Tập trung rà soát, đánh giá công trình cũ nguy hiểm

09:11, 30/11/2015
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 8-10-2015, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 860/SXD-QLCL về việc tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá các công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, Thành phố Nam Định chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng các công trình thuộc sở hữu Nhà nước công trình công cộng hết niên hạn sử dụng và đề xuất phương án xử lý. Niên hạn sử dụng theo thiết kế của công trình được quy định tại Thông tư 10/2013/TT-BXD ngày 25-7-2013 của Bộ Xây dựng. Trong đó, đối với các công trình cấp III có niên hạn sử dụng từ 20-50 năm, công trình cấp IV có niên hạn sử dụng dưới 20 năm.
 
Hiện trạng ngôi nhà số 181 đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện trạng ngôi nhà số 181 đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) đã xuống cấp nghiêm trọng.
Qua tổng hợp, số lượng các công trình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chủ yếu là nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thành phố Nam Định và một số công trình khác nằm rải rác trên địa bàn các huyện. Theo đó, có 27 khu nhà chung cư được xây dựng từ những năm 1960 và 73 nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 2 đến 3 tầng, nhà cấp 4 được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Các công trình này đã hết niên hạn sử dụng từ lâu, xuống cấp, nhiều công trình bị hư hỏng nặng, đặc biệt nguy hiểm. Trong đó có 3 nhà chung cư gồm: Nhà số 1, nhà số 2, nhà số 3 Quân khu A, đường Hoàng Diệu, phường Năng Tĩnh; 1 nhà chung cư 5 tầng số 1 đường Trần Đăng Ninh, phường Cửa Bắc đã xuống cấp nghiêm trọng. 2 nhà ở riêng lẻ đặc biệt nguy hiểm gồm: Nhà số 207, nhà số 181 đường Hoàng Văn Thụ, phường Nguyễn Du. Ngoài ra, còn có 17 công trình công cộng hết niên hạn sử dụng, đã xuống cấp ở các huyện Mỹ Lộc, Giao Thủy. Trong đó, có 11 công trình cấp III, 6 công trình cấp IV như Trường Mầm non xã Mỹ Hà, Nhà văn hóa tổ dân phố Trung Quyên thuộc Thị trấn Mỹ Lộc, hội trường UBND xã Mỹ Hưng, trụ sở làm việc Phòng Công thương huyện Giao Thủy... Các công trình này đã xuống cấp, sàn, mái, tường xuất hiện nhiều vết nứt, thấm dột. Phương án đề xuất xử lý đối với các công trình này là xây dựng mới 14 công trình; cải tạo, sửa chữa 3 công trình. Riêng đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, những năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh, các cấp, ngành, một số nhà ở xuống cấp nghiêm trọng đã được UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cải tạo, nhằm đảm bảo yêu cầu sinh sống tối thiểu của người dân đang cư trú tại đây. Năm 2014, Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định đã tiến hành sửa chữa 20 nhà ở nguy hiểm với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, Cty đã hoàn thiện cải tạo, sửa chữa 22 khu nhà thuộc 9 phường với tổng mức đầu tư 1 tỷ 145 triệu đồng; trong đó tập trung chính cho 2 nhà ở nguy hiểm số 181 và 207 Hoàng Văn Thụ, phường Nguyễn Du. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Cty, do các ngôi nhà đã hết niên hạn sử dụng từ lâu nên các hạng mục công trình cần sửa chữa là rất lớn trong khi nguồn kinh phí sửa chữa có hạn nên việc sửa chữa khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân sống ở đây. Bên cạnh đó, hằng năm số lượng nhà ở nguy hiểm luôn phát sinh thêm nên Cty không thể thực hiện mọi yêu cầu duy tu, sửa chữa, bảo đảm chất lượng nhà ở theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc thực hiện kiểm tra, kiểm định toàn bộ các công trình này cũng bất khả thi với đơn vị do kinh phí quá lớn và yêu cầu phải có sự tham gia của chuyên gia, cơ quan chuyên môn về lĩnh vực này. Ngoài ra, việc xử lý các chung cư cũ, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước còn gặp nhiều vướng mắc từ cơ chế chính sách, pháp luật. Hiện tại, Bộ Xây dựng chưa ban hành hướng dẫn quy trình đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với nhà ở và các công trình công cộng; cùng với đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, kiểm định an toàn chịu lực, tiêu chuẩn đánh giá nhà nguy hiểm và chính sách xử lý, lộ trình giải quyết đối với nhà ở, công trình công cộng, các công trình chuyên ngành khác bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng chưa đầy đủ, đồng bộ. Trước mắt, Cty đang phối hợp với Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thành phố hoàn thiện báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư giải phóng mặt bằng nhà số 207 và 181 đường Hoàng Văn Thụ trình UBND thành phố phê duyệt. Ngoài ra, Cty giao cho Ban quản lý nhà ở nguy hiểm của Cty thường xuyên khảo sát, kiểm tra đánh giá hiện trạng các căn nhà nguy hiểm kết hợp với sử dụng đường dây nóng 24/24h để kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý các sự cố bất ngờ xảy ra. Đồng thời, phổ biến để các hộ dân chủ động đánh giá trực quan hiện trạng nhà ở và báo cáo ngay các sự cố tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ, cháy nổ để Cty có phương án xử lý kịp thời. 
 
Để phòng ngừa nguy cơ sự cố nhà ở nguy hiểm gây thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước, các cấp, các ngành cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách xử lý dứt điểm. Việc sửa chữa khắc phục chỉ là giải pháp tình thế, hiệu quả không lâu dài, gây tốn kém ngân sách mà người dân vẫn không an cư vì các công trình đã hết hạn sử dụng quá lâu, các cấp, ngành quan tâm hơn nữa chung tay, góp sức xóa bỏ nhà ở nguy hiểm, đảm bảo an sinh xã hội./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com