tích đấu thầu quỹ đất công ích của xã, thời gian hợp đồng giới hạn theo nhiệm kỳ 5 năm nên các chủ trang trại chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng do còn băn khoăn về tính ổn định, lâu dài. Các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại của địa phương chưa đồng bộ, đủ mạnh nên thiếu sức thuyết phục khích lệ.
 
Để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế nông nghiệp, thời gian tới, huyện Ý Yên tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt việc phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, xa khu dân cư. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đặc biệt là về giống, thức ăn chăn nuôi, phương thức nuôi... Mở rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại, gia trại; về vai trò của ngành chăn nuôi; công tác phòng, chống dịch bệnh, phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thông tin thị trường... Xây dựng các khu giết mổ tập trung để quản lý ngăn chặn dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người chăn nuôi trong huyện cũng cần chủ động, thay đổi nhận thức, quan điểm về kinh tế chăn nuôi để tìm ra mô hình, phương thức nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và năng lực của bản thân./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com