Thú chơi, sưu tầm tranh xưa nay vốn không xa lạ với những người yêu thích bộ môn hội họa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, ngày nay những bức tranh ngày càng đa dạng hơn về chất liệu, kiểu dáng, hình thức thể hiện, không chỉ là sơn dầu, màu nước mà còn là gỗ, nhựa composite…, thậm chí cả những vật liệu gần gũi đối với đời sống con người như cây tre. Ở Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định tại Thị trấn Lâm (Ý Yên), những bức tranh với nguyên liệu chính là cây tre được “ưu tiên” cho những học viên khuyết tật thể hiện.
Vật liệu thân thiện với môi trường
Nhận thấy nhiều ưu điểm vượt trội của cây tre đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, tập thể giáo viên Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định đã cùng nhau nghiên cứu sâu hơn về tính năng của cây tre nhằm tạo nên một sản phẩm độc đáo, sáng tạo và cao cấp hơn làm tranh từ tre. “Bởi, nghề mây tre đan vốn không xa lạ với người dân nhiều vùng miền trong tỉnh. Cây tre từ lâu, qua bàn tay người thợ thủ công tài hoa đã thành thúng, mủng, giần, sàng phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thành túi xách cho chị em phụ nữ chưng diện, thành gối kê đầu, thành quạt mát, thành những vật dụng trang trí trong nhà. Vậy, nếu tre có thành tranh thì cũng không có gì là quá bất ngờ. Tuy nhiên, để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan, hầu hết người thợ thủ công đều sử dụng phương pháp ngâm tre truyền thống nhằm chống mối mọt sau đó mới “chế biến” sản phẩm. Quy trình này, do đó gây ô nhiễm môi trường, đồng thời dễ làm mất màu tự nhiên của tre. Nếu để làm tranh tre, chúng tôi buộc phải nghĩ ra một phương pháp khác, khả thi hơn cách làm cũ”, ông Hoàng Duy Liêm, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định cho biết. Để làm được tranh tre, tập thể giáo viên của trường đã nghĩ ra cách luộc và các bon hóa tre trên nhiệt độ cao. Ưu điểm của phương pháp này là giúp tre giữ được màu tự nhiên mà không cần dùng hóa chất để “nhuộm” tre, từ đó hạn chế hoàn toàn độc hại cho người sử dụng lẫn người làm. Luộc tre còn giúp tre không bị mối mọt với thời gian, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phương pháp luộc và các bon hóa tre trên nhiệt độ cao của nhà trường đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận những ưu điểm vượt trội so với cách chế biến, xử lý tre truyền thống. Hoàn tất khâu xử lý nguyên liệu, các thầy, cô giáo của trường lại bắt tay vào việc “tạo tác” những bức tranh. Tuy nhiên, làm sao để có được những bức tranh đẹp, nghệ thuật lại là vấn đề khác, đòi hỏi những sáng tạo khác mà máy móc không thể giúp đỡ được. Và những thầy, cô giáo khoa Gia công thiết kế sản phẩm mộc là những người thử nghiệm, học việc đầu tiên để làm tranh tre. Quá trình đó, đòi hỏi họ phải xây dựng quy trình sản xuất rất tỉ mỉ, cẩn trọng từ khâu lựa chọn nguyên liệu, gia công nguyên liệu rồi sau đó vừa học vừa làm thử việc ghép tranh.
Giáo viên, học viên Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định làm tranh tre. |
Hồn Việt trong những bức tranh tre
Anh Hoàng Bá Toản, giáo viên khoa Gia công thiết kế sản phẩm mộc, một trong những giáo viên đầu tiên của trường tham gia dự án làm tranh tre chia sẻ: “Làm tranh tre rất cầu kỳ, đòi hỏi người làm phải hết sức tỉ mỉ, kỳ công và chịu khó. Để có 1 bức tranh đẹp hoàn hảo là tổng hòa của các yếu tố: con mắt nghệ thuật, sự tinh tế trong cách chọn tre để phối màu và nguyên liệu tốt”. Để làm 1 bức tranh tre, các thầy, cô giáo trong trường sử dụng hình ảnh của những bức tranh nguyên mẫu rồi phô tô sang tờ giấy A3, chia ô thích hợp trên bức tranh theo các mảng màu sử dụng, sau đó cắt, mài, ghép các mảnh tre phù hợp dán vào từng ô. Sau đó, họ dùng băng dính dán lên bề mặt các mảnh tre đã ghép, lột bỏ hết lớp giấy bên dưới rồi tiếp tục dán tre lên nền khung để tạo thành tranh. Công đoạn cuối cùng là sơn bóng lên mặt tranh cho sản phẩm thêm đẹp, chắc. Nghe qua thì đơn giản, tuy nhiên, cũng theo các thầy giáo trong khoa Gia công thiết kế sản phẩm mộc, để tạo nên một bức tranh tre đạt yêu cầu mỹ thuật không đơn giản chút nào. Yêu cầu đầu tiên là phải có nguyên liệu tốt. Loại tre được chọn làm tranh thường là những cây đạt độ tuổi 3 năm, không non mà cũng đừng già quá. Tre mang về phải còn tươi và bóng. Sau khi chọn được nguyên liệu ưng ý, người ta cắt bỏ mắt, chọn phần “nạc” cho nguyên liệu vào nồi luộc. Nhiệt độ để luộc tre luôn phải đảm bảo ở mức 150 độ, thời gian luộc là 1 giờ đồng hồ. Để tạo ra các “bảng màu” khác nhau như xanh, trắng, vàng, nâu… cho tre, người ta cũng có những cách xử lý màu khác nhau. Đối với màu trắng, tre sẽ được xử lý bằng cách tẩy trắng.
Để tạo ra các loại màu vàng, nâu, đen sử dụng phương pháp hun khói sản phẩm. Khi hun, quan trọng nhất là lò hun phải kín, khói lan đều, lửa không được cháy. Sau khoảng 5 ngày, tre được mang ra sẽ chuyển sang màu vàng bóng hoặc nâu sẫm. Khó khăn nhất trong việc làm tranh tre chính là việc ghép chọn màu để hoàn chỉnh bức tranh. “Người nghệ sĩ khi vẽ tranh thường sử dụng rất nhiều màu sắc với độ đậm nhạt khác nhau để tạo nên bức tranh. Với các chất liệu như sơn dầu, màu nước, họ có thể dễ dàng pha trộn để tạo được màu sắc phù hợp. Tuy nhiên với tre, chúng tôi chịu những sự hạn chế nhất định về màu sắc. Chọn làm sao để bức tranh tre lên màu, phối màu giống với tranh thật là yêu cầu không hề đơn giản. Lấy ví dụ như để thể hiện bức tranh Tháp Phổ Minh bằng tre có chiều cao 1,5m, chiều rộng 1,1m, chúng tôi đã phải sử dụng tới 2.900 mảnh tre với các màu sắc vàng, nâu, đen, xanh… có độ đậm nhạt khác nhau để ghép”, ông Liêm bật mí về sự kỳ công của việc làm tranh tre.
Lớp học tranh tre dành cho người khuyết tật của Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định hiện có 23 học viên, được chia làm 2 nhóm. 1 nhóm học tại trường, 1 nhóm nữa học tại xã Yên Phúc. Học viên nào nhanh cũng mất khoảng 3 tháng mới có thể thành thạo các kỹ năng ghép tranh tre. Tuy nhiên, cũng có các học viên xuất sắc như các chị Dương Thị Hà Bắc, 44 tuổi, anh Lê Văn Hoạt, 29 tuổi hay chị Vũ Thị Thúy, 35 tuổi. Họ là những người rất “say” loại tranh này, có bàn tay khéo léo và cả óc tưởng tượng phong phú, sống động. Để cảm nhận với bức tranh này, với khuôn hình này nên đặt vào đó mảng màu nâu hay vàng đậm, vàng cánh gián sẽ phù hợp. Hiện, các loại tranh mà giáo viên, học viên nhà trường ghép rất đa dạng: tranh dân gian Đông Hồ với những bức kinh điển như: hứng dừa, đám cưới chuột; tranh lịch sử với Tháp Phổ Minh, Đền Trần, tranh phong cảnh; tranh tứ quý với tùng, cúc, trúc, mai; long, ly, quy, phượng; tranh chân dung danh nhân như các bức thể hiện hình ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Trong đó, dòng tranh được khách hàng ưa chuộng và đặt mua nhiều là tranh phong cảnh, tứ quý. “Hiện nay, mặt hàng tranh tre tương đối hiếm trên thị trường. Theo tôi được biết, khu vực miền Bắc chỉ có duy nhất làng nghề Xuân Lai, Bắc Ninh là sản xuất loại tranh này. Tuy nhiên, cách làm của họ với chúng tôi tương đối khác xa nhau. Vì vậy, sản phẩm này hiện vẫn rất mới mẻ. Cách thể hiện mới lạ, sản phẩm thân thiện với môi trường, giá thành phù hợp, chúng tôi cũng hy vọng, thời gian tới tranh tre của nhà trường sẽ nhanh chóng tiếp cận với thị trường. Tin vui với các học viên là tất cả các sản phẩm tranh tre của trường hiện đang được Cty Du lịch Cố Đô (Ninh Bình) đặt thu mua toàn bộ”, ông Liêm vui vẻ chia sẻ thêm.
Sử dụng chất liệu dân gian, thân thuộc với đời sống hằng ngày của người Việt Nam tự ngàn xưa trong những gam màu nâu, vàng, đen, trắng, những bức tranh tre qua bàn tay của giáo viên, học viên Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định đem lại cảm giác gần gũi, mộc mạc, giản dị cho người xem. Không quá cầu kỳ trong cách thể hiện nhưng không vì thế mà các bức tranh mất đi sự tinh tế, sống động. Mong sao cho những bức tranh tre sớm tìm được chỗ đứng trong thị trường và trong lòng những người trân trọng, yêu mến nghệ thuật hội họa./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân