Trung tuần tháng 9 âm lịch, trên khắp các cánh đồng hoa Phụ Long, Đồng Lạc… của xã Nam Phong (TP Nam Định), những luống cúc pha lê, cúc sen đông, cúc tuyết, cát tường, vàng anh, hồng, ly… đã xanh mướt. Đêm xuống, ánh đèn điện trên các ruộng hoa sáng trưng. Người làng hoa đang tất bật chuẩn bị vào vụ hoa Tết.
Chăm sóc hoa hồng phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán tại hộ anh Nguyễn Văn Hạnh, xóm Mỹ Tiến 2, xã Nam Phong. |
Ông Phạm Ngọc Khiêm, xóm Mỹ Tiến 2, thôn Phù Long là người có thâm niên trên hai chục năm trồng hoa cúc cho biết: Nhà ông có 5 sào hoa cúc thì 2 sào trồng phục vụ Tết, 3 sào trồng gối vụ cách nhau một tháng để liên tục có hoa bán sau Tết. Vụ cúc Tết thường xuống giống từ đầu tháng 9 tùy theo thời tiết nắng ấm hay lạnh. Ngoài giống chủ lực là các loại cúc, khoảng 3-4 năm trở lại đây, ông còn trồng xen kẽ thêm giống vàng anh (giống được nhập từ Đà Lạt) là loại hoa chuyên dùng trang trí. Mỗi sào hoa cúc trồng được từ 2,5-2,7 vạn cây, có nhà trồng đến 3 vạn cây, tỷ lệ nở của hoa cúc cao đến 80-85%. Sau khoảng 2 tháng cây đã trổ nụ bắt đầu tỉa nụ nhánh, chỉ nuôi 1 bông đẹp để bán cành, sau khi chăm sóc 25-27 ngày tiếp theo sẽ được thu hoạch. Những nhà có kinh nghiệm, chăm tốt còn được thêm 1-2 bông nhánh nhỏ hơn để tỉa bán hoa đĩa. Hoa cúc đẹp, chơi bền lại có gần 20 loại, màu sắc đa dạng: vàng, trắng, tím, ánh bạc… kể cả màu xanh (giống cúc Pháp và cúc chi Xinh-ga-po) nên thị trường rất ưa chuộng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán từ 1.000-1.200 đồng/bông, mỗi sào hoa cúc, trừ chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện thắp sáng, công chăm sóc hết khoảng 5-6 triệu đồng, người trồng thu lãi ròng vụ hoa Tết từ 20-25 triệu đồng/sào. Làng hoa Nam Phong trước đây trồng nhiều loại hoa khác nhau như: thược dược, đồng tiền, cúc vạn thọ, cẩm chướng, hồng, huệ… Khoảng chục năm trở lại đây, người làng hoa chuyển sang trồng nhiều nhất là hoa cúc, hoa hồng. Riêng vụ hoa Tết, ngoài 2 loại hoa phổ thông trên, khoảng vài năm trở lại đây, một số hộ đã đầu tư vốn lớn để trồng các loại hoa giá trị cao như lay ơn, ly… Làng hoa Nam Phong phân chia thành từng vùng trồng các loại hoa khác nhau: hoa cúc được trồng nhiều ở các xóm Mỹ Lợi 1 và 2; các xóm Mỹ Tiến 1 và 2 thì lại trồng nhiều hoa hồng. Còn xóm Nhất Thanh sát sông Đào thì trồng xen kẽ các giống cúc, hồng, ly, lay ơn... Anh Nguyễn Văn Hạnh, xóm Mỹ Tiến 2 đã có kinh nghiệm trồng hoa hồng gần chục năm cho biết: Nhà anh trước đây cũng trồng hoa cúc, sau chuyển sang trồng hoa hồng vì đỡ tốn công chăm sóc hơn hoa cúc. Tuy hoa hồng phải nhập giống từ nơi khác về nhưng thời gian sinh trưởng ngắn, từ 45-50 ngày/lứa. Mỗi sào trồng được từ 3,5-5 nghìn gốc, mỗi gốc cho thu hoạch liên tục từ 3-5 năm mới phải thay mới. Năm đầu tiên, mỗi gốc hồng cho một bông hoa, người có kinh nghiệm thường cắt bỏ, chăm bón tốt để cây đẻ nhánh (mỗi nhánh là một bông) rồi mới cắt bán. Sang năm thứ 