Thanh long ruột đỏ hiện nay đang được nhiều nông dân trong tỉnh trồng do năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Thanh long ruột đỏ quả to, màu sắc đẹp, có hương thơm đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Nếu có đầu ra ổn định thì tính về hiệu quả kinh tế, khó có cây trồng nào qua nổi cây thanh long ruột đỏ” - ông Phạm Văn Giang ở xóm 9, xã Hải Đường (Hải Hậu) khẳng định như vậy sau gần chục năm gắn bó với loại cây này. Ông Giang là một trong những hộ đầu tiên ở Nam Định trồng cây thanh long theo quy mô lớn. Ấp ủ làm giàu từ cây thanh long bấy lâu, năm 2006, ông cất công vào tận tỉnh Bình Thuận để tham quan, học hỏi những mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao. Qua tìm hiểu, ông được biết giống thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) có năng suất và chất lượng cao hơn giống thanh long ruột trắng, mỗi năm cho thu 7-8 lứa quả. Ông Giang đã đưa hom giống thanh long ruột đỏ về trồng trên 2 sào vườn nhà mình. “Chỉ sau 1 năm, thanh long cho thu hoạch, quả to, sai chi chít, ngọt lừ… Tính ra năm đầu cũng được gần 1 tấn quả” - ông Giang tâm sự. Nhận thấy đây thực sự là cây làm giàu, phát tài, ông Giang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình ông có 7 sào với 200 trụ trồng thanh long ruột trắng, 150 trụ thanh long ruột đỏ cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 80-100 triệu đồng. Để trồng thành công cây thanh long, ông Giang áp dụng phương pháp trồng 4 thân chia đều theo 4 mặt trụ bê tông, nên cắt bỏ phần thịt của dây thanh long giống, chỉ giữ lại phần lõi giữa để tránh úng thối làm chết cây. Nên để ý khơi thông nước, tránh tù đọng khi xảy ra mưa to, mưa nhiều; vào mùa nóng, hạn cần tưới nước phù hợp, dùng cỏ hoặc rơm để ủ giữ ẩm gốc cây. Nên tỉa cành sao cho tán cây tỏa đều, cắt tỉa theo nguyên tắc “1 cành mẹ - 2 cành con”. Hiện ông Giang cũng đã nghiên cứu thành công việc ép cho thanh long ra trái vụ để bán được giá cao gấp 2-3 lần so với thanh long chính vụ. Ngoài trồng thanh long, ông còn cải tạo một phần vườn tạp để duy trì các loại cây truyền thống như: cam, chanh, hồng xiêm... để tăng thêm thu nhập của gia đình.
Vườn cây thanh long ruột đỏ của anh Phạm Ngọc Nam, xóm An Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh). |
Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Phạm Ngọc Nam, xóm An Trạch (Trực Chính) vừa cho thu hoạch lứa quả thứ 7 từ đầu năm đến nay. Trên vườn, những trụ thanh long xanh tốt đang đâm hoa, đậu quả sai trĩu. Vừa trò chuyện với chúng tôi, anh Nam vừa dùng tay bứt những bông hoa, quả kẹ trên cây bỏ vào một chiếc túi. Theo anh, khi thanh long ra hoa, chỉ nên duy trì 1 quả/dây thanh long để cây tập trung nuôi dưỡng cho quả chính được mạnh nhất, chất lượng ngon nhất. Qua đài, báo anh tìm hiểu nhiều loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, anh “kết” nhất là cây thanh long ruột đỏ. Được xã tạo điều kiện cho đấu thầu 2ha khu đất trồng dâu kém hiệu quả, anh đã đầu tư thuê máy xúc tôn cao vườn, đào ao và cải tạo nền phục vụ sản xuất. Ngay sau khi hoàn thành cải tạo vườn, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Bước đầu do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ đậu quả kém, một nửa diện tích gần như không cho thu hoạch. Không nản lòng, anh tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long. Cây đã không phụ công người, hơn 1.000 trụ thanh long bắt đầu “đẻ” ra tiền. Lứa quả đầu tiên, anh thu hoạch được 2,2 tấn, với giá bán bình quân 35 nghìn đồng/kg, trừ hết chi phí anh thu về 55 triệu đồng. Về kỹ thuật chăm sóc thanh long, anh Nam cho biết thêm: Ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ là dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Từ khi trồng, cây chỉ mắc một số bệnh như nấm, thối lá, nếu phát hiện kịp thời cắt bỏ phần mắc bệnh là cây phát triển bình thường. Tuy nhiên, muốn thanh long năng suất cao cũng đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật, nhất là về giống, phân bón, tưới nước cũng như cách xử lý cho cây ra hoa quanh năm. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán. Thanh long được chăm bón bằng phân hữu cơ thì chất lượng quả cũng đậm đà hơn. Để cây có chỗ bám và phát triển tốt cần xây hoặc đổ trụ bê tông cao khoảng 2m, khoảng cách giữa các trụ từ 1,5-2m. Khi trồng, đắp mô đất cao 20cm, dùng dây buộc giữ gốc để cây không bị đổ. Cây thanh long càng lâu năm tuổi thì khả năng cho năng suất quả càng cao. Hiện nay, vườn thanh long của anh Nam đã bước sang năm thứ 4, cho thu hoạch trên 10 tấn quả, thu lãi trên 250 triệu đồng. Ngoài việc trồng thanh long lấy quả, anh còn nhân giống và bán cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh với giá bán 10 nghìn đồng/hom. Để giữ uy tín, anh không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cho những nông dân chưa có kinh nghiệm, giúp họ trồng bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Những năm trước đây, thanh long là cây trồng mới, một số hộ nông dân trồng tận dụng thân cây cau sẵn có trong vườn hoặc xây trụ đơn giản để thanh long leo. Tuy nhiên, qua thực tế, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh long đã cho thu nhập gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long theo phương pháp mới, đồng thời đưa giống thanh long ruột đỏ và áp dụng kỹ thuật cho thanh long ra quả trái vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Thanh long ruột đỏ là cây trồng lâu năm, khoảng 10 đến 15 năm sau mới phải trồng lại, là giống cây không kén đất, không đòi hỏi nhiều nước. Đặc biệt cây sớm cho thu hoạch, chỉ sau khi trồng một năm, thanh long đã cho quả với nhiều đợt thu hái trong năm. Từ năm thứ 2 trở đi, năng suất quả cao gấp đôi năm thứ nhất, đến năm thứ 3 sẽ gấp 3 lần và bắt đầu ổn định về năng suất. Trung bình mỗi năm, một sào thanh long cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng. Mặc dù bước đầu, thanh long ruột đỏ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, tuy nhiên, việc phát triển loại cây này vẫn chủ yếu tự phát. Kiến thức cũng như tay nghề của người dân về trồng trọt, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế. Do vậy rất cần có sự vào cuộc của ngành chuyên môn nghiên cứu, định hướng phát triển cây thanh long ruột đỏ phù hợp để người nông dân thực hiện, tránh phát triển ồ ạt, không gắn với thị trường tiêu thụ./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh