Quy hoạch đô thị Quất Lâm bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu

08:11, 16/11/2015
Theo các quy hoạch định hướng phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) là một trong những đô thị hạt nhân ven biển. Thời gian qua, Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện quy hoạch đô thị Quất Lâm bảo đảm yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. 
 
Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam năm 2012, đến năm 2030 mực nước biển dâng tại tỉnh ta có thể lên tới 13cm. Mỗi năm mực nước biển tại khu vực Nam Định tăng lên 1,25mm, đường bờ biển bị lấn vào trung bình 10m, đặt ra áp lực lớn cho đô thị mới Quất Lâm về đất đai, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tài nguyên nước, sức khỏe và đời sống của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, huyện Giao Thủy là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, bình quân mỗi năm phải hứng chịu từ 4-6 cơn bão. Theo thống kê, từ năm 1996 đến 2012, Giao Thủy phải gánh chịu 27 trận bão, 1 trận lốc, 4 trận lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hệ thống đê biển của huyện luôn nằm trong nguy cơ bị tàn phá như trận bão số 7 năm 2005 khiến 800m đê bị vỡ, 2.613m kè bê tông bị sạt lở và 480m kè bị suy yếu, hư hỏng. Đợt lũ sau cơn bão số 2 năm 2007 từ ngày 4 đến 11-8 khiến cho phần đê bối, đê trực diện biển từ xã Giao Long đến Thị trấn Quất Lâm sạt lở toàn bộ. Nền nhiệt độ có xu hướng gia tăng, cùng với đó xuất hiện nhiều trận mưa với cường độ lớn tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Nhiệt độ tăng dẫn đến giảm năng suất và chất lượng thủy sản, mưa lớn làm thay đổi nồng độ muối trong nước biển cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ như ngao, sò bị chết hàng loạt do sốc môi trường nước. Không chỉ phải hứng chịu tác động tiêu cực bởi diễn biến thời tiết phức tạp nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trái quy luật do biến đổi khí hậu, Thị trấn Quất Lâm nói riêng và huyện Giao Thủy nói chung còn phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn ở các cửa sông ngày càng xuất hiện sớm và sâu hơn vào khu vực nội đồng, làm diện tích đất có thể canh tác được bị thu hẹp, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Xâm nhập mặn còn khiến nhiều trạm bơm đầu mối phải dừng hoặc hạn chế hoạt động. Với các cống vùng triều, mực nước thấp, độ mặn tiến sâu vào các cửa sông nên số giờ mở cống lấy nước giảm đáng kể, gây khó khăn cho công tác tưới tiêu, đặc biệt trong 7 tháng mùa cạn.
Tuyến Quốc lộ 21A trên địa bàn thị trấn là trục không gian chính của đô thị Quất Lâm.
Tuyến Quốc lộ 21A trên địa bàn thị trấn là trục không gian chính của đô thị Quất Lâm.
Các khó khăn trên và các kịch bản dự báo tác động của biến đổi khí hậu đã được xem xét tính toán trong quy hoạch đảm bảo phát triển đô thị Quất Lâm bền vững. Trong đó, ưu tiên tập trung quy hoạch, xây dựng công trình, hệ thống giao thông theo hướng tính toán hợp lý độ cao nền, đảm bảo an toàn cho công trình. Các nhà ở, công trình ven biển được đề xuất xây dựng hướng chiều sâu công trình theo chiều dòng chảy của lũ, đồng thời lựa chọn loại vật liệu xây dựng bền vững, phù hợp với môi trường ven biển thường xuyên phải hứng chịu thiên tai. Phát triển mạng lưới công trình hạ tầng xã hội có quy mô và chất lượng xây dựng tốt, phân bố phù hợp với mật độ dân số, gắn với chức năng làm nơi sơ tán cho dân cư đô thị và các khu vực nông thôn lân cận trong tình huống rủi ro thiên tai khẩn cấp. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cũng có các giải pháp chống thấm, ngăn ngừa nhiễm mặn từ khu vực ruộng muối, đầm nuôi tôm đến khu dân cư và đất sản xuất nông nghiệp xung quanh như gia cố, xây dựng hệ thống mương thoát lũ quanh đồng muối có 3 mặt chống thấm bằng vật liệu nhựa HDPE độ dày lớn hơn 0,5mm. Tăng cường vùng đệm cây xanh, trồng các loại cây thích hợp dọc các tuyến kênh thoát lũ, quanh vùng muối và xây dựng cốt nền khu vực sản xuất muối thấp hơn khu vực đất dân cư xung quanh. Kiểm soát chặt chẽ nước thải đầm nuôi, sử dụng các thiết bị xục khí để giảm thiểu lượng bùn lắng, trầm tích ao nuôi. Nước thải đầm nuôi trước khi xả ra môi trường phải được xử lý đảm bảo có thể đồng hóa với môi trường xung quanh mà không gây ô nhiễm. Khảo sát, quy hoạch, xây dựng các công trình ngăn mặn trên sông để giữ ngọt vào mùa khô và đảm bảo xả lũ vào mùa mưa. Nghiên cứu, khai thác sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, bi-ô-ga để giảm thiểu sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. Tăng cường đầu tư các thiết bị dự báo, phòng chống thiên tai cho khu vực kết hợp với công tác giám sát, quản lý theo dõi sát sao đảm bảo ứng phó tốt, nhanh chóng kịp thời với các diễn biến bất thường của thời tiết. Nâng cao nhận thức cộng đồng bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác động của biến đổi khí hậu và biện pháp ứng phó. Tăng cường khả năng thoát lũ, xây dựng, cải tạo hệ thống kênh mương, hồ điều hòa, cống qua đường, hệ thống cửa xả, bơm tiêu đảm bảo dòng chảy liên tục, thoát lũ nhanh chóng. Giải toả, tái định cư các khu vực có nguy cơ ngập úng cao do tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các công trình xây dựng mới phải đáp ứng tốt các chỉ tiêu kỹ thuật về nền xây dựng. Trong đó, cao độ nền xây dựng nhỏ nhất đối với khu vực trong đê là trên +2m; các khu vực ngoài đê là +3m, cao độ tuyến đê trung bình là +5m. Đối với khu vực xây dựng hiện trạng, tận dụng khu vực trũng thấp, úng ngập hiện nay để xây dựng các hồ điều tiết, kết hợp tạo cảnh quan môi trường, giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ khu vực phía nam Thị trấn Quất Lâm. Khu vực phát triển xây dựng được tính toán tôn nền đảm bảo cao độ xây dựng đã khống chế hài hòa với nền xây dựng các khu vực lân cận và cao độ của Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 498B. Lưu vực thoát nước mặt được bố trí bám sát theo trục 2 sông chính là sông Vọp và sông Sò. 
 
Việc sớm hoàn thành quy hoạch để phê duyệt và triển khai thực hiện sẽ góp phần bảo đảm việc đầu tư xây dựng phát triển đô thị Quất Lâm hợp lý, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững của địa phương tránh lãnh phí đầu tư cũng như việc xây dựng không theo quy hoạch./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com