Hoành Sơn ưu tiên phát triển đa ngành nghề

07:11, 26/11/2015
Những năm qua, xã Hoành Sơn (Giao Thủy) đã tập trung thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Hoành Sơn đã trở thành xã đa nghề: Mộc dân dụng, cơ khí, may công nghiệp, sản xuất cọc bê tông dự ứng lực, chế biến lương thực, thực phẩm… Năm 2015, tổng thu nhập từ sản xuất CN-TTCN và dịch vụ của xã ước đạt xấp xỉ 58 tỷ đồng. 
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở Hải Mạnh, xã Hoành Sơn.
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở Hải Mạnh, xã Hoành Sơn.
Từ năm 2010 về trước, xã Hoành Sơn cơ bản thuần nông, kinh tế chủ đạo là sản xuất nông nghiệp nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Xã có tổng số dân hơn 8.700 người, trong đó có gần 3.500 người trong độ tuổi lao động; năm 2010, bình quân thu nhập đầu người của xã mới đạt trên 6 triệu đồng/năm. Vì thế, thời điểm nông nhàn, hàng trăm lao động của xã phải đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trước tình hình đó, trong giai đoạn 2010-2015, Đảng uỷ, UBND xã đã triển khai nhiều biện pháp phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt tập trung phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân… Để thực hiện được mục tiêu đó, xã Hoành Sơn đã tập trung hoàn thành công tác DĐĐT trong năm 2012, quy hoạch gọn vùng đất công rộng trên 10ha sát tỉnh lộ 489 để tạo mặt bằng xây dựng điểm công nghiệp. Xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân khẩn trương giải tỏa mặt bằng, hỗ trợ đơn vị thi công nhanh chóng thi công sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình: tỉnh lộ 489 (đoạn qua địa bàn xã dài gần 4km); Quốc lộ 37B (khoảng trên 1,6km) để tạo thêm lợi thế phát triển kinh tế… Để tạo nguồn vốn cho người dân đầu tư, xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng với tổng dư nợ cho vay trên 30 tỷ đồng. Hằng năm, xã Hoành Sơn đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức gần 20 lớp dạy các nghề: May công nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí… cho hàng trăm lượt lao động tham gia. Nhờ tích cực thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, đến nay xã Hoành Sơn đã cơ bản phá được thế “độc canh nông nghiệp”. Với vị trí giao thông thuận lợi, điểm công nghiệp xã Hoành Sơn đã thu hút được 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển các nghề: Cơ khí, may công nghiệp, mộc mỹ nghệ và đúc cọc bê tông dự ứng lực phục vụ thi công các công trình xây dựng… Năm 2014, được sự tạo điều kiện của xã, Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (trụ sở chính ở xã Giao Tiến) chuyên sản xuất các loại máy móc phục vụ các ngành chế biến nông sản và xây dựng như máy trộn đảo bê tông, máy tuốt lúa đã đầu tư trên 39 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất số 2 tại xã Hoành Sơn, nhà máy có công suất trên 12,7 nghìn sản phẩm/năm. Đầu năm 2015, nhà máy số 2 của Cty đã hoàn thành xây dựng và chính thức hoạt động, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Tháng 6-2014, Cty TNHH Minh Tiến được thành lập và chính thức đầu tư xây dựng nhà xưởng tại điểm công nghiệp xã. Cuối năm 2014, Cty đã hoàn thành xây dựng trên 1.000m2 nhà xưởng và đi vào sản xuất các sản phẩm trang phục (quần âu, áo giắc-két) xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Hiện tại, Cty tạo việc làm cho khoảng 70 lao động địa phương và các xã xung quanh với mức thu nhập bình quân từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, Cty sản xuất được khoảng 4.000 sản phẩm áo giắc-két hoặc 10 nghìn sản phẩm quần âu. Từ khi Cty chính thức đi vào hoạt động, nhiều lao động địa phương đi làm ăn ở tỉnh ngoài như các chị: Đặng Thị Thủy, xóm 1, làm công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh; Doãn Thị Tuyến, làm công nhân may ở tỉnh Đồng Nai… đã trở về quê hương làm việc. Ngoài các dự án đầu tư tại điểm công nghiệp, còn có hơn 10 tổ hợp, cơ sở sản xuất nghề cơ khí với quy mô từ 3-10 lao động/cơ sở phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài xã. Nghề may công nghiệp cũng phát triển mạnh với 2 doanh nghiệp và 5 tổ hợp (quy mô từ 15-30 lao động/cơ sở). Cơ sở sản xuất cọc bê tông dự ứng lực Mạnh Ngọc tại điểm công nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho gần 20 lao động với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của cơ sở không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhiều công trình xây dựng trong xã, trong huyện mà còn được xuất bán sang các huyện lân cận như: Xuân Trường, Hải Hậu… Gần 20 cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ với quy mô từ 3-7 lao động. Thu nhập của người lao động nghề mộc thường đạt từ 100-150 nghìn đồng/người/ngày; thợ lành nghề, thợ kỹ thuật có thể đạt mức thu nhập từ 180-220 nghìn đồng/người/ngày. 
 
Phát triển sản xuất CN-TTCN với đa dạng ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn đang là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế của xã Hoành Sơn. Cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ đã nâng lên xấp xỉ 50%. Số người có việc làm và thu nhập ổn định tăng lên nên tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 4,74%; bình quân thu nhập đầu người năm 2015 đạt 16 triệu đồng/người/năm; xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng NTM. Thời gian tới, xã Hoành Sơn tiếp tục khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành, đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ đạt 135 tỷ đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%; hoàn thành xây dựng NTM trước năm 2020./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com