2, hoa hồng cho thu hoạch quanh năm, từ 10-12 bông/gốc/năm, từ năm thứ 3 trở đi có thể thu được từ 18-20 bông/gốc/năm. Với giá bán tại vườn dao động từ 1.000-1.500 đồng/bông, mỗi sào trồng hoa hồng người làng hoa cũng có thu nhập tương đương hoa cúc. Để đón vụ hoa Tết, vừa phải “canh” thời tiết thật chuẩn, người trồng hoa hồng vừa phải chăm sóc mạnh từ trung tuần tháng 10 âm lịch để hoa nở đều, đẹp; mỗi gốc ít nhất phải được từ 2-3 bông thì mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh các loại hoa hồng, hoa cúc, từ năm 2005 đến nay, vụ hoa Tết của Nam Phong còn có một “đặc sản” nữa là hoa ly. Ông Đinh Xuân Thiện, xóm Mỹ Tiến, người đầu tiên của làng hoa Nam Phong mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hoa ly cho biết: khác với các loại cúc, hồng, hoa ly xuất xứ từ Hà Lan, là giống hoa ưa thời tiết lạnh nên mỗi năm chỉ trồng được duy nhất một vụ để đón Tết. Hoa ly có hai loại là giống ngắn ngày (từ 75-80 ngày), mỗi sào trồng được 7.000 gốc và dài ngày (từ 120 ngày trở lên), mỗi sào trồng được tối đa 6.000 gốc. Vụ hoa ly Tết thường được xuống giống từ khoảng cuối tháng 8 âm lịch. Vì phải nhập giống từ nước ngoài về, yêu cầu kỹ thuật rất cao, các công đoạn chăm sóc rất tỉ mỉ (tránh nắng, tránh sương…) nên đầu tư trồng hoa ly chi phí cao (gấp 18-20 lần so với hoa cúc, hoa hồng), khoảng 90-100 triệu đồng/vụ. Mỗi gốc hoa ly thường cho từ 3-7 bông, chơi được từ 7-10 ngày, đủ cả hương và sắc; phù hợp với nhiều không gian gia đình trong dịp Tết, giá bán dao động từ 150-300 nghìn đồng/chậu, mỗi chậu từ 3-5 gốc. Mỗi sào trồng hoa ly cho thu nhập thực tế từ 150-200 triệu đồng/vụ. Bắt đầu từ mùa đông năm 2005, ông Thiện mạnh dạn chuyển cả 3 sào hoa hồng sang trồng hoa ly. Ngay vụ hoa đầu tiên đã có lãi ròng gần 500 triệu đồng. Những vụ sau, đã có kinh nghiệm ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng hoa ly, đến nay đã được 2 mẫu. Vì ly mỗi năm chỉ có một vụ nên sau vụ hoa Tết, diện tích đất trồng hoa lại được ông trồng lúa và các loại rau màu ngắn ngày như ngô, lạc. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, một số hộ trong xã cũng đầu tư trồng hoa ly và một số loại hoa cao cấp khác như: tuy-líp, lay ơn… Nhờ đó, làng hoa Nam Phong không chỉ có hoa bốn mùa, mà vụ hoa Tết lại càng rực rỡ về màu sắc, đa dạng về chủng loại để cung ứng cho nhu cầu trong tỉnh và thương lái tìm về tận vườn thu mua để cung ứng đi các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Nghề trồng hoa ở xã Nam Phong không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu ngay từ đất quê hương. Khoảng hai chục năm gần đây, diện tích trồng hoa của xã không ngừng được mở rộng. Ước tính, nghề trồng hoa của xã Nam Phong đã thu hút trên 1.000 hộ dân tham gia với tổng diện tích xấp xỉ 100ha. Với sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn vụ hoa Tết năm nay sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân Nam Phong./.
Bài và ảnh: Thành Trung