Xã Nam Tiến (Nam Trực) trước đây vốn nổi tiếng khắp vùng về nghề thủ công truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời là nghề chế tác kim loại màu với các sản phẩm đồ thờ (hạc, rùa, cuốn thư, đỉnh, lư hương, hoành phi, câu đối, tượng, khánh, chuông…); vật dụng sinh hoạt (nồi, xoong, mâm, rổ, rá…) của các thôn Đồng Quỹ, Thạch Cầu. Nhưng cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề thủ công truyền thống của xã Nam Tiến cũng sa sút trầm lắng trong một thời gian dài khi đổi mới cơ chế kinh tế. Là xã đông dân với trên 13 nghìn nhân khẩu ở 27 thôn, xóm, khi nghề thủ công gặp khó khăn, kinh tế chủ đạo của xã Nam Tiến phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp. Phần lớn các hộ sản xuất và lao động phải bỏ nghề, làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống.
|
Sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng tại hộ anh Đỗ Đức Dũng, thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến. |
Trước tình hình đó, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN với chủ trương: khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân, cơ sở sản xuất về mặt bằng, thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn để khôi phục, phát triển nghề truyền thống và thu hút đầu tư, nhân cấy nghề mới để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho nhân dân. Để phát triển sản xuất CN-TTCN bền vững, xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để các hộ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2015, tổng dư nợ vốn vay tại các Ngân hàng: CSXH, NN và PTNT của các cơ sở sản xuất, hộ cá thể trong xã đã đạt trên 50 tỷ đồng. Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong giai đoạn 2011-2015, xã Nam Tiến đã cơ bản khôi phục được nghề đúc đồng truyền thống ở các thôn: Đồng Quỹ, Thạch Cầu… và nhân cấy, phát triển thành công một số nghề khác như: nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ ở thôn Nam Trực; nghề may công nghiệp ở thôn Cổ Giả, nghề cơ khí ở các thôn, xóm khác trong xã. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 20 cơ sở đúc đồng (quy mô từ 5-15 lao động/cơ sở) chuyên sản xuất các loại đồ thờ, vật dụng sinh hoạt. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều lò đúc đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, lò đúc bằng điện, máy đánh bóng sản phẩm, máy làm khuôn để nâng cao năng suất lao động như hộ các anh: Đỗ Văn Tam, Đỗ Văn Dương, Đỗ Văn Việt, Đỗ Đức Dũng đều ở thôn Đồng Quỹ; Đỗ Văn Nam, thôn Thạch Cầu. Anh Đỗ Văn Nam đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nhập một máy làm khuôn từ Đài Loan (Trung Quốc), đầu tư 1 lò đúc điện và các loại máy gia công, hoàn thiện sản phẩm. Nhờ đó, cơ sở sản xuất của anh hiện có thể đúc được các sản phẩm nặng đến 7 tấn, với độ tinh xảo và chính xác cao. Hộ anh Nam thu hút 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, mỗi tháng tiêu thụ từ 4-6 tấn đồng nguyên liệu. Anh Đỗ Văn Việt đã mạnh dạn đầu tư lò đúc điện thay thế lò thủ công truyền thống; thay đổi phương thức làm khuôn truyền thống (bằng đất sét) sang khuôn cát (nguyên liệu cát làm khuôn được chuyển từ Thành phố Đà Nẵng ra) nên các sản phẩm không chỉ có độ chính xác cao hơn hẳn, các họa tiết, hoa văn trang trí sắc nét tỉ mỉ, tinh tế, cầu kỳ nên sản phẩm được thị trường tín nhiệm và tiêu thụ tốt. Nhanh chóng áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, với nhiều công đoạn đã được máy móc thay thế, sản phẩm của các lò đúc đã được đa dạng, thu nhập từ nghề truyền thống cũng cao hơn. Nghề đúc đồng truyền thống của xã Nam Tiến ngoài tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho trên 300 lao động trực tiếp còn tạo việc làm cho “đội quân” trên 200 lao động chuyên thu gom nguyên liệu cung ứng cho các lò đúc. Ước tính, mỗi năm các lò đúc trong xã tiêu thụ khoảng 50-70 tấn nguyên liệu. Bên cạnh nghề đúc truyền thống, nghề mộc ở xã Nam Tiến cũng phát triển mạnh với khoảng 20 cơ sở sản xuất quy mô từ 3-7 lao động/cơ sở. Ngoài các sản phẩm gia dụng phục vụ sinh hoạt, nhiều hộ làm nghề mộc như các ông: Hoàng Văn Quyền (thôn Nam Trực); Nguyễn Văn Bình, Đỗ Đức Dũng (thôn Đồng Quỹ) không chỉ thường xuyên thu hút từ 10-15 lao động với mức lương từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày mà còn sản xuất được các loại đồ thờ tinh xảo kết hợp khai thác nhóm khách hàng mua sắm đồ thờ bằng đồng. Nghề cơ khí cũng phát triển mạnh với hàng chục cơ cở sản xuất quy mô từ 4-5 lao động. Năm 2014, xã Nam Tiến còn thu hút được 1 dự án đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp của Cty CP May Nam Định có tổng mức đầu tư trên 70 tỷ đồng, trên diện tích 16 nghìn m
2 ở thôn Cổ Giả. Hiện tại, Cty đang khẩn trương hoàn thành xây dựng nhà xưởng và các hạng mục phụ trợ, lắp đặt máy móc, thiết bị để tháng 6-2016 chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến Nhà máy may sẽ thu hút từ 800-1.000 lao động. Hiện tại, cùng với công tác xây dựng, Cty đã tiến hành tuyển dụng được 300 lao động; trong đó phần lớn là lao động địa phương và các xã Nam Lợi, Nam Thanh… Các lao động này đang được tổ chức đào tạo nghề miễn phí tại Cty mẹ, được hỗ trợ tiền xe đưa đón và hưởng mức lương tối thiểu xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng.
Nhờ tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế của xã Nam Tiến đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,5%. Bình quân thu nhập đầu người năm 2015 ước đạt 25 triệu đồng/người/năm. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2016 và các năm tiếp theo, xã Nam Tiến tiếp tục củng cố, phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển thêm nghề mới. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%, bình quân thu nhập đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm./.
Bài và ảnh:
Thành Trung