Nhọc nhằn đời thợ xây

07:11, 06/11/2015

17 giờ chiều, khi ánh nắng đã tắt hẳn, trời đã trở màu tro, chúng tôi gặp và trò chuyện với ông Bùi Văn Kiêm, xã Liên Bảo (Vụ Bản) khi ông đang miệt mài đổ giằng tầng 2 cho một công trình dân sinh mới nhận. Trên khuôn mặt gầy guộc, xương xương ấy, những giọt mồ hôi chảy thành dòng nhưng ông vẫn tươi cười tiếp chuyện chúng tôi: “Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, cuộc sống vô cùng khó khăn, ngoài vài sào ruộng, gia đình tôi chả biết trông cậy vào đâu để sống. Ngoài 20 tuổi, tôi đã theo ông chú học nghề thợ xây và coi đó là nghề phụ trong lúc nông nhàn kiếm thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình. Chỉ theo học nghề một thời gian, tôi đã có thể làm thợ chính (thợ cả), tay nghề vững. Làm thêm cho chú vài năm nữa để lấy kinh nghiệm, tôi tách ra, tự tìm, nhận những công trình dân sinh trên địa bàn xã và các xã lân cận để làm, sau đó, kéo thêm 5-6 người trong xã lập thành đội thợ xây. Tính đến nay, đã hơn 30 năm “hành nghề”, những khó khăn, vất vả trong nghề tôi đều “nếm” đủ cả”.

Công trình xây dựng dân sinh trên đường Bái, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).
Công trình xây dựng dân sinh trên đường Bái, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).

Không chỉ riêng ở xã Liên Bảo mà trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, ở nhiều xã, đa số người lao động trong lúc nông nhàn thường theo nghề thợ xây như xã Cộng Hòa (Vụ Bản), Yên Phong, Yên Thắng (Ý Yên), xã Trung Đông (Trực Ninh)… Cứ 5-6 người nhập vào thành một đội thợ, cùng làm, cùng ăn. Các đội thợ xây nông thôn chủ yếu nhận những công trình dân sinh đơn giản như nhà ngói 3 gian, nhà mái bằng, nhà tầng đơn giản, chuồng lợn, căn bếp, tường bao hay chỉ đơn giản là sửa trần, lát nền… Họ rong ruổi trên những chiếc xe đạp hay những xe máy cũ, những bộ quần áo đã bạc phếch vì bụi, vì thời gian và vì cả những vất vả, lo toan của cuộc sống cùng với bộ đồ nghề bàn xoa, dao, thước, dây, máy cắt sắt, xô vữa, xẻng, bay… đi khắp các vùng quê, ai có nhu cầu xây, sửa là họ sẵn sàng. Trước đây, những người làm nghề thợ xây chủ yếu là những người trung tuổi, tranh thủ những lúc nông nhàn, họ “hành nghề” kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do nhu cầu xây dựng ngày một tăng nên đội ngũ những người theo nghề thợ xây cũng ngày một đông hơn và tuổi đời của đội thợ cũng được trẻ hóa. Người biết nghề chỉ cho người chưa biết nghề. Cứ thế, nghề thợ xây trở thành nghề “cha truyền, con nối”. Ban đầu mới vào nghề, ai cũng phải trải qua thời gian làm thợ phụ xách vữa, bê hồ, khuân gạch, rửa cát, đá… Những công việc khó hơn như chạy chỉ trần hay mặt tiền căn nhà, ốp tường, lát nền… đều do thợ chính lâu năm đảm nhiệm. Bởi đây là những khâu đảm bảo cho tính thẩm mỹ của căn nhà, xây dựng nên uy tín của đội thợ. Do vậy, yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi phải nghiêm ngặt, tay nghề phải cao thì mới đảm bảo các đường chỉ sắc nét, từng viên gạch thẳng hàng, không cong vênh. Qua thời gian, nếu bản thân thợ phụ thật sự tiến bộ, tay nghề vững, có thể đảm đương được những khâu quan trọng, họ sẽ được làm thợ chính. Dù là lao động chân tay nhưng người thợ xây cũng phải có đầu óc tính toán nguyên vật liệu cần thiết sao cho phù hợp với công trình, đôi tay khéo léo và quan trọng nhất là sự cẩn thận, tỉ mỉ và đòi hỏi người làm nghề phải thật sự cầu tiến, có tinh thần học hỏi mới học được tất cả những kỹ thuật “cha truyền, con nối” ấy. Công việc của những người thợ xây tưởng chừng như đơn giản nhưng thực chất lại vô cùng vất vả, nặng nhọc và đôi khi nguy hiểm rình rập mỗi ngày. Kể về những vất vả, nguy hiểm của đời thợ xây, ánh mắt ông Hoan, người đã theo đội thợ của ông Kiêm 20 năm nay bỗng nhìn xa xăm, giọng nói trở nên trầm hơn cho biết: Mùa hè, vì tính chất công việc chúng tôi phải phơi lưng từ 8-10 giờ đồng hồ giữa cái nắng như đổ lửa, mồ hôi chảy như tắm; người như bị nướng quay quắt. Mùa đông, gió thổi rét run nhưng không được mặc nhiều quần áo vì vướng víu, nặng người không làm được. Thậm chí buổi sáng đi làm, đôi bàn tay cóng cứng lại vì nước lạnh. Chân, tay nứt nẻ vì hanh khô lại thường xuyên tiếp xúc với vôi, vữa đau rát và khó chịu đến khổ sở… Không những vậy, với những công trình xây nhà 3-4 tầng, do làm việc trên giàn giáo cao và chênh vênh nên cũng có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Còn chuyện giẫm phải đinh, đứt tay, chân, trầy xước là điều bình thường như cơm bữa. Biết là khổ nhưng mỗi người mỗi nghề. Vì cuộc sống mưu sinh nên quyết tâm theo nghề và “bén duyên” với nghề lúc nào không hay. Và dù cho công việc có vất vả, hiểm nguy rình rập mỗi ngày nhưng nghĩ đến niềm vui trong công việc, nghĩ đến nụ cười tươi rói, “niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong”, những người thợ lại lưu luyến nghề và chưa muốn rời xa. Yêu nghề và gắn bó với nghề, họ như những chú ong chăm chỉ, vẫn ngày ngày thầm lặng, đánh đổi mồ hôi, công sức của mình để làm đẹp cuộc đời.

Người yêu nghề, nghề không phụ người. Thu nhập từ nghề của những người thợ cũng khá ổn. Những đội thợ có uy tín, hành nghề lâu năm bình quân nhận được trên dưới 10 công trình/năm. Do vậy, công việc thường xuyên và không bị gián đoạn trừ những ngày mưa bão. Tùy từng công việc mà người thợ có thu nhập khác nhau. Thợ phụ được trả từ 100-120 nghìn đồng/ngày công; thu nhập bình quân cũng đạt từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Thợ chính (thợ cả) thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. “Nhờ thu nhập từ nghề, tôi có điều kiện nuôi hai đứa con học hành tử tế, xây dựng được nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Cuộc sống bớt phần nào khó khăn”, vừa rửa đồ nghề sau một ngày làm việc, ông Hoan vừa phấn khởi bộc bạch. Và như vậy, những ngôi nhà mới cứ thế mọc lên khang trang, thơm mùi vôi mới, mang theo cả niềm vui của những người thợ đang miệt mài khuya sớm bên từng viên gạch, xô vữa với lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Công việc tuy vất vả nhưng họ đầy tâm huyết và tin tưởng vào cuộc sống. Hôm nay, ngày mai và cho tận đến mai sau, những bàn tay khéo léo của mỗi người thợ xây vẫn sẽ luôn là nét vẽ đẹp cho những vùng quê./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com