Với lịch sử phát triển lâu đời, tỉnh ta sở hữu nhiều di tích lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về tâm linh đối với người dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, do nhu cầu về đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng được đầu tư, xây mới. Qua thống kê chưa đầy đủ của ngành Xây dựng, đến nay toàn tỉnh có 1.062 công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Là nơi thường tập trung đông người trong quá trình sử dụng nên các công trình tôn giáo, tín ngưỡng có yêu cầu cao về bảo đảm an toàn, trong đó bắt buộc phải bảo đảm chất lượng xây dựng của công trình, tránh nguy cơ sập đổ, gây tai nạn cho người sử dụng công trình. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, công tác quản lý chất lượng xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng chưa được quan tâm thực hiện. Để tăng cường kiểm soát chất lượng của các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng và khai thác, sử dụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp tổ chức rà soát, kiểm tra và đánh giá thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và chất lượng các công trình này. Qua kiểm tra cho thấy trong tổng số các công trình tôn giáo, tín ngưỡng toàn tỉnh, mới có 225 công trình được cấp giấy phép xây dựng (GPXD); trong đó, Sở Xây dựng cấp phép 18 công trình, 207 công trình do UBND các huyện cấp phép.
|
Chuẩn bị vật liệu xây dựng ngôi Tam bảo thuộc chùa Thiên Phúc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). |
Trước những bất cập, hạn chế trong quản lý chất lượng xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, ngày 10-9-2015 Sở Xây dựng đã có Công văn số 740/SXD-QLCL đề nghị Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), Sở VH-TT và DL, UBND các huyện, Thành phố Nam Định thống kê, rà soát hiện trạng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Là địa bàn có nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo mới được đầu tư xây cất thực hiện công văn của Sở Xây dựng, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn. Nội dung kiểm tra giấy phép và quản lý theo GPXD; lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình; giám sát nghiệm thu và các biện pháp thi công đảm bảo an toàn theo quy định. Qua kiểm tra, trên địa bàn toàn huyện có 127 nhà thờ, giáo họ; 37 chùa và 27 đền, đình, miếu. Đối với mỗi công trình, đoàn kiểm tra huyện đều lập biên bản khảo sát tình hình thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng các công trình, hồ sơ thủ tục liên quan: GPXD, văn bản chấp thuận về chủ trương đầu tư của UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, hồ sơ năng lực nhà thầu khảo sát, nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công, nhật ký thi công, nghiệm thu chất lượng thi công… Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy toàn bộ 191 công trình tôn giáo, tín ngưỡng đều được cấp phép xây dựng và đảm bảo an toàn chất lượng công trình theo đúng thiết kế. Tại thôn Hậu Bồi, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), trụ trì Thích Minh Tâm của chùa Thiên Phúc cho biết: “Đầu tháng 12-2014, được sự quan tâm của các cấp Giáo hội Phật giáo, ban, ngành, chùa đã được Sở Xây dựng hướng dẫn làm thủ tục và cấp GPXD lại ngôi Tam bảo theo kiến trúc “Nội công, ngoại quốc”. Đến nay, công trình đã hoàn thiện được các hạng mục như nền móng, 3 pho tượng và tiến hành sửa chữa, thay thế các cột gỗ đảm bảo tuân thủ đúng chất lượng và thiết kế theo hồ sơ đã được duyệt. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, nhìn chung, các chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng đã có ý thức tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình. Qua kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 Nghị định 15, không có công trình nào để xảy ra sự cố hoặc sai sót lớn về chất lượng, ảnh hưởng đến an toàn, công năng sử dụng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh không có công trình tôn giáo, tín ngưỡng nào có nguy cơ xảy ra sự cố.
Tuy nhiên bên cạnh các mặt tích cực, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc. Số lượng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ đời sống tâm linh trong thời gian qua tăng nhiều nhưng việc làm thủ tục xin cấp GPXD chưa được quan tâm. Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khi cải tạo, sửa chữa nâng cấp thường không tuân thủ quy định xin cấp GPXD. Theo quy định tại khoản 1, Điều 89 của Luật Xây dựng 2014, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có GPXD do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Bên cạnh đó, ngoài đáp ứng các yêu cầu về phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; một trong những điều kiện để được cấp GPXD đối với công trình tôn giáo là phải có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh, văn bản chấp thuận của Ban tôn giáo cấp có thẩm quyền hay văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo. Thế nhưng trên thực tế không ít chủ đầu tư công trình bỏ qua khâu xin cấp phép xây dựng ở Sở Xây dựng. Các công trình chỉ có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. Năng lực của các nhà thầu thi công xây dựng các loại công trình này cũng chưa được đánh giá theo các tiêu chuẩn cụ thể, thiếu các đơn vị tư vấn được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo các di tích. Ngoài ra, do yếu tố đặc thù nên đa số các công trình tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, chủ yếu do các tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ thiện nguyện nên cơ quan quản lý Nhà nước khó tham gia kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Công tác quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình chưa được kiểm soát chặt chẽ do nhóm công trình tôn giáo, tín ngưỡng không có trong danh mục công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng quy định tại phụ lục 2 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện tại, thông qua công tác cấp GPXD, cơ quan chuyên môn về xây dựng mới chỉ kiểm soát được chất lượng các công trình này trong bước thiết kế. Ngoài ra, chất liệu các công trình trên chủ yếu là gỗ và hoạt động thờ cúng tín ngưỡng tập trung đông người tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn nhưng theo quy định trong hồ sơ cấp GPXD lại không yêu cầu có các văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý về PCCC.
Thời gian tới, nhằm tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và chất lượng các công trình tôn giáo, Sở Xây dựng sẽ có văn bản trình UBND tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, chủ quản lý và sử dụng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng các thủ tục về cấp GPXD, quy định xây dựng theo giấy phép và các quy định về quản lý chất lượng công trình. Đề nghị Bộ Xây dựng quy định, hướng dẫn chi tiết về cấp GPXD, đặc biệt đối với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, bổ sung các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ. Yêu cầu các chủ đầu tư trong trường hợp phát hiện công trình, hạng mục công trình có hiện tượng lún, nứt không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố (kể cả các công trình, hạng mục công trình đang thi công xây dựng) phải khẩn trương báo cáo về Sở Xây dựng để tổ chức kiểm tra, xử lý./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn