Nằm liền kề xã Kim Thái trong vùng quần thể di tích Phủ Dầy, có các chợ quy mô cấp vùng gồm chợ Dần, chợ Viềng Xuân cùng tuyến Quốc lộ 37B chạy qua, xã Trung Thành (Vụ Bản) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại dịch vụ. Trong định hướng và triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phát triển nông thôn UBND xã đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư hạ tầng thương mại, hỗ trợ phát triển ngành nghề và khuyến khích nhân dân mở rộng đầu tư các loại hình thương mại, dịch vụ.
|
Dịch vụ cung ứng tôn, vật liệu xây dựng tại Cty TNHH một thành viên Dụng Lan, xã Trung Thành. |
Đồng chí Hoàng Văn Điền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với quan điểm phát triển thương mại dịch vụ tạo đà cho kinh tế phát triển nên khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã đặc biệt chú trọng quy hoạch lại vùng sản xuất, dành quỹ đất phát triển CN-TTCN, thương mại dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp được quy hoạch thành 4 vùng chuyên canh gồm: vùng cấy lúa cao sản rộng 62,5ha; vùng trồng rau màu có diện tích 48,9ha; vùng phát triển trang trại, gia trại gần 40ha và vùng trồng hoa, cây cảnh 3,5ha. Vùng sản xuất CN-TTCN quy hoạch trên 20ha bảo đảm mặt bằng thu hút các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Khu vực thương mại dịch vụ tập trung dọc tuyến Quốc lộ 37B và khu giáp ranh xã Kim Thái với đầy đủ các loại hình dịch vụ thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân và khách du lịch, như: dịch vụ vận tải, dịch vụ cung ứng hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp và nguyên, vật liệu sản xuất. Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất, xã tranh thủ các dự án đầu tư hơn 18 tỷ đồng cải tạo hệ thống giao thông xã; gần 15 tỷ đồng cho giao thông thôn, xóm; trên 15 tỷ đồng cho cải tạo hệ thống thủy lợi; gần 8 tỷ đồng cải tạo hệ thống giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho nông dân đi lại và vận chuyển nông sản. Đồng thời chủ động triển khai các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích người dân phát triển các nghề thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Trong đó đã huy động được khoảng 5,8 tỷ đồng để hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh như: hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhân cấy nghề mới, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy thế mạnh trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh 3 vụ màu/năm. Đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn như vùng trồng lạc, khoai tây, vùng trồng cây vụ đông xuất khẩu… cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Xã quan tâm làm tốt công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nghề, nhân cấy nghề cũng như nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp và tiếp cận thị trường cho người dân. Chủ động thực hiện hiệu quả một số chính sách ưu đãi, khuyến khích các đơn vị, cá nhân mở rộng kinh doanh dịch vụ tại khu vực ven Quốc lộ 37B, chợ Dần và phát triển sản xuất tại CCN. Đến nay, xã tiếp tục duy trì ổn định nghề rèn truyền thống và phát triển một số nghề mới như may mặc, sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, đan móc hộp sợi xuất khẩu, sản xuất da giày tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân lúc nông nhàn. Xã đã chỉ đạo khuyến khích các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tổ chức tốt khâu cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và thu gom, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đến nay trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp sản xuất tại CCN tập trung và trên 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức dịch vụ thu gom nông sản, tiêu thụ sản phẩm ngành nghề thủ công nghiệp... Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong xã không ngừng đổi mới thiết bị, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong tổng số 27 cơ sở sản xuất cơ khí gò hàn, đã có 14 cơ sở có sản phẩm xuất khẩu hoặc gia công chi tiết máy cho các tập đoàn sản xuất lớn. Gần 200 cơ sở may mặc có thể thực hiện những đơn hàng kỹ thuật cao cấp như các loại quần áo thể thao, giắc-két xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ và Hàn Quốc.
Phát triển thương mại dịch vụ không chỉ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, cơ cấu lao động theo hướng tích cực, mà còn tạo thêm việc làm cho trên 3.500 lao động địa phương. Đến nay, 100% dân số trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, trong đó khoảng 70% lao động đã qua đào tạo nghề. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,85%... Tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, xã Trung Thành đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo, nâng cấp chợ Dần với quy mô một trung tâm thương mại rộng 700m
2 sàn, xây 3 tầng kiên cố, để tạo điều kiện cho các hộ mở rộng quy mô kinh doanh dịch vụ. Xã phấn đấu từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm trên 12%; giá trị thu nhập từ CN-TTCN, dịch vụ chiếm 75% tổng giá trị sản xuất./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